Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 02:47 GMT+7

Biên cương giữa giảng đường

Biên phòng - Để đáp ứng được kỳ vọng và hoàn thành các mục tiêu phổ biến, giáo dục pháp luật tại khu vực biên giới, biển đảo mà Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã đề ra, những năm gần đây, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai đồng bộ, đa dạng các hình thức, biện pháp gắn với công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị giới thiệu về chủ quyền biên giới cho học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt trong mô hình “Tiết học biên giới”. Ảnh: Nguyễn Hồng

Đặc biệt, nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng và có sức lan tỏa, truyền cảm hứng và tri thức về biên giới lãnh thổ, trách nhiệm công dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, BĐBP các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước đã phối hợp với ngành giáo dục tỉnh triển khai hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Với nhiều tên gọi khác nhau như “Biên giới với học đường” (BĐBP Lạng Sơn), “Tiết học biên giới” (BĐBP Quảng Trị, BĐBP Đắk Lắk, BĐBP Sơn La), “Tiết học vùng biên” (BĐBP Kon Tum, BĐBP Đắk Nông), “Tiết học biên cương” (BĐBP Quảng Bình, BĐBP Thanh Hóa), “Tiết học tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo” (BĐBP Ninh Bình) và “Biên cương Tổ quốc” (BĐBP Bình Phước)..., mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị BĐBP tổ chức theo quý, luân phiên giữa các lớp học và bậc học.

Phụ trách mô hình là chi đoàn Biên phòng phối hợp với các trường học tổ chức, đưa nội dung phổ biến, giáo dục tri thức, pháp luật về biên giới và công tác biên phòng cho các em học sinh ở cả ba cấp học. Mục tiêu của mô hình không chỉ dừng lại ở việc cung cấp, phổ biến kiến thức pháp luật về biên giới, mà sau khi tham gia lớp học, mỗi thầy cô, mỗi học sinh đều trở thành một tuyên truyền viên tích cực.

Giáo án cho “Tiết học biên giới” hay “Tiết học vùng biên” được xây dựng với các chuyên đề phù hợp với từng cấp học như sử dụng phần mềm trình chiếu slide Powerpoint có minh họa hình ảnh sống động. Tại tiết học, các em đoàn viên, đội viên, thiếu niên, nhi đồng sẽ được truyền đạt những kiến thức như: Truyền thống BĐBP; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên; các kỹ năng nhận biết đâu là vùng cấm; dấu hiệu nhận biết đường biên, cột mốc biên giới; quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, hoạt động trong khu vực biên giới... Một số nội dung khác như tác hại của ma túy, tội phạm mua bán người, sử dụng vũ khí tự chế và vật liệu nổ... cũng được lồng ghép vào các tiết học để các em có ý thức phòng tránh.

Bằng sự sáng tạo và tinh thần xung kích của tuổi trẻ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP được phân công phụ trách mô hình của các đơn vị cũng luôn có những hình thức làm phong phú thêm những bài giảng do mình đứng lớp. Đây là những đồng chí nắm chắc những nội dung cơ bản của các điều luật, nghị định liên quan, ngoài ra, còn phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, giản dị, gần gũi; biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết kịp thời tình huống thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Đôi khi, trên hành trình tuần tra biên giới theo kế hoạch của đơn vị, anh em lại tranh thủ thời gian nghỉ chân dọc đường để chụp ảnh phong cảnh biên giới và đường biên, cột mốc. Rồi cả những chiếc lá rừng thật đẹp mang đặc trưng của điều kiện tự nhiên mỗi khu vực cũng được ép lại cẩn thận trong sổ tay. Những bức ảnh hay hiện vật sinh động, chân thực đó sẽ được họ đưa vào giáo án, mang hơi thở biên cương đến với những em thơ đang cắp sách đến trường. Từ những “tiết học vùng biên”, các em học sinh đã hiểu thêm về trách nhiệm, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia.

Với các tiết học tại thực địa, học sinh và thầy cô giáo được tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và giới thiệu về đường biên, cột mốc cũng như quy trình tuần tra, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP. Thậm chí, còn bố trí cho các em đi tuần tra cùng với bộ đội trên những đoạn đường biên giới thuận lợi, tìm hiểu thực tế một số biển báo trong khu vực biên giới, hệ thống cột mốc chính, mốc phụ do đồn Biên phòng quản lý.

Với “tiết học biên giới” ngoài thực địa cột mốc, cán bộ phụ trách thường chuẩn bị chương trình, giáo án kỹ càng. Với những nội dung liên quan đến vấn đề pháp lý, cán bộ phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật cần thiết để giảng giải cho các em với nội dung chính xác theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là phải vận dụng kiến thức pháp luật, truyền đạt cho các em một cách nhẹ nhàng và dễ tiếp thu.

Ngoài ra, các em còn được tìm hiểu về đời sống, công tác của chiến sĩ BĐBP nơi biên giới. Đến thăm đồn Biên phòng, các em được tham quan nơi ăn nghỉ, sinh hoạt và làm việc của bộ đội, thăm vườn rau, khu tăng gia, chốt gác và xem các chú bộ đội biểu diễn võ thể dục, giao lưu văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian.

Các em còn được nghe kể về truyền thống của đơn vị và nhân dân địa phương trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Thậm chí, các chi đội, chi đoàn còn có sáng kiến đề nghị với các đồn Biên phòng được tổ chức kết nạp đội viên, đoàn viên ưu tú tại cột cờ Tổ quốc của đồn Biên phòng, tạo niềm tự hào, phấn khởi cho các em.

Những bài học từ thực địa là một hoạt động ngoại khóa bổ ích, không chỉ giúp học sinh nắm bắt kiến thức về lịch sử, mà còn góp phần hình thành lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giúp các em hiểu được giá trị thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ để từ đó, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của mô hình giúp cho cấp ủy, Ban chỉ huy đồn Biên phòng nắm chắc tình hình tư tưởng, nhận thức về pháp luật của học sinh, nhân dân khu vực biên giới đơn vị quản lý, từ đó, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Từ năm 2018 đến nay, các đơn vị BĐBP đã lên lớp được trên 1.000 tiết học cho gần 200.000 lượt học sinh các cấp. Năm 2019, mô hình này là một trong 8 mô hình, phong trào sáng tạo được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Vừ A Dính. Sự hào hứng, nhiệt tình tham gia, nhất là việc bồi đắp tình yêu quê hương, nuôi dưỡng ước mơ được cống hiến của các em đã cho thấy hiệu quả của mô hình mang lại trong hệ thống giáo dục pháp luật ở các bậc học của trường.

Vì vậy, không chỉ triển khai mô hình ở các trường trên khu vực biên giới, mà cần được nhân rộng ra cả những địa phương, trường học ở các huyện, tỉnh, thành không có biên giới. Có như vậy thì mọi công dân, đặc biệt là tất cả học sinh đều nắm được những kiến thức cơ bản về chủ quyền lãnh thổ, để chung tay xây dựng và bảo vệ biên giới.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO