Biên phòng - Hiện, trên địa bàn Đồn BP Quỳnh Phương phụ trách chưa có âu trú bão, trong khi dòng sông Hoàng Mai chảy ra cửa biển bị cầu đường bộ Đền Cờn chắn ngang, tàu thuyền công suất lớn không thể vào sâu trong sông neo đậu tránh gió. Bão về, ngư dân các xã Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phải “mang” tàu đi “tránh bão nhờ” ở những nơi khác. Sự bất cập này đã tồn tại nhiều năm nay, gây khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng và phương tiện của ngư dân, hạn chế sự phát triển nghề đánh bắt thủy sản của địa phương.
![]() |
Nhiều phương tiện lớn của ngư dân mạo hiểm neo đậu ở cửa biển Lạch Cờn trong cơn bão số 8 vừa qua. |
“Sống trong sợ hãi”
Thời điểm cơn bão số 8 vừa đi qua, từ Trạm BP Lạch Cờn, Đồn BP Quỳnh Phương, Nghệ An, chúng tôi đã thấy từng đoàn tàu lớn, với tiếng máy nổ rền vang tiến sâu vào cửa lạch. Phải chăng họ trở về sau khi thoát khỏi cơn bão trên biển? Mang câu hỏi này “chất vấn” Trung úy Phạm Nhật Phú, Trạm trưởng Trạm BP Lạch Cờn, chúng tôi được anh giải thích: “Đó là tàu của ngư dân địa phương trở về cảng neo đậu sau những ngày đi tránh bão ở nơi khác. Ở đây chưa có âu neo đậu, tàu lớn không thể vào sâu trong dòng sông Hoàng Mai (chảy ra cửa biển Lạch Cờn) vì bị cầu Đền Cờn “chắn ngang” ở vị trí chỉ cách cửa biển khoảng hơn 1km”.
Theo anh Phú, khi có bão, những chủ nhân của 700 tàu, thuyền thuộc 3 xã Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Dị lại cuống cuồng tìm cách đối phó. Trong khi các phương tiện nhỏ đánh bắt gần bờ đều cố gắng “chui” qua cầu Đền Cờn để vào sâu sông Hoàng Mai tránh gió thốc từ biển, thì số ngư dân sở hữu hơn 200 phương tiện có công suất lớn, hành nghề lưới chụp ngoài khơi (tàu được trang bị cột gỗ lớn, cao 7-9m) thực sự “sống trong sợ hãi”, khi tàu của họ không thể “chui” lọt qua cầu đường bộ dân sinh để trú bão.
Không còn đường nào khác, họ đành chấp nhận neo đậu những con tàu tiền tỉ, cả gia tài của gia đình, dòng họ ở cảng Lạch Hới (cách cửa biển chưa đầy 1km) chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối phó với thiên tai. “Nếu bão chỉ giật cấp 7-8, mưa ít thì có thể dùng dây để chằng, kéo cố định tàu. Trong trường hợp gió to, sóng lớn, triều cường lên cao, ngư dân thường bất chấp nguy hiểm xuống tàu nổ máy với vận tốc lớn, hướng mũi tàu đón gió để tránh bị lật. Sau cơn bão, chuyện những con tàu neo đậu sát nhau va đập gây hư hỏng đã trở thành chuyện quá quen thuộc ở đây” - Trung úy Phú cho biết.
Chính vì thế, để đảm bảo an toàn cho phương tiện mưu sinh, mỗi khi có bão, nếu không muốn rủi ro xảy ra, ngư dân chỉ còn cách lái tàu của mình đến các địa phương khác có âu tránh bão để neo đậu nhờ. Đặc biệt, sau cơn bão số 3 (tháng 3-2012) làm đứt dây chằng, đánh chìm con tàu tiền tỉ của một ngư dân ở Quỳnh Lập đang neo đậu ở cảng Lạch Hới, thì số lượng tàu địa phương di chuyển đi tránh bão ngày càng nhiều.
“Nếu bị tâm bão đổ bộ trực tiếp, cửa Lạch Cờn trở nên rất nguy hiểm, bởi gió từ biển thổi ngược, nước từ hồ Vực Mẫu (thượng nguồn sông Hoàng Mai) xả lũ chảy như thác thốc xuống, tàu thuyền neo đậu rất dễ đứt dây, lật úp”- Ngư dân Nguyễn Văn Mễ, xã Quỳnh Lập vừa điều khiển tàu đi tránh bão về cho biết. Theo ông Mễ, trong cơn bão số 8 vừa qua, có trên 50 phương tiện của ngư dân địa phương phải đi “tránh bão nhờ” ở Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và Lạch Quèn (Nghi Lộc, Nghệ An).
Mơ ước bao đời của ngư dân
Trên thực tế, việc ngư dân 3 xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Dị phải mang tàu đi nơi khác tránh bão đã khiến lực lượng chức năng hết sức “đau đầu” trong việc quản lý phương tiện của địa phương khi có bão về. “Chúng tôi sử dụng hệ thống thông tin kêu gọi tàu thuyền của ngư dân địa phương đang hoạt động trên biển vào bờ trú ẩn, thì họ sẽ về thẳng các cảng cá của địa phương bạn nên rất khó xác minh. Một số bộ phận về cảng Lạch Hới trú bão nhưng nếu nhận thấy gió to, họ lại điều khiển tàu “trốn” ra khỏi lạch trước khi bão về để đi “gửi” tàu ở nơi khác. Điều này rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của ngư dân nếu bão đến sớm hơn dự báo”- Trung úy Phú cho biết.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Vương Đại Tưởng, Phó Chủ tịch xã Quỳnh Lập xót xa kể về câu chuyện một ngư dân địa phương bị mất mạng vì việc đi tránh bão. Vào tháng 3-2012, tàu của ngư dân Trần Đình Hội, xã Quỳnh Lập đang hành nghề trên biển thì nhận được tin báo bão. Thay vì điều khiển tàu về cảng Lạch Hới neo đậu thì ông lại chạy lên âu neo đậu tàu thuyền Lạch Quèn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) để neo đậu đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Bão vừa tan, để tiết kiệm chi phí ăn ở, ông quyết định lái tàu trở về địa phương. Nhưng trên đường về, tàu ông đã bị sóng đánh chìm làm 2 người chết, 4 người rơi xuống biển, may mắn được cứu hộ kịp thời. Ông Tưởng cho biết thêm, chính quyền địa phương đã kiến nghị lên huyện, lên tỉnh có phương án giúp ngư dân 3 xã đảm bảo an toàn khi có bão nhưng vẫn chưa có kết quả. Theo ông Tưởng, có 2 phương án để giúp ngư dân địa phương mỗi khi bão về: Xây dựng âu neo đậu tàu thuyền hoặc nâng cao cầu Đền Cờn để tàu thuyền lớn có thể vào sâu trong sông Hoàng Mai trú ẩn khi có bão.