Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 11:53 GMT+7

Biên cương Tây Bắc khắc ghi tên anh

Biên phòng - “Anh ấy là người hiền lành, ít nói, luôn giúp đỡ đồng chí, đồng đội của mình, không ngại bất cứ nhiệm vụ gì mà cấp trên giao phó, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mù Cả, BĐBP Lai Châu đã chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nhắc đến đồng đội của mình, Thiếu tá Lò Văn Thép, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Mù Cả, BĐBP Lai Châu đã ngã xuống nơi mảnh đất “cuối trời Tây Bắc” trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Đại diện Hội Phụ nữ cơ sở và Đoàn thanh niên BĐBP Lai Châu thay mặt các nhà tài trợ trao 2 sổ kiết kiệm trị giá 50 triệu đồng cho hai cháu Lò Quang Việt và Lò Tuấn Anh - con của Thiếu tá Lò Văn Thép. Ảnh: Kiều Oanh

Hy sinh nơi tuyến đầu

Xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mù Cả, BĐBP Lai Châu đã vượt lên những vất vả, thiếu thốn để bám trụ nơi tuyến đầu biên giới, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, họ đã hy sinh niềm vui riêng, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình để đặt sự bình yên của nhân dân lên trên hết. Thiếu tá Lò Văn Thép, công tác tại Đồn Biên phòng Mù Cả, BĐBP Lai Châu là một tấm gương điển hình như thế.

Nhớ lại thời điểm ban đầu khi mới lập chốt chặn trong rừng tại cột mốc số 17 (1) - địa điểm được mệnh danh là “nơi con sông Đà nhập quốc tịch Việt Nam”, để phòng, chống dịch Covid-19, Thiếu tá Lò Văn Thép cùng đồng đội đã không quản ngại bao khó khăn, vất vả. Nhắc tới kỉ niệm không thể nào quên ấy, Trung tá Trần Văn San, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mù Cả bồi hồi: “Khi bắt đầu có lệnh lập các tổ, chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19, Ban chỉ huy đơn vị đã tiến hành khảo sát, bắt tay vào làm ngay. Thiếu tá Lò Văn Thép là người đầu tiên xung phong vào lập chốt, những ngày đầu dù rất vất vả, nhưng bằng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, anh em đã nhanh chóng thực hiện đúng tiến độ để đảm bảo nơi ăn, ngủ cho cán bộ, chiến sĩ”.

Chốt phòng, chống dịch tại khu vực mốc 17 (1) là nơi có địa hình phức tạp, đường đi lại khó khăn, phải men theo con đường cũ của đội phân giới cắm mốc, một bên là vực sâu, phía dưới là sông Đà chảy siết, một bên là núi vách đá dựng đứng và rừng già vây quanh. “Sang ngày thứ 2, khi cùng anh em làm chốt, tôi còn nhớ lời dặn của Thiếu tá Lò Văn Thép: “Anh là chỉ huy, đơn vị còn nhiều việc cần anh. Anh cứ về đi, ở đây chúng em tự làm được”. Câu nói ấy, Trung tá Trần Văn San vẫn nhớ như in cho tới tận bây giờ. Chốt phòng, chống dịch Covid-19 được dựng gần đường mòn ngay cạnh cột mốc 17 (1), thuận tiện cho việc tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở dẫn lên biên giới và ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua địa bàn đơn vị quản lý. Chiều ngày 9-11, Thiếu tá Lò Văn Thép xuống đầu nguồn sông Đà lấy nước, phục vụ cho công tác hậu cần của chốt chống dịch. Do nhiều ngày qua, trên địa bàn liên tiếp xảy ra mưa lớn, hôm ấy, nước sông bất ngờ dâng cao đã cuốn anh theo dòng nước chảy xiết. Thiếu tá Lò Văn Thép đã mãi mãi ra đi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng đội, gia đình và những người dân nơi “cuối trời Tây Bắc” mãi khắc ghi, coi sự hy sinh đó là biểu tượng của người lính Biên phòng luôn sẵn sàng quên mình vì nhân dân phục vụ.

Nỗi niềm người ở lại

Dù đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày Thiếu tá Lò Văn Thép hy sinh, nhưng khi nhắc về người chồng của mình, chị Điêu Thị Hào vẫn không kìm nổi nước mắt, chị kể: “Khi biết tin anh mất, tôi gần như suy sụp. Trước khi anh đi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, hai vợ chồng còn điện thoại cho nhau, anh bảo, khi nào hết dịch, anh sẽ về sửa lại nhà cho 3 mẹ con. Đã bao lần anh định xin nghỉ phép để về sửa lại nhà, nhưng do dịch Covid-19, anh phải hoãn lại dự định để cùng đồng chí, đồng đội bám trụ nơi tổ, chốt, nên căn nhà cấp bốn mới dựng vẫn còn dang dở”.

Nói chuyện hồi lâu, chị kìm nén cảm xúc nói với chúng tôi: “Chúng tôi cưới nhau từ năm 2009, gần 11 năm, nhưng tính ra, chỉ ở gần nhau vẻn vẹn từ hai đến ba năm. Mang tiếng ở trong cùng một tỉnh, nhưng hai vợ chồng xa nhau biền biệt. Bản thân tôi dạy học xa nhà, chỉ tranh thủ về cuối tuần, thế nên hai đứa con nhỏ đều trông cậy vào ông bà ngoại”.

Để động viên, hỗ trợ gia đình Thiếu tá Lò Văn Thép vượt qua khó khăn, vất vả, thời gian qua, nhiều đơn vị, cá nhân đã luôn đồng hành, chia sẻ, động viên và hỗ trợ gia đình đồng chí cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, Bộ Tư lệnh BĐBP hỗ trợ 50 triệu đồng, BĐBP Lai Châu hỗ trợ hơn 5 triệu đồng, các nhà hảo tâm tặng 2 sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng, Đồn Biên phòng Mù Cả cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị hỗ trợ hơn 40 triệu đồng.

Gia đình Thiếu tá Lò Văn Thép hiện ở tại xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Mọi sinh hoạt của gia đình trông chờ cả vào đồng lương của anh. Nhắc tới sự vất vả của hai vợ chồng đồng chí Lò Văn Thép, chị Vàng Thị Thánh, Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, huyện Mường Tè chia sẻ: “Hiện nay, gia đình đồng chí Lò Văn Thép và chị Điêu Thị Hào còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhà ở. Hai cháu Lò Quang Việt và Lò Tuấn Anh, chị Hào gửi ông bà ngoại trông nom, còn chị Hào lại dạy học xa nhà. Ông bà ngoại đã lớn tuổi, bệnh tật, đau ốm thường xuyên, thế nên mọi việc trong nhà cũng như sinh hoạt hàng ngày hai đứa nhỏ đều phải tự làm”.

Được biết, Thiếu tá Lò Văn Thép nhập ngũ tháng 3-1994 và từ đó đến nay, anh công tác tại nhiều đơn vị thuộc BĐBP Lai Châu. Thiếu tá Lò Văn Thép được kết nạp Đảng năm 2002 và trong quá trình công tác, anh được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen các loại. Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy BĐBP Lai Châu cho biết: “Ngay sau khi biết tin Thiếu tá Lò Văn Thép gặp nạn trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, BĐBP Lai Châu đã nhanh chóng, khẩn trương cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên, đồng thời hỗ trợ cho gia đình đồng chí Lò Văn Thép. Hiện nay, BĐBP Lai Châu đã khẩn trương hoàn thành thủ tục báo cáo cơ quan cấp trên để giải quyết chế độ chính sách cho Thiếu tá Lò Văn Thép cũng như động viên thân nhân gia đình vơi bớt khó khăn, vất vả trong cuộc sống”.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO