Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 09:01 GMT+7

Biến đồng đá hoang thành rẫy nương trù phú

Biên phòng - Từ vùng đất khó, đá cuội xếp từng lớp xe kín mặt đất, phải tìm khe hở chọc tỉa cây bắp, cây đậu, người dân xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã khổ công đáo đá, san đất, biến hàng trăm héc ta đất đá thành rẫy cây công nghiệp xanh mướt. Cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc trên vùng đất cằn sỏi đá.

Người dân Nam Dong đã biến những cánh đồng đá thành vườn tiêu xanh tốt. Ảnh: Lê Hường

Gạt sỏi đá tìm “vàng”

Năm 1989, cựu chiến binh Bùi Văn Xuấn cùng nhiều người dân Nghệ An rời quê hương vào xã Nam Dong xây dựng kinh tế. Vất vả khai hoang, gia đình ông có được 1 ha đất sản xuất, nhưng đá cuội quá nhiều, gia đình ông chỉ trồng được cây ngắn ngày với tỉ lệ thưa thớt, năng suất chẳng được là bao. Vì thế mà thu nhập của gia đình rất bấp bênh, đói nghèo luẩn quẩn. Các thành viên trong gia đình bàn nhau đào, đập từng viên đá cuội, khuân xếp thành hàng rào bao quanh rẫy, dọn sạch đá đến đâu, ông trồng màu đến đó. Thành quả là kinh tế gia đình từng bước ổn định, khá giả.

Ông Xuấn kể: “Hồi đó, nơi đây hoang vu lắm. Cả vùng đất rộng lớn bao la này chỉ cây dại mọc um tùm, cứ tưởng khai hoang xong thì có đất sản xuất. Ai ngờ, phát quang đến đâu, đá cuội chồi ra đến đó, kích thước lớn nhỏ đủ loại, đặt lưỡi cuốc xuống là đụng đá, mọi người nhìn nhau ai cũng nản. Chúng tôi dùng cây sắt lách đá chọc từng cái lỗ nhỏ gieo hạt đậu, bắp, rồi khi thu hoạch xong lại đi bộ hàng chục cây số mang đến xã khác đổi lấy gạo ăn. Nhiều năm canh tác, chúng tôi nhận thấy bên dưới lớp đá cuội này là đất bazan màu mỡ, nên mọi người hô nhau đào đá để có đất sạch sản xuất. Miệt mài đào, đập đá, bà con đã biến hàng trăm héc ta đất đá hoang thành vùng sản xuất như ngày hôm nay”.

Hơn 20 năm trước, gia đình ông Châu Văn Đức cũng rời quê vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thời gian đầu, ông sinh sống ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, nhưng đất canh tác ít, không đủ sản xuất, thu nhập thấp. Ông Đức bảo: “Khoảng chục năm trước, tôi nghe nhiều người giới thiệu đất ở Nam Dong rẻ, chỉ vài chục triệu một héc ta, sau khi tìm hiểu, tôi đến mua gần 2 ha đất ở thôn 13 với giá 60 triệu đồng. Tôi vừa canh tác, vừa cải tạo đất. Nhiều năm miệt mài đào, thu gom, tập kết đá, rồi mua trụ trồng tiêu. Thời điểm tiêu được giá, gia đình tôi thu nhập khá, mỗi năm cũng lãi hàng trăm triệu đồng. Mấy năm nay, giá tiêu thấp hơn, nhưng vẫn cho gia đình thu nhập ổn định, cuộc sống cũng khấm khá hơn trước nhiều”.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Quả đúng là “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, chú tâm cải tạo, đào hết đá dưới đất lên, người dân Nam Dong có hàng nghìn héc ta đất bazan màu mỡ để sản xuất. Từ đó, kinh tế người dân từng bước thay đổi, cái đói nghèo lùi xa, không ít gia đình trở thành triệu phú, tỷ phú.

Xã Nam Dong có khoảng 90% người dân đi xây dựng kinh tế mới và dân phía Bắc di cư vào lập nghiệp. Thời kỳ những năm 2005 - 2010, xã Nam Dong có cả ngàn héc ta đất nông nghiệp chỉ trồng cây ngắn ngày vì quá nhiều đá cuội, đá mồ côi. Thời đó, một héc ta đất vài chục triệu đồng cũng không có người mua. Bây giờ, cánh đồng đá đã được cải tạo thành “đất sạch”, giá đất tăng cả chục lần, cây trồng năng suất mỗi năm cho người dân thu nhập tiền tỷ.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Đàm Vịnh, thôn 5 là hộ nghèo, làm không đủ ăn, bây giờ, cuộc sống no đủ, nuôi con ăn học và đã có công ăn việc làm đàng hoàng. Ông Vịnh cho biết, ông đầu tư cải tạo 3ha đất toàn đá mồ côi nằm ngổn ngang để trồng tiêu, đến nay, gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ vật dụng phục vụ sinh hoạt trong nhà. “Thời gian đầu, tôi trồng cây ngắn ngày nhưng thu nhập chẳng đủ ăn, tôi quyết tâm vay vốn, đào đá, mua trụ trồng tiêu. Hiện nay, gia đình tôi đã có 3 ha tiêu xanh tốt, mỗi năm thu hoạch khoảng chục tấn tiêu hạt, trừ chi phí sản xuất cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng”.

Mười năm trở lại đây, đời sống của người dân và diện mạo xã Nam Dong ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Đường nhựa, bê tông trải dài khắp nẻo, trường học, trạm xá khang trang, điện đường chiếu sáng ngõ xóm. Từ một xã khó khăn, Nam Dong đã về đích nông thôn mới năm 2018. Toàn xã có hàng trăm nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây nhà cửa khang trang, thu nhập bình quân đầu người gần 50 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ xã Nam Dong, các xã Ea Pô, Cư K’nia, Đắk Wil... của huyện Cư Jút cũng đã biến những cánh đồng rộng lớn toàn đá cuội, đá mồ côi thành nương rẫy màu mỡ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Trương Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Nam Dong cho biết: “Mặc dù điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng khá khắc nghiệt, nhưng nhờ ý chí, nghị lực phi thường, người dân nơi đây đã cải tạo những cánh đồng đá trồng cây công nghiệp, phát triển nhiều mô hình kinh tế. Nhờ đó mà nay người dân Nam Dong đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Với hàng nghìn héc ta cây công nghiệp, cây trồng chủ lực của xã là tiêu và cà phê, Nam Dong đang từng ngày khởi sắc”.

Lê Hường

Bình luận

ZALO