Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Bí thư Tỉnh ủy tặng chiến lợi phẩm cho Công an nhân dân vũ trang

Biên phòng - Báo Công an vũ trang (tiền thân Báo Biên phòng), tại trang 2, số 18, ngày 3-3-1972 có bài về lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thăm Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT). Nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Liễu là tác giả tấm ảnh và nhà báo Sĩ Đô viết tin này. Nhưng cả 2 tác giả đều quên không ghi tên đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào trang tin và chú thích ảnh. Tôi quyết định đi tìm lại nhân chứng trong tấm ảnh sau 47 năm với hy vọng mong manh nhân chứng còn sống.

flh6_18b
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền. Ảnh: Lê Văn Chương

Đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trong tấm ảnh đen trắng ôm đồng chí Tư lệnh Phạm Kiệt, trên tay cầm khẩu súng AR 15 là một người có khuôn mặt dài, sống mũi cao, gò má xương, tóc mai đã bạc trắng. Nếu ông còn sống đã xấp xỉ gần 100 tuổi. Tôi dự đoán khó có thể gặp lại được con người có khuôn mặt thể hiện tính cách rất sắc sảo này. Đến tháng 12-2018, tôi đã gặp được một nhân chứng từ thời tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945, người từng ra sống vào chết, đã nhận ra tấm ảnh trên báo và quên không ghi tên, đó là cụ Phạm Thanh Biền (sinh 1922), hiện nay vẫn còn sống trong một ngôi nhà trên đường Phạm Văn Đồng, thành phố Quảng Ngãi.

Ở Quảng Ngãi, cái tên Phạm Thanh Biền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã từ rất lâu thường được xướng lên trong các dịp lễ kỷ niệm và các sự kiện quan trọng. Vì đây là một trong những cán bộ lão thành cách mạng vẫn còn sức khỏe, minh mẫn và có nhiều bài phát biểu ấn tượng. Cụ Biền trở thành nhân chứng lên truyền hình kể về Đội du kích Ba Tơ, những đồng chí bộ đội Việt Minh thời kỳ Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, giai đoạn chiến tranh ác liệt từ sau năm 1965 khi đế quốc Mỹ đổ bộ vào Việt Nam thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh, đến những năm sau giải phóng năm 1975.

Một con người đã đi qua trọn cuộc chiến, từng nằm gai nếm mật, vì vậy, cụ Phạm Thanh Biền vẫn nhớ như in những biến cố lịch sử, cùng những trang đau thương từng đi qua mảnh đất Quảng Ngãi. Cụ Biền nghỉ hưu từ năm 1980, sau gần 40 năm trôi qua, nhưng cụ vẫn miệt mài tham gia hoạt động xã hội, thói quen hằng ngày của cụ và trở thành món ăn tinh thần, đó là đọc báo, xem ti vi, rồi viết lại những sự kiện xảy ra trong cuộc đời. Gia đình cụ còn lưu giữ rất nhiều tư liệu quý về chiến tranh do cụ lưu lại hoặc viết ra từ dòng ký ức còn đầy minh mẫn.

“Ông còn nhớ Trung tướng Phạm Kiệt không?”. Nghe tôi hỏi, cụ Biền không cần đắn đo suy nghĩ, mà bật nói ngay. Giọng cụ hơi mệt, nhưng khi nhắc đến cái tên Phạm Kiệt thì cụ Biền như người khỏe lại, nói giọng dõng dạc, kể về tất cả những kỷ niệm của cuộc đời mình với Trung tướng Phạm Kiệt. Cụ bảo: “Phạm Kiệt, Đội trưởng du kích Ba Tơ anh hùng, ông còn có cái tên khác là Tê Đơ. Sau một thời gian công tác tại Quảng Ngãi thì rút ra Hà Nội phụ trách Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT, nay là BĐBP. Ông đã ra đó gặp Phạm Kiệt nhiều lần, tới gia đình thăm, gặp và biết mặt con cái, bây giờ vẫn nhớ tên từng đứa con của Phạm Kiệt”.

Cụ Biền kể tiếp những kỷ niệm trong thời chiến với đồng chí Phạm Kiệt mà đối với cụ như một người anh: “Tôi thực sự biết ông Kiệt ở khởi nghĩa Ba Tơ, lúc đó tôi làm Chủ nhiệm Việt Minh ở xã, sau đó làm Thường trực Việt Minh của tổng Bình Thượng, Bình Sơn và kiêm luôn Chủ tịch Việt Minh. Năm 1946, anh Kiệt vô chủ trì lãnh đạo đánh Pháp ở cực Nam Trung bộ và tôi cùng làm việc với anh về vụ giải tán bạo loạn Sơn Hà. Vụ bạo loạn Sơn Hà là do lính Pháp kích động một số đồng bào dân tộc thiểu số nổi loạn, anh Kiệt làm tổng chỉ huy cuộc dẹp loạn này. Đây là một vụ việc rất nổi tiếng vào thời đó và Bác Hồ đã viết thư chỉ đạo. Anh Kiệt ra Bắc nhận công tác mới và bàn giao cho tôi tiếp tục xử lý và cuối cùng, tình hình được yên ổn”. 

Tấm ảnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi tặng khẩu súng tiểu liên AR 15 cho đồng chí Tư lệnh Phạm Kiệt vào ngày 3-3-1972, cụ Biền lấy ra một tấm ảnh đen trắng khác cùng thời điểm so sánh và dễ dàng nhận ra nét mặt của ông thời đó với người trong ảnh rất giống nhau. Tháng 3-1972, cụ cũng có mặt tại miền Bắc. Thời gian này, cụ và Trung tướng Phạm Kiệt gần gũi nhau nhiều nhất. Lúc đó cụ về chiến khu nhận thêm nhiệm vụ mới và làm Trưởng ban chi viện chiến trường, lo vũ khí cho giải phóng miền Nam và Khu 5. Sau đó, cụ ra Hà Nội là nơi đặt Văn phòng đại diện Khu ủy Khu 5 và Quân khu 5 để lo chi viện chiến trường.

Nhắc lại người đồng chí, người anh Phạm Kiệt, cụ Phạm Thanh Biền kể lại nhiều hành động dũng cảm của Trung tướng Phạm Kiệt đã góp phần giành thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa Ba Tơ vào ngày 11-3-1945 trong lúc Pháp đang hoang mang, bọn Nhật chưa ổn định và anh em đã chớp thời cơ nổi dậy, tổ chức mít tinh, giành chính quyền. Cụ nói về Trung tướng Phạm Kiệt với thái độ khâm phục, “là một cán bộ mưu trí dũng cảm, người Đội trưởng du kích Ba Tơ anh hùng, đồng chí rất nặng lòng với quê hương, người em gái của anh Kiệt là cô Phạm Thị Trinh cũng rất nổi tiếng, dám đối mặt với quan Pháp để đấu lý. Bà là một người con gái tiêu biểu của quê hương núi Ấn, sông Trà”.

Báo Công an vũ trang ra ngày 3-3-1972 có đăng tin, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi thăm Bộ Tư lệnh CANDVT nhân chuyến công tác từ chiến trường ra hậu phương miền Bắc. Thay mặt Tỉnh ủy và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tặng cho lực lượng CANDVT khẩu súng tiểu liên AR 15 là chiến lợi phẩm của Đội trinh sát An ninh vũ trang Quảng Ngãi tiến công vào thị xã Quảng Ngãi ngày 15-2-1969 và tiêu diệt 30 tên ác ôn, trong đó có trưởng lưới C.I.A là Phạm Cai. Trong không khí đầm ấm tình Bắc – Nam ruột thịt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã nói chuyện với cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh CANDVT về tình hình Khu 5 và tình hình Quảng Ngãi.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO