Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Biên giới Kon Tum những ngày chống Mỹ

Biên phòng - Với chiến thắng Plei Kần, Đắk Seang và Đắk Tô - Tân Cảnh, từ năm 1972, nhiều vùng biên giới tỉnh Kon Tum đã trở thành vùng giải phóng. Những chiến sĩ Tây Nguyên đã tưng bừng vào trận để đập tan vòng kiềm tỏa của kẻ thù: "Hôm nay/ Chư Mom Ray/ Đỉnh cao ngàn tám/ Chiến sĩ/ Những người lăn lộn/ Từ Plei Me, Đăk Tô/ Từ Ngọc Rinh Rua/ Về ngã ba biên giới/ Họ mới từ nương rẫy/ Về đây cho ngày trẩy hội/ Rất vội mà vui…" (thơ Trương Vĩnh Tuấn).

wu13_9a
Đài tưởng niệm 52 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến tiêu diệt căn cứ Đắk Seang. Ảnh: Tuệ Lâm

Lửa đạn rực trời Đăk Tô - Tân Cảnh

Tối 23-4, tỉnh Kon Tum long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh. Đây là một trong những chiến thắng quan trọng góp phần tạo nên một cục diện thuận lợi cho cách mạng tại chiến trường miền Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam. Ngày nay, địa điểm Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Nhớ lại chuyến công tác vào năm 2012, tôi đã có dịp tham quan cụm di tích hoành tráng với hình tượng mái nhà rông cao vút, phía trước là nhóm tượng chiến sĩ Giải phóng quân cùng bà con Tây Nguyên kề vai nhau chiến đấu và hai bên là hai chiếc xe tăng được sơn bóng loáng. Dưới rặng cây xanh ngắt, tất cả cụm di tích đó đã gợi cho tôi hình ảnh những chiến sĩ Sư đoàn 320 và Sư đoàn 2, Bộ đội Tăng thiết giáp… đã chiến đấu ngoan cường; gợi lại hình ảnh đồng bào các dân tộc Ê Đê, Mơ Nông, Gia Rai dẫu còn đói cơm, nhạt muối nhưng vẫn một lòng theo cách mạng cõng đạn, chuyển lương tiếp tế cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Trở lại câu chuyện của mấy mươi năm về trước, nhằm phục vụ cho âm mưu "Bình định phát triển" của mình trên cao nguyên Trung Phần (cách gọi Tây Nguyên của chế độ ngụy quyền Sài Gòn), đồng thời ráo riết thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ - ngụy đẩy mạnh cuộc chiến giành dân với những thủ đoạn khốc liệt và vô cùng tàn nhẫn.  Khi đó, Đắk Tô - Tân Cảnh vốn là căn cứ quân sự mạnh nhất của quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Tây Nguyên, được biên chế 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp và còn có sự yểm trợ của máy bay ném bom chiến lược B52.

Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, một chiến sĩ Tây Nguyên kể lại: Năm 1972, Mặt trận Đường 9 - Nam Lào đang trong thế chẻ tre nên Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra Nghị quyết nêu rõ: "Tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên, hướng chủ yếu là Đắk Tô - Tân Cảnh đến thị xã Kon Tum". Cuối tháng 3-1972, mùa dã quỳ vàng rực đất trời, mùa con ong đi lấy mật thì cũng là lúc chiến sĩ các đơn vị trên toàn mặt trận náo nức bước vào cuộc tổng tiến công chiến lược. Sự xuất hiện của những chiếc xe tăng hạng nặng đã khiến quân địch bất ngờ.

Sau những trận tập kích liên tục của bộ binh để tiêu hao sinh lực địch ở vòng ngoài, Đại đội 7, Tiểu đoàn 297 và Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ phối hợp tác chiến tiêu diệt căn cứ Đắk Tô - Tân Cảnh. Đêm 23-4, xe tăng mang số hiệu 377 và 352 xuất kích, càn qua các hàng rào để yểm trợ cho bộ binh thọc sâu vào căn cứ. Kíp trắc thủ trên xe tăng nã đại liên vào các khu công sự và đánh thẳng vào sở chỉ huy ngụy. Sau 3 giờ đồng hồ quần thảo, rạng sáng ngày 24-4, ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm gian ác này, mở ra những chiến thắng vang dội khác trên địa bàn Kon Tum.

Xóa sổ "tiểu đoàn anh hùng" của Mỹ

Với các chiến sĩ Tây Nguyên, địa danh Plei Kần là vô cùng quen thuộc bởi nơi đây trước năm 1965 là một buôn lớn, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên sinh sống ổn định trong khu vực ngã ba biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia. Đây được đánh giá là một vùng đất có vị trí chiến lược với nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua như đường 14B, 14C, Quốc lộ 40 xuyên qua cửa khẩu Bờ Y tới Campuchia và Lào. Chính vì vậy mà Mỹ-ngụy phá hủy Plei Kần, dồn dân về ấp chiến lược để xây dựng 5 cứ điểm kiên cố, trang bị hỏa lực mạnh, đồng thời có hệ thống hầm ngầm và gần 300 lô cốt trấn giữ ngã ba biên giới trên diện tích rộng gần 60km2. Tại đây còn có sân bay, trận địa pháo và một phân đội xe tăng do một tiểu đoàn thiện chiến của Mỹ đóng quân ở đây quản lý. Năm 1968, cụm cứ điểm này được giao lại cho Tiểu đoàn 95 Biệt động Biên phòng ngụy đảm nhiệm.

Từ năm 1967 đến 1972, ta tổ chức nhiều đợt tấn công vào cụm cứ điểm Plei Kần, song đều không thành công. Đến tháng 10-1972, nhằm mở rộng vùng giải phóng và khai thông biên giới, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã giao cho Sư đoàn 10 tập trung toàn lực tiến đánh cứ điểm này. Địch tổ chức phản công, cho 57 đợt máy bay bắn vào trận địa pháo của ta hòng đẩy lui các đợt tấn công như vũ bão. Song sau hai ngày đêm chiến đấu kiên cường đến 18 giờ 30 phút, ngày 12-10-1972, quân ta đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Plei Kần. 470 tên địch bị tiêu diệt và bắt sống, 6 máy bay địch bị bắn rơi cùng hàng chục khẩu pháo, súng cối, xe tăng và toàn bộ kho đạn bị tịch thu. Tiểu đoàn 95 Biệt động Biên phòng - đơn vị được phong tặng danh hiệu "Tiểu đoàn anh hùng" của Mỹ bị xóa xổ. Sau khi ổn định địa bàn, những chiến sĩ của Sư đoàn 10, Trung đoàn 66 lại tiếp tục hành quân về thị xã Kon Tum để cùng các đơn vị bạn mở mặt trận mới.

Tiêu diệt căn cứ Đắk Seang, khai thông biên giới

Sau khi đánh thắng cứ điểm Plei Kần, Trung đoàn 66 đang hành quân về phía Nam thị xã Kon Tum thì nhận được lệnh phải quay ngược lên phía Bắc để tiếp tục đánh Đăk Seang. Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh ngày 23-10-1972 là "Phải tổ chức đánh Đắk Seang ngay, phối hợp với chiến trường toàn miền Nam tiêu diệt địch, đẩy chúng sâu vào thế thua, làm mất hy vọng giành chiến thắng ở Hội nghị Paris trên thế mạnh". Vậy là, dẫu còn mệt mỏi sau trận đánh lớn và chặng hành quân vượt rừng suốt 10 ngày, nhưng những chiến sĩ của Trung đoàn 66 đã quyết tâm đi cả ngày lẫn đêm, đến vị trí trước thời gian quy định 4 ngày để nhanh chóng triển khai trận địa chiến đấu.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc tấn công căn cứ Đắk Seang thực sự vô cùng khó khăn, bởi trước đây, khu căn cứ này được xây thành một pháo đài hình vuông trên diện tích 3km2 nằm án ngự phía Bắc tỉnh Kon Tum và biên giới Việt - Lào. Tiểu đoàn 90 Biệt động quân Biên phòng với quân số là 431 binh sĩ, chia thành 3 đại đội trấn giữ và 3 trung đội viễn thám. Tiểu đoàn này được trang bị súng đại bác cùng nhiều vũ khí bộ binh. Mỹ cũng cử đến đây một toán quân Mũ nồi xanh để làm cố vấn đặc biệt. Nhiệm vụ của căn cứ này là tổ chức thám thính biên giới và ngăn chặn đường xâm nhập, giao liên, tiếp vận của cách mạng cho chiến trường miền Nam.

Sáng 25-10-1972, Trung đoàn 40 của ta đã chiếm lĩnh xong các trận địa pháo và ém quân tại các khu vực hiểm yếu. Sáng 30-10-1972, pháo của ta bắt đầu dồn dập triển khai hỏa lực. Dưới sự yểm trợ của pháo binh, các chiến sĩ Trung đoàn 66 đã vượt lên dùng mìn phá hàng rào kẽm gai và từng bước tiêu diệt hỏa lực địch. Chưa đầy nửa giờ, bộ đội ta đã làm chủ căn cứ, tiêu diệt gần hết số quân địch đồn trú và thu toàn bộ vũ khí, kho tàng trong căn cứ.                                                                    

Vậy là khởi đầu từ tháng 4-1972 với Đắk Tô - Tân Cảnh và kết thúc vào tháng 10 với Plei Kần, Đắk Seang cùng nhiều căn cứ khác của địch đã bị quân ta tiêu diệt. Vùng giải phóng Tây Nguyên được mở rộng, ngã ba biên giới Đông Dương được khai thông cho con đường vận tải chiến lược, con đường hành quân chống Mỹ của bộ đội ta tiến sâu, tiến chắc về Đông Nam bộ. Từ những thất bại của Mỹ, ngụy trên mặt trận Tây Nguyên đã mở đầu cho hiệu ứng đô-mi-nô thất bại liên tiếp trên các chiến trường khác của địch, dọn đường cho những chiến sĩ Giải phóng quân tiến thẳng đến Đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO