Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 11:35 GMT+7

Bếp ăn “đặc biệt” của trẻ em nghèo biên giới

Biên phòng - Hơn 6 năm nay, những bữa cơm ấm cúng, tràn ngập tình thương của Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai đã giúp cho rất nhiều em nhỏ trên địa bàn no cái bụng, yên tâm đến trường. Để làm được điều đó, hàng ngày, Thượng úy trẻ Đỗ Quang Cường cùng đồng đội cần mẫn làm việc, từ việc cân đối các khoản thu chi, lên thực đơn, nấu nướng...

5ab2096ff9ff19c308002330
Bữa cơm trưa ấm cúng của các em học sinh tại “Bếp ăn tình thương”. Ảnh: Bảo Hằng

Chúng tôi gặp Thượng úy Đỗ Quang Cường, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đúng vào lúc anh đang tất bật cùng đồng đội chuẩn bị bữa cơm trưa cho 14 em học sinh Trường Tiểu học Trần Phú và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi ở xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ. Anh cho biết: Đều đặn, hơn 6 năm qua, khi tiếng trống tan trường vang lên, các cháu nhỏ được đồn ủng hộ bữa ăn trưa lại ùa về bếp ăn của đội. Đây là bếp ăn đặc biệt, được các chiến sĩ Biên phòng mở riêng cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Đỗ Quang Cường sinh ra và lớn lên tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, anh được điều động đến công tác tại BĐBP Khánh Hòa, sau đó chuyển về nhận công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Cường bộc bạch: “Sinh ra và lớn lên ở thành phố, nên trước đây, tôi chưa tưởng tượng được những thiếu thốn, vất vả của bà con ở biên giới. Cho đến khi về đây công tác, chứng kiến cái ăn, cái mặc luôn xoay vần họ trong cuộc  mưu sinh, tôi mới ngỡ ngàng. Có những đứa trẻ chưa bao giờ biết đến bữa cơm tươm tất, chứ nói gì đến quần áo đẹp. Nhiều em còn phải từ bỏ giấc mơ tới trường vì nhà quá nghèo. Chính điều đó đã thôi thúc tôi phải làm điều gì thiết thực giúp đỡ bà con nơi địa bàn mình đóng quân”.

Mới về công tác tại địa bàn 3 năm, nhưng nhắc đến Thượng úy Đỗ Quang Cường thì ai cũng biết. Họ ấn tượng về một chàng thanh niên cao to, rắn rỏi, làn da bánh mật lúc nào cũng thân thiện, gần gũi với người dân trên địa bàn. Anh không lúc nào ngơi tay, ngơi việc. Lúc thì tất bật trong đội bếp, lúc thì dạy chữ cho các cháu đơn vị nhận đỡ đầu. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên, anh lấy đâu ra sức bền mà cáng đáng nhiều việc thế, Đỗ Quang Cường cho biết: “Hơn 5 năm làm Đội trưởng VĐQC và là một cán bộ Đoàn của đơn vị, mình thấy điều quan trọng nhất là phải luôn có “lửa”. Nếu mình không gương mẫu, không sôi nổi, không nhiệt huyết thì sẽ rất khó để gắn kết mọi người với nhau. Đôi khi cũng vất vả thật, nhưng làm được điều gì đó cho tập thể, cho bà con thì mình không ngại”.

Được biết, mô hình “Bếp ăn tình thương” được sáng lập và duy trì từ những năm 2011-2012. Khi đó, như hầu hết các địa phương biên giới khác, huyện Đức Cơ và Ia Grai là địa phương thuộc diện khó khăn. Ở đây, những hộ gia đình “đặc biệt nghèo” chiếm số đông. Trẻ em luôn trong tình trạng thiếu học vì không đủ điều kiện kinh tế để đến trường. Lúc đầu, đơn vị nhân nâng đỡ và cưu mang 8 em nhỏ tại bếp ăn, cho đến giờ, con số đã lên tới 14 em, có lúc cao điểm là 15, 16 em. Nhờ bếp ăn của các chú BĐBP, các cháu học sinh nhà ở rất xa trường vẫn có thể tiếp tục học buổi chiều hoặc trở về nhà mà không bị quá muộn hoặc bị đói. Hơn nữa, tại đây, các em học sinh không chỉ được ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe đến trường, mà còn được các chú BĐBP hướng dẫn làm việc nhà, dạy học, dạy cách ứng xử lễ phép và dành trọn tình yêu như người cha dành cho con mình.

 Có những học sinh đã gắn bó với bếp ăn được 5 năm, như em Siu H,Yươn (thôn Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ). Bố mất sớm, gia đình quá khó khăn nên em bỏ học, lên rẫy kiếm khoai, sắn để no cái bụng. May mắn, H,Yươn được các chú BĐBP nhận nuôi bữa cơm trưa tại đồn để giúp em yên tâm tiếp tục đến trường theo đuổi giấc mơ. H,Yươn kể: “Ở đây, chúng cháu gọi các chú là bố. Món ăn các bố ở đây nấu rất ngon. Nhiều đồ ăn ở nhà cháu không có mà ở đây các bố làm cho ăn. Bố dạy chúng cháu chào hỏi người lớn, chào bạn bè, thầy cô và dạy cho cháu làm việc nhà”.

Bảo Hằng

Bình luận

ZALO