Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Biên đạo trẻ Hà Tứ Thiên: Duyên nợ với nghệ thuật múa dân gian dân tộc

Biên phòng - Là nam giới nhưng lại chọn theo đuổi nghệ thuật múa dân gian, chàng biên đạo trẻ Hà Tứ Thiên, dân tộc Thái đã chứng minh cho gia đình và thầy cô thấy quyết định lựa chọn con đường nghệ thuật của mình là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với sở nguyện của bản thân. Dưới ánh đèn sân khấu, những vai diễn của Hà Tứ Thiên luôn tỏa sáng, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam.

Tác phẩm múa “Nấm báo mưa”, biên đạo: Hà Tứ Thiên, biểu diễn: Học viện Múa Việt Nam.

Cách đây vài năm, tôi gặp Hà Tứ Thiên lần đầu tiên trong buổi lễ tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS tiêu biểu, xuất sắc của ngành Văn hóa-Thể thao do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội. Trông anh thật ấn tượng trong bộ trang phục truyền thống dân tộc Mông và chiếc mũ nồi tựa như “già làng trẻ tuổi”.

Hà Tứ Thiên cho biết, trong buổi giao lưu văn nghệ hôm nay, mình có đóng góp vào chương trình một tác phẩm múa dân gian tựa đề “Xuống chợ”. Tiết mục này do Hà Tứ Thiên biên đạo, được biểu diễn bởi các bạn sinh viên khoa Múa dân tộc, Học viện Múa Việt Nam. “Xuống chợ” diễn tả cảnh trai gái Mông dắt ngựa thồ hàng đi xuống chợ, cảnh các chàng trai múa khèn, thiếu nữ Mông che ô nhí nhảnh trêu đùa nhau. Hà Tứ Thiên cố gắng chuyển thể không gian văn hóa sinh động của chợ phiên vùng cao bằng ngôn ngữ múa dân gian, tạo nên một không gian nghệ thuật sân khấu đậm sắc màu văn hóa dân tộc.

Nói về nghệ thuật múa dân gian dân tộc, Hà Tứ Thiên chia sẻ, vũ điệu múa dân gian của các DTTS Việt Nam thường diễn tả cảnh săn bắt, hái lượm, sản xuất, lao động, sinh hoạt của đồng bào. Động tác múa đơn giản, tiết tấu chậm rãi. Để xây dựng những tiết mục múa đương đại dựa trên chất liệu múa dân gian, đòi hỏi người biên đạo phải am hiểu văn hóa dân tộc, đồng thời, nắm vững hệ thống ngôn ngữ động tác múa nước ngoài (múa ballet, múa hiện đại phương Tây). Từ nền tảng kiến thức đó, biên đạo sẽ vận dụng sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ múa dân gian với múa đương đại để sáng tạo ra những tác phẩm múa hoàn chỉnh.

“Múa là một bộ môn nghệ thuật rất khó tiếp cận. Để khán giả hiểu được ngôn ngữ múa, thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ cơ thể là một thử thách khắc nghiệt đối với cả diễn viên và biên đạo” - Hà Tứ Thiên bộc bạch.

Nói về bản thân, Hà Tứ Thiên chia sẻ: “Từ ngày thơ bé, tôi đã mê múa đến cháy bỏng, nhưng mẹ thì ra sức ngăn cản. Mẹ lý giải, cả cuộc đời bà đã gắn liền với ánh đèn sân khấu (mẹ từng là diễn viên múa của Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La) nên hiểu rõ sự khắc nghiệt khi lựa chọn con đường nghệ thuật. Thế nhưng, mặc mẹ ngăn cản, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình”.

Hà Tứ Thiên trong tác phẩm múa “Bên hiên nhà mình”, biên đạo: Tạ Xuân Chiến.

Năm 14 tuổi, Hà Tứ Thiên rời quê nhà Sơn La xuống Hà Nội học tại Học viện Múa Việt Nam. Học chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa 2 năm, Hà Tứ Thiên phải gồng mình luyện tập để có cơ thể mềm dẻo và thanh thoát trong từng động tác tiết mục múa. Qua 6 năm khổ luyện về các môn ballet, dân gian, đương đại tại trường múa, Hà Tứ Thiên được nhận học bổng đi du học ở Nga và Trung Quốc, nhưng vì hoàn cảnh cá nhân, Hà Tứ Thiên đã khước từ để tiếp tục theo học ngành Biên đạo, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Mơ ước của Hà Tứ Thiên là được đi nhiều vùng trên đất nước Việt Nam để tìm hiểu văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc. Từ hiểu biết đó, sẽ biến hóa những hình ảnh, sinh hoạt văn hóa của mỗi dân tộc vào những tác phẩm múa để giới thiệu đến công chúng.

Ở tuổi đôi mươi, chàng trai biên đạo trẻ người dân tộc Thái bắt đầu gặt hái được những thành công nhất định trên con đường nghệ thuật. Năm 2014, Hà Tứ Thiên trở thành gương mặt xuất sắc của Học viện Múa Việt Nam khi giành được giải diễn viên và biên đạo xuất sắc cho tác phẩm múa “Càng Phạ Đìn” - tác phẩm mô tả nét đẹp đời sống sinh hoạt của các thiếu nữ dân tộc Thái ở vùng cao. Năm 2016, Hà Tứ Thiên giành được Huy chương Vàng cho tác phẩm “Múa Tễu” tại Liên hoan nghệ thuật 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan - tổ chức tại Quảng Trị.

Năm 2017, anh tham gia cuộc thi Tài năng biểu diễn múa với 2 tác phẩm “Bên hiên nhà mình”, “Đò lỡ” và giành trọn Huy chương Vàng. Hà Tứ Thiên cũng được nhận Bằng khen của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho diễn viên xuất sắc thể hiện thành công tác phẩm múa dân gian dân tộc. Năm 2018, tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc (đợt 1) tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, Hà Tứ Thiên đoạt Huy chương Vàng tác phẩm múa “Trên đỉnh Phja Oắc” và Huy chương Bạc dàn dựng màn hòa tấu “Mơn man bản Giốc”...

Hiện nay, Hà Tứ Thiên đã trở thành thầy giáo tại Học viện Múa Việt Nam. Ngoài biên đạo các tác phẩm múa độc lập, hát múa, Hà Tứ Thiên được các nhà tổ chức mời tham gia biên đạo các chương trình nghệ thuật lớn như: Chương trình kỷ niệm 60 năm Bác Hồ lên thăm Tây Bắc tại Sơn La và khánh thành tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc; Chương trình nghệ thuật Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2019; Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng...

Tâm sự với nghệ sĩ trẻ Hà Tứ Thiên mới thấy niềm đam mê nghệ thuật trong anh rất lớn và luôn luôn cháy bỏng. Chàng trai người dân tộc Thái của núi rừng Tây Bắc - Sơn La mong muốn luôn được cháy hết mình với nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS Việt Nam.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO