Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Biển Đông: Cách nhìn rộng mở

Biên phòng - Với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực”, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội, đầu tháng 11 vừa qua có quy mô nhất từ trước đến nay, khuyến khích một cách nhìn rộng mở về Biển Đông như là vùng biển kết nối các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, duy trì sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế; đồng thời quan tâm đến sự liên thông thống nhất giữa các vùng biển và đại dương, là sự kéo dài của các lục địa.

qniz_26
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Diễn đàn sáng tạo

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông năm nay mang một không khí đặc biệt, bởi năm 2019 là năm kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Trong khuôn khổ hội thảo có một phiên điểm lại nội dung, ý nghĩa, quá trình xây dựng UNCLOS - một trong những văn bản quan trọng của Liên hợp quốc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Lê Hoài Trung cho biết, khi trọng tâm kinh tế, chính trị thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ và có tác động nhiều đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Biển Đông càng có giá trị chiến lược quan trọng. Các sáng kiến chiến lược quan trọng của các cường quốc hay của ASEAN đều lấy Biển Đông làm trung tâm hoặc có cấu phần quan trọng liên quan đến Biển Đông. Do đó, mọi phát triển và vận động trên Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của các quốc gia khu vực, mà còn thu hút sự quan tâm và ảnh hưởng đến lợi ích của cả cộng đồng quốc tế.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, khi đề cập đến vấn đề Biển Đông không chỉ có khác biệt, tranh chấp, hay những diễn biến phức tạp, mà còn có cả sự hợp tác trên khuôn khổ song phương và đa phương. Chỉ riêng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có trên 12 cơ chế có liên quan đến hợp tác biển. Mặc dù lợi ích rất đa dạng, nhưng cần ghi nhận những nỗ lực xây dựng trên cơ sở lòng tin và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực. 

Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam nói riêng có quan hệ hợp tác trên biển dưới nhiều hình thức khác nhau với các nước ven Biển Đông. Với tất cả các quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đều có các khuôn khổ hợp tác hoặc là về song phương, hoặc là về đa phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hợp tác Biển Đông cũng có sự tham gia của nhiều đối tác bên ngoài gồm có các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế.

Tham gia hội thảo năm nay có khoảng 200 quan chức, học giả và các nhà ngoại giao đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông đã từng bước trở thành một trong số ít diễn đàn khoa học có tầm ảnh hưởng và được xây dựng trên nguyên tắc thẳng thắn, khoa học, cầu thị và cởi mở. Hội thảo đã góp phần nâng cao hiểu biết về vấn đề Biển Đông đối với công chúng và những người hoạch định chính sách tại nhiều nước; bên cạnh đó, hội thảo đang dần trở thành một diễn đàn bán chính thức hàng đầu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo, góp phần cải thiện tình hình an ninh biển.

Hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều sự dịch chuyển về kinh tế, chính trị, trong đó, Biển Đông đang nắm giữ nhiều giá trị chiến lược. Có thể thấy, một số nước lớn trên thế giới và các quốc gia thành viên ASEAN đang đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự và coi vấn đề này có tầm chiến lược đến an ninh quốc gia của mỗi nước. Trong bối cảnh đó, cùng với xu thế hợp tác ngày càng tăng giữa các nước, theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng chỉ ra các thuận lợi và thách thức đối với triển vọng hợp tác và hòa bình ở Biển Đông. Về thuận lợi, thứ nhất, nhìn tổng thể hòa bình hợp tác phát triển là xu thế chung. Thứ hai, đã có UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý trong giải quyết các vấn đề trên biển, đặc biệt là trong quan hệ với các quốc gia. Thứ ba, Biển Đông nằm trong khu vực được cộng đồng quốc tế quan tâm. Thứ tư, các quốc gia ven biển đều tuyên bố và coi trọng thúc đẩy hòa bình ổn định và hợp tác khu vực. Thứ năm, đã có những kinh nghiệm về thúc đẩy hợp tác về giải quyết tranh chấp chồng lấn thông qua đàm phán và thông qua những biện pháp khác theo đúng như Chương 6, Hiến chương Liên hợp quốc (về nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế).

Về thách thức, thứ nhất, khi có những vấn đề liên quan đến tranh chấp, những vấn đề liên quan đến khác biệt trong quá trình hợp tác thì có phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 để đưa ra lập trường, các yêu sách của mình hay không? Thứ hai, thực tế của những vấn đề có nguồn gốc khách quan như hợp tác trên biển rất rộng lớn, ngay cả về khoa học, dù có đầy đủ những cơ sở khoa học, những ngành nghiên cứu hợp tác, cũng không phải là đơn giản. Thứ ba là có thể giải quyết được vấn đề làm sao để hợp tác mạnh hơn so với cạnh tranh, không để các yếu tố về cạnh tranh lấn át yếu tố hợp tác.

Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, tất cả các đại biểu đều nhận định rằng, luật pháp quốc tế về biển, cụ thể ở đây là UNCLOS 1982 là một văn bản pháp lý quốc tế toàn diện, góp phần hài hòa lợi ích của tất cả các quốc gia, nhất là các quốc gia có biển. Đồng thời, nhiều đại biểu khẳng định, trong suốt 25 năm qua, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển đã giúp các nước thiết lập trật tự trên biển, là một trong những hệ thống pháp lý về an ninh trên biển. Còn được gọi là Hiến chương về Đại dương, UNCLOS 1982 tạo điều kiện để hoàn thiện các khung pháp lý về biển và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế.

Thảo luận về vai trò của ASEAN và Liên hợp quốc trong kêu gọi thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, các đại biểu khẳng định, hai thể chế đa phương trên đều đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông. Nhiều năm qua, các nước ASEAN đều lên tiếng ủng hộ các giải pháp hòa bình, toàn diện và lâu dài đối với các tranh chấp tại Biển Đông. Còn Liên hợp quốc (có số thành viên lớn nhất so với các tổ chức quốc tế khác) luôn nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật và thúc đẩy các nước tuân thủ UNCLOS 1982.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông được tổ chức thường niên nhằm đánh giá những diễn biến mới nhất, nhận diện các động lực chi phối và tìm kiếm biện pháp hiệu quả để quản lý, giải quyết tranh chấp, cũng như thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông và các khu vực liên quan. Sau 10 năm tổ chức (kể từ năm 2009), hội thảo đã trở thành một trong những diễn đàn an ninh khu vực uy tín, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để thảo luận về các vấn đề có tầm quan trọng đối với hòa bình và phát triển như an ninh biển, luật pháp quốc tế, kinh tế biển và sinh thái biển.

Hồng Ngọc (tổng hợp)

Bình luận

ZALO