Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 31/05/2023 10:42 GMT+7

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực tới “tuổi thọ” các công trình đồn, trạm Biên phòng

Biên phòng - Sóng biển, triều cường, nước biển dâng, sạt lở cùng những hình thái thời tiết khắc nghiệt, cực đoan khác do biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động tiêu cực tới kết cấu công trình đồn, trạm Biên phòng trên toàn quốc. Nhiều công trình bị hư hỏng, gây ảnh hưởng tới công tác huấn luyện, cũng như việc sinh hoạt, học tập của cán bộ, chiến sĩ (CBCS).

Tường nhà chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Giang Tây bị ẩm mốc, bong tróc do nhiễm nước mặn. Ảnh: Bích Nguyên

Nhiều công trình bị xuống cấp

Chúng tôi tới Đồn Biên phòng Đất Mũi, BĐBP Cà Mau khi nơi này mới trải qua đợt triều cường mạnh nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Dấu tích triều cường để lại là vườn thuốc nam, hàng rào cây cảnh trong khuôn viên của đồn đang khô héo, rụng lá vì ngấm nước mặn.

Đất Mũi là xã có 3 mặt giáp biển, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường. Đứng trên địa bàn này, Đồn Biên phòng Đất Mũi chịu tác động tiêu cực từ triều cường, sạt lở bờ biển.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bảo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đất Mũi cho hay: “Hôm đó, tôi thức dậy lúc 1 giờ sáng, thấy nước lênh láng sân đồn. Dù đã nghe dự báo, nhưng tôi không ngờ nước lên cao vậy. Triều cường gây ảnh hưởng lớn tới công tác xây dựng đơn vị, huấn luyện cũng như tăng gia sản xuất. Mỗi lần xuất hiện triều cường, rau xanh chết hết, các loại cây trồng khác đều bị hư hại. Sau khi nước rút, chúng tôi phải bơm nước cho vườn cây để tháo mặn. Cây xanh bị chết nhiều hoặc có sống được thì phát triển cũng rất chậm”.

Anh Bảo cho biết thêm, thời tiết càng ngày càng biến đổi theo hướng tiêu cực, giông, lốc xoáy nhiều hơn làm hư hỏng nhiều phương tiện của người dân. Còn triều cường mỗi năm cao thêm khoảng 20cm. Năm 2020, triều cường dâng cao đột ngột hơn, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt của đơn vị và cả người dân trên địa bàn. Qua thời gian sử dụng, hệ thống tường nhà của Đồn Biên phòng Đất Mũi bị nhiễm mặn, ẩm mốc, bong tróc rất nhiều, cần phải chỉnh trang lại. Sóng biển, sạt lở đã làm hư hỏng nặng Trạm kiểm soát Biên phòng Rạch Tàu.

Theo những người lính Biên phòng Đất Mũi, trước kia, trạm kiểm soát ở mãi mé biển ngoài xa, cách mép biển bây giờ khoảng 1km. Năm nào khu đó cũng bị sạt lở. Năm 2018, sóng đánh dữ quá, nhà cửa của trạm bị sụt lún khoảng 50%. Trạm phải di dời về vị trí mới ngay trước cổng Đồn Biên phòng Đất Mũi.

Để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết, khí hậu, CBCS Đồn Biên phòng Đất Mũi phải kê kích đồ dùng, tìm thùng xốp trồng rau. “Chúng tôi phải làm thế để tiện cho việc di chuyển khi có triều cường” - anh Bảo nói. Có điều, vườn rau có thể di chuyển được, còn các loại cây ăn quả, cây xanh trong khuôn viên đơn vị trồng cố định vẫn đang phải chịu ảnh hưởng sau mỗi đợt triều cường.

Đồn Biên phòng Tam Giang Tây, BĐBP Cà Mau cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực của nước biển. Tới đây vào một ngày nắng đẹp, chúng tôi chứng kiến cây xoài của đơn vị đang rụng từng trái non, lá cây rủ xuống. Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Giang Tây bảo rằng, đó là hậu quả của đợt triều cường vừa qua.

“Nước triều dâng cao ngập vườn cây sau nhà chỉ huy khiến cây ăn quả bị chết, ao cá tràn hết” - Thiếu tá Doãn Quang Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Giang Tây cho biết - “Hơi nước mặn ở đây làm bong tróc sơn, lở tường nhà”. Nguồn nước sinh hoạt của Đồn Biên phòng Tam Giang Tây cũng bị nhiễm mặn.

Xây dựng kế hoạch thích ứng dài hơi

BĐBP quản lý, bảo vệ đường biên giới đất liền dài trên 4.900km, bờ biển dài khoảng hơn 3.260km. Do đặc thù công tác, vị trí đóng quân của BĐBP thường ở những nơi xung yếu, địa hình dễ bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Thêm vào đó, khí hậu nơi đóng quân rất khắc nghiệt. Trong khi đó, tình trạng BĐKH gia tăng khiến cho các hình thái thời tiết dị thường, cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều đã tác động xấu tới hạ tầng, công trình vật chất đồn, trạm Biên phòng.

Điển hình gần đây nhất là tình trạng sạt lở đất do mưa lũ kéo dài bất thường tại khu vực miền Trung hồi cuối năm 2020 đã khiến một số đồn, trạm Biên phòng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (BĐBP Quảng Bình) bị sập đổ, nứt gãy; Đồn Biên phòng A Xan (BĐBP Quảng Nam) bị nứt, có dấu hiệu sụt lún đất nền.

Qua kiểm tra, rà soát nhanh thời điểm tháng 10-2020, có 77 đơn vị (đồn, hải đội, trạm kiểm soát Biên phòng, tổ công tác, chốt phòng chống dịch Covid-19) thuộc BĐBP 18 tỉnh, thành phố có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt. Trước “sự đe dọa” của thời tiết cực đoan, Đồn Biên phòng A Xan, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo và một số đơn vị khác bị hư hỏng hoặc có nguy cơ mất an toàn đã sơ tán và di dời trang thiết bị tới địa điểm an toàn.

Vườn thuốc nam của Đồn Biên phòng Đất Mũi chết héo do bị ngập nước mặn. Ảnh: Bích Nguyên

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động của BĐKH, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thực hiện nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng “Đánh giá tác động và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các công trình và hoạt động của BĐBP” và nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường đối với các đơn vị BĐBP đóng quân trên địa bàn các tỉnh miền Bắc”. Các nhiệm vụ đã đánh giá diễn biến, ảnh hưởng của BĐKH đến các công trình và hoạt động của BĐBP, đồng thời, xác định phải có kế hoạch, chiến lược, phương án ứng phó sát với thực tế, phù hợp với đặc điểm từng vùng để giảm thiểu thiệt hại do BĐKH và nước biển dâng.

Theo đó, để ứng phó với BĐKH, thời tiết cực đoan, trước hết, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của CBCS và nhân dân khu vực biên giới về BĐKH và nước biển dâng nhằm tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức, trách nhiệm và ý thức phòng, chống những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH gây ra. Rà soát, có biện pháp sửa chữa các công trình hư hỏng, lựa chọn vật liệu xây dựng thay thế, đảm bảo phòng chống ăn mòn do độ mặn của nước biển gây ra và chịu được nắng nóng... Đồng thời, cần tiếp tục điều chỉnh một số đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch xây dựng doanh trại, đồn, trạm, công trình chiến đấu, công trình bảo vệ biên giới một cách hợp lý, hạn chế được các ảnh hưởng bất lợi của điều kiện tự nhiên, thích ứng được với BĐKH.

Một trong những hoạt động cần chú trọng nữa là xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH trong BĐBP và tổ chức hợp lý, khoa học các hoạt động của BĐBP nhằm ứng phó, giảm thiểu tác động của BĐKH. Đồng thời, tăng cường năng lực cho BĐBP ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thông qua tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ, đầu tư trang thiết bị tuần tra bảo vệ biên giới gắn với ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực ứng phó với BĐKH.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO