Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Biến động chính trị Italia đe dọa sức mạnh EU

Biên phòng - Dư luận quốc tế những ngày gần đây dành nhiều sự quan tâm tới tình hình chính trị Italia sau sự kiện Thủ tướng Italia Mario Draghi nộp đơn từ chức nhưng đã bị Tổng thống Italia Sergio Mattarella bác đơn. Giới quan sát chính trị châu Âu nhìn nhận, chính trường Italia lâu nay diễn biến vô cùng phức tạp và sự kiện vừa qua đã thổi bùng ngọn lửa bất ổn vốn âm ỉ lâu nay. Biến động chính trị tại Italia có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị cho toàn châu lục.

Quang cảnh một phiên trả lời chất vấn Quốc hội của Chính phủ Italia. Ảnh: Chính phủ Italia

Nguyên nhân dẫn tới việc Thủ tướng Italia từ chức xuất phát từ việc đảng Phong trào 5 Sao (M5S) từ chối tham gia bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ, động thái thể hiện rút lại sự ủng hộ với ông Draghi. Đảng M5S là chính đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, chiếm hơn 30% số ghế tại Thượng viện và Hạ viện. Ông Draghi tuyên bố sẽ không điều hành một chính phủ liên minh mà thiếu đảng M5S. Đồng thời, tuyên bố rằng, các điều kiện cần thiết để duy trì chính phủ liên minh không còn nữa và hiệp ước tin cậy vốn là nền tảng thành lập chính phủ cũng đã không còn.

Cũng theo giới quan sát chính trị, đảng M5S đe dọa rút khỏi liên minh cầm quyền và lãnh đạo một số đảng lớn khác cũng cùng chung lời đe dọa khiến chính phủ của Thủ tướng Draghi đứng trước nguy cơ sụp đổ. Bên cạnh sự đối lập với chính quyền của ông Draghi, vừa qua, thị trưởng của 11 thành phố lớn tại Italia đã kêu gọi vị đương kim thủ tướng tiếp tục tại nhiệm. Các thăm dò dư luận trong nước cũng cho thấy, ý chí chung của người dân Italia muốn ông Draghi tiếp tục làm thủ tướng. Bởi lẽ, Italia đang trải qua những cuộc khủng hoảng đan xen về lạm phát, năng lượng, đe dọa an ninh khu vực... nên có thêm một cuộc khủng hoảng chính trị sẽ khiến đất nước lún sâu vào tình trạng vô cùng tồi tệ.

Xoay quanh những bất ổn phức tạp trên chính trường Italia, nhiều học giả chính trị châu Âu bày tỏ quan ngại rằng, khủng hoảng chính trị không chỉ trong nội bộ Italia mà có nguy cơ lan rộng trên toàn “lục địa già”.

Các phân tích chính trị tổng quan chỉ ra rằng, sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), khối này hiện hữu xu hướng tạo dựng bộ ba quyền lực Đức - Pháp - Italia trở thành trụ cột của EU. Vì vậy, việc một trụ cột bị suy yếu chắc chắn sẽ đe dọa đến sự vững chắc của khối. Trong bộ ba này, dù không có tầm ảnh hưởng mạnh như Pháp và Đức, nhưng Italia là nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Âu và có vai trò to lớn trong khối 27 quốc gia EU.

Giới chuyên gia cho rằng, chính trường Italia vốn có truyền thống bất ổn, thể hiện rõ nhất ở việc trong 70 năm có tới 65 lần thay đổi chính phủ. Vì vậy, “đặc sản” này hầu như không gây tác động quá lớn tới châu Âu trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự bất ổn lần này diễn ra trong thời điểm vô cùng nhạy cảm với EU, khi tỷ lệ lạm phát đạt kỷ lục trong nhiều thập kỷ và nguy cơ khủng hoảng năng lượng đang cận kề. Đồng thời, EU cũng đang đối diện với một nền chính trị, kinh tế, xã hội bị tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 và biến động an ninh châu Âu.

Nhiều học giả chính trị châu Âu cùng chung đánh giá, thời điểm hiện nay, có mức độ nguy hiểm nhất đối với châu lục trong nhiều thập kỷ, thậm chí còn khủng khiếp hơn các cuộc khủng hoảng trước đó, như khủng hoảng tài chính năm 2008, khủng hoảng nợ công năm 2012...

Các dự báo từ giới chuyên gia cho biết, những áp lực và các mối nguy hại đối với châu Âu trong giai đoạn vừa qua mới chỉ là bước đầu và có thể sẽ còn bị đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Vì vậy, việc xuất hiện thêm một cuộc khủng hoảng ở Italia thực sự là một mối đe dọa rất lớn cho nội lực của EU.

Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, một trong ba trụ cột của EU là Italia rất cần sự ổn định để giữ vững khả năng chống chọi, thích ứng của khối. Ở góc độ lạc quan, đây cũng là niềm tin về việc “bão tố” trên chính trường Italia những ngày qua sẽ sớm tan để nhanh chóng ổn định, củng cố sức mạnh không chỉ riêng với quốc gia này mà còn cho tập thể EU.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO