Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Bí quyết để người khác lắng nghe bạn

Biên phòng - Để nâng cao chất lượng thông tin trao đổi, bạn phải biết cách khiến người khác luôn cảm thấy bị “cuốn” vào cuộc hội thoại. Bởi nếu chỉ giao tiếp một cách “nhàn nhạt”, thì đối phương sẽ cảm thấy nhàm chán, hoặc bỏ qua các chi tiết quan trọng trong cuộc trò chuyện do bị phân tâm bởi các yếu tố khách quan.

Lắng nghe là gì?

Đó là khả năng chủ động nghe, hiểu và ghi nhớ được những gì đang được nói. Lắng nghe hiệu quả giúp giải quyết xung đột, xây dựng niềm tin, truyền cảm hứng cho mọi người và củng cố đội nhóm. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với các nhà quản lý. Vậy làm sao để mọi người thực sự lắng nghe bạn? Hãy cùng tham khảo 7 gợi ý sau đây nhé.

Chọn thời điểm thích hợp

Một người chắc chắn sẽ khó lòng tập trung vào cuộc hội thoại nếu bản thân đang có nhiều việc áp lực hoặc gấp gáp. Các suy nghĩ mông lung sẽ luôn “bám” lấy họ, nên lời nói từ người khác ít được tiếp thu đúng mức. Do vậy, để có sự chuẩn bị chu đáo, nếu được bạn nên xin một cuộc hẹn trước nhằm tạo sự thoải mái cho đối phương. Trong trường hợp việc “cần kíp” thì bạn nên chuẩn bị thông tin sẵn sàng để có thể trao đổi nhanh và hiệu quả nhất.

Lựa môi trường phù hợp

Bạn cũng sẽ bị hạn chế chất lượng giao tiếp và người nghe cũng khó lòng lắng nghe thông tin nếu môi trường xung quanh quá ồn áo, hoặc nhiều thứ gây xao nhãng. Tốt nhất các cuộc họp quan trọng nên được diễn ra trong phòng kín nhằm đảm bảo khả năng kết nối. Nếu cuộc đối thoại mang tính chất riêng tư hoặc cần sự bảo mật thông tin thì nên chọn phòng làm việc riêng, hoặc chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh.

Tạo vẻ ngoài chỉn chu

Đừng nghĩ rằng bề ngoài chỉ cần thiết khi bạn hẹn hò, hoặc khi bạn làm trong các lĩnh vực đặc biệt như thời trang. Thực tế một diện mạo chỉn chu sẽ là “điểm cộng” khi tạo ấn tượng đầu tiên, chẳng hạn trong các cuộc phỏng vấn tìm việc làm ở Đồng Nai, Bình Dương hay nhiều địa phương khác. Bên cạnh vai trò giúp thu hút, vẻ ngoài tươm tất còn thể hiện sự tôn trọng đối phương. Tất nhiên bạn không cần phải luôn mặc các bộ đồ “mốt” và đắt tiền, nhưng hãy chọn phục trang phù hợp với địa vị và tính chất cuộc gặp. Đừng khiến người khác có những suy nghĩ sai lệch về sự nghiêm túc trong công việc chỉ vì diện mạo xuề xòa, cẩu thả.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp

Ngôn ngữ cơ thể góp phần cải thiện chất lượng hội thoại nên cực kì quan trọng với tất cả mọi người, không chỉ riêng các chính trị gia, diễn giả. Đặc biệt nếu bạn đang đảm nhận các chức vụ quản lý, trưởng nhóm thì cần chú trọng ngôn ngữ cơ thể để tăng khả năng thuyết phục, điều hành. Hãy bắt đầu với các hành động tay, chân, cử chỉ, ánh mắt để nhấn mạnh nội dung cần truyền đạt. Để trau dồi thêm, bạn có thể tham dự trực tiếp các buổi thuyết trình của các diễn giả nổi tiếng, hoặc tự nghiên cứu, học hỏi thông qua sách vở và các video hướng dẫn trên mạng.

Chỉnh nhịp điệu, âm lượng và tốc độ nói

Thật khó để khiến người khác lắng nghe bạn với một giọng nói đều đều, không điểm nhấn đầy tính “ru ngủ”. Bạn hãy bắt đầu cải thiện bằng cách xác định các đoạn quan trọng cần nhấn mạnh, lên cao hay hạ thấp giọng. Âm lượng cũng là yếu tố thu hút sự chú ý, bởi không phải cứ nói nhỏ tức là lịch sự mà cần tùy vào trường hợp. Tốt nhất là bạn cần rèn luyện một giọng nói rõ ràng, mạch lạc và hạn chế sự ngập ngừng.

Bên cạnh đó, thời gian nói quá dài cũng gây sự nhàm chán, nên bạn cần biết lược bỏ hay lướt nhanh những đoạn nào không quan trọng. Thực tế, tốc độ nói cũng là một trong những yếu tố quyết định sức hấp dẫn bởi nói quá nhanh khiến đối phương không theo kịp, còn nói quá chậm lại khiến cuộc hội thoại bị kéo dài lê thê.

Chuẩn bị trước nội dung trò chuyện

Khác kiểu trò chuyện vui với bạn bè, các cuộc đối thoại công việc cần được diễn ra gọn gàng và hiệu quả. Bởi mỗi người đều có những bận rộn riêng, nên bạn cần chắc chắn rằng đây là cuộc trò chuyện cần thiết, đúng đối tượng. Bạn hãy chuẩn bị sẵn “khung sườn” nội dung để cuộc hội thoại luôn đi đúng định hướng nhằm tiết kiệm thời gian, tránh sự dài dòng, đồng thời tạo sự phản hồi hiệu quả.

Cải thiện vốn từ vựng

Dù không cần quá hoa mỹ như văn viết, nhưng nếu bạn sử dụng đa dạng ngôn từ thì cuộc trò chuyện sẽ hấp dẫn hơn, người nghe bị bạn thu hút hơn, và tất nhiên nội dung truyền tải cũng sâu sát hơn. Bạn nên “làm giàu” vốn ngôn từ bằng cách đọc sách, theo dõi tin tức đa dạng lĩnh vực, và xem các video về diễn thuyết. Được người khác lắng nghe không chỉ khiến cho công việc của bạn được trôi chảy và hiệu quả mà bạn còn tạo được rất nhiều thiện cảm và điều này rất hữu ích cho con đường sự nghiệp về sau.

Trung Thành

Bình luận

ZALO