Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:59 GMT+7

Bí ẩn núi thiêng vùng biên giới

Biên phòng - Chúng tôi đã nhiều lần đến núi Ba Thê để tham quan, tìm hiểu về ngọn núi có rất nhiều giai thoại bí ẩn, tâm linh với nhiều nguồn gốc khác nhau, ở nhiều tư liệu khác nhau. Thế nhưng, cứ mỗi lần đặt chân đến thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, chúng tôi lại bị ngọn núi này “mê hoặc”. Và cứ như thế, chúng tôi lại leo lên đỉnh núi với sự phấn khích vô cùng.

j14c_9a
Một số cổ vật thu được tại khu di tích Óc Eo. Ảnh: Anh Thư

Ông Võ Văn Thế, người hành nghề xe ôm tại chân núi cảnh báo: “Đường lên núi rất nguy hiểm dù đã được mở rộng. Lên đó, nếu thấy chuyển mưa thì mấy anh chị xuống núi ngay vì đường khá trơn trượt, nhiều khúc quanh. Dân xe ôm như tụi tui lên xuống cũng “te tua” lắm”.

4 chiếc xe gắn máy chở 8 thành viên chúng tôi leo núi khá chậm. Các “tài xế” đều cài số 1 để vượt lên ngọn núi có độ cao hơn 200m, chu vi 4.220m. Ngọn núi này (còn có tên là núi Vọng Sơn) nằm trong cụm có 5 ngọn núi lớn ở An Giang. Núi Ba Thê nằm cách thành phố Long Xuyên 40km trên quốc lộ 943, là điểm tham quan rất thú vị của nhiều du khách, nhất là những người có sở thích khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cổ nói chung, văn hóa Phù Nam (Óc Eo) nói riêng.

Đường lên núi khá vòng vo, xuyên qua nhiều vườn cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là cây cà na, vú sữa, mít nghệ... Thi thoảng xuất hiện một số quán ăn “dã chiến” lưng chừng núi với biển quảng cáo: Bánh xèo, bánh khọt, gỏi cuốn, bánh bò Chăm... Chúng tôi rất bất ngờ khi chứng kiến khá nhiều phụ nữ người Khmer vận “xà rông” phóng xe gắn máy ào ào lên xuống dốc núi rất “điệu nghệ” với những nụ cười rất “Khmer”.

Chúng tôi dừng chân ở 2 mỏm đá núi rất nổi tiếng là Thạch Đại Đao và Sơn Tiên Tự. Không biết thực hư ra sao, nhưng người dân sinh sống xung quanh núi Ba Thê rất rành rẽ câu chuyện một vị tướng “nhà trời” xuống đây dẹp loạn bỏ quên cây đao khổng lồ bằng đá, từ đó xuất hiện ngôi miếu thờ mang tên miếu Đại Đao. Câu chuyện thứ hai là các vị tiên thánh xuống đỉnh núi Ba Thê thưởng ngoạn trăng rằm khi về trời để lại những dấu chân tiên rất to lớn. Từ đó, núi này có thêm chùa mang tên Sơn Tiên. 

Khi chúng tôi có mặt ở đỉnh núi thì cũng là lúc có khá đông người đến tham quan Bảo tàng di sản văn hóa Chăm và một số hiện vật văn hóa Óc Eo được trưng bày khá nhiều, ngăn nắp, sinh động.

Ông Võ Trần Thái, ngụ tại TP Hồ Chí Minh, người đã có nhiều năm nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo, về núi Ba Thê khẳng định: Không ở đâu có mùa len trâu đẹp như ở đây. Vùng này (gồm Lình Quỳnh, Sóc Xoài, Ba Thê) khi xưa mỗi năm nước lũ ngập trắng vài tháng, cỏ không có để trâu ăn, người dân phải tập trung trâu giao cho những người quản trâu (gọi là tằng khạo) lùa đến những vùng cao có cỏ. Cuộc “di trâu” dạng này gọi là mùa len trâu.

Cũng theo ông Thái, vào đầu thế kỷ XX, nhà khảo cổ rất nổi tiếng người Pháp - Louis Malleret đã phát hiện cánh đồng Óc Eo kỳ bí rộng trên 450ha. Ông đã tìm hiểu và xác định, có một vương quốc bí ẩn tồn tại tại đây trên 1.900 năm, sau này được xác định là vương quốc Phù Nam với nền văn hóa Óc Eo. Khu di tích Óc Eo xây dựng theo hình chữ nhật kết nối với cảng biển Tà Keo (Campuchia). Đây còn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo với 3 nền kiến trúc: Vùng Linh Sơn Tự; vùng Đông Bắc núi Ba Thê; vùng Giồng Cát, Giồng Xoài.

Từ nhiều năm qua, các cuộc thăm dò, khai quật Khu di tích Óc Eo đã được tiến hành và đã tìm được rất nhiều hiện vật quý hiếm mang đậm dấu ấn Phật giáo, đạo Hindu như: Tượng Phật, linh vật, xương thú hóa thạch... Sau nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, cuộc chiến đấu giữa vương quốc Phù Nam và Chân Lạp diễn ra nhiều năm và đổi chiều nhiều lần. Sau đó là sự thống trị của người Java mãi đến năm 802 mới trở lại quyền làm chủ của người Chân Lạp.

Chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện huyền thoại xung quanh ngọn núi Ba Thê hùng vĩ như chuyện Phật 4 tay ở Linh Sơn Tự cùng 2 tấm bia cổ đầy bí ẩn mà đến nay vẫn chưa giải mã được những dòng chữ “lạ” trên bia. Cạnh đó là câu chuyện bi hùng về một tiểu đội đặc công của ta tiêu diệt hàng trăm tên giặc để giữ vững ngọn cờ trên đỉnh núi Ba Thê.

Trong ánh nắng chói chang của núi đồi biên giới, từ trên đỉnh núi này, chúng tôi thấy rất rõ những cánh đồng vàng dưới chân núi đang hứa hẹn mùa bội thu; xa xa là phố xá Tri Tôn đang ẩn hiện. Gió núi mùa này mát lạnh mang theo quá nhiều điều bí ẩn, lạ thường với nhiều câu chuyện bi hùng xung quanh núi Ba Thê.

Phan Thị Anh Thư

Bình luận

ZALO