Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 03:36 GMT+7

Bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn

Biên phòng - Hiện, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan ra 7 tỉnh, thành phố phía Bắc. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, đây là bệnh dịch rất nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi lợn nước ta và thế giới. Điều đáng lo ngại là virus dịch tả lan truyền và tồn tại ở môi trường rất lâu, trong khi vẫn chưa tìm ra vắc-xin phòng ngừa.

s2un_4a
Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu vực phát hiện ổ dịch. Ảnh: Bích Nguyên

 33 xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi

Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus, chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn. Lợn bị nhiễm bệnh này có khả năng chết lên đến 100%. Rất may là bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Tuy nhiên, virus gây bệnh có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm từ thịt lợn. Bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh và sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.

Tại nước ta, ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Hưng Yên, từ ngày 1-2 đến 3-3-2019, xảy ra tại 57 hộ, 12 thôn, 8 xã, 5 huyện. Toàn bộ 2.323 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn. Tiếp đó, bệnh DTLCP xảy ra tại tỉnh Thái Bình từ ngày 13-2 đến 3-3-2019, tại 101 hộ, 33 thôn của 15 xã, 3 huyện với 1.118 con lợn dương tính. Bệnh DTLCP sau đó xuất hiện tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương. Đến ngày 4-3, có 33 xã thuộc 14 huyện và 7 tỉnh xuất hiện ổ dịch. Toàn bộ 4.231 con lợn bị mắc bệnh đã bị tiêu hủy bằng phương pháp chôn lấp. Hiện, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo quy định tại Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15-11-2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP.

Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan thú y xử lý tiêu hủy ngay. Cục Thú y đã giải trình tự gien của vi rút DTLCP gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng vi rút DTLCP gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.

Cũng theo Cục Thú y, trên thế giới, trong những năm vừa qua, bệnh DTLCP đã lây lan rất nhanh từ nước này qua nước khác, như Liên bang Nga, Trung Quốc, Mông Cổ... nên nguy cơ dịch bệnh lây lan ở các nước khác là rất cao. Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 3-3-2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh DTLCP, trong đó, Trung Quốc có 28/33 tỉnh xuất hiện dịch, phải tiêu hủy tới 1 triệu con lợn.

“Chống dịch như chống giặc”

Đó là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn bệnh DTLCP do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 4-3.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Một khẩu hiệu đặt ra là “chống dịch như chống giặc” để chúng ta huy động các cấp, ngành, xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả DTLCP đã xâm nhập vào 7 tỉnh nước ta. Nếu chúng ta ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lan rộng”.

Thủ tướng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn bệnh, theo đề xuất của Bộ NN&PTNT là hỗ trợ 80% theo giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy.

Thực tế, do bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nên nhiều người chăn nuôi lợn vì lợi ích kinh tế trước mắt và vì giá lợn hơi các tháng cuối năm 2018 cao nên đã không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Thời tiết tại các tỉnh phía Bắc biến đổi bất lợi, mưa ẩm kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan; trong khi hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị được bệnh DTLCP.

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, các cơ quan truyền thông phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP, cách phòng, chống bệnh, đặc biệt là không hoang mang, bán tháo lợn. “Cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước diễn biến DTLCP hiện nay, Bộ NN&PTNT đề nghị huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức ngăn chặn, khống chế dịch bệnh; đặc biệt là các ngành Công an, Quân đội, Ban chỉ đạo 389, cơ quan hải quan các cấp... siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn; đồng thời sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ việc xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng, tiêu hủy lợn với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện với quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện; phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm và lây lan trên diện rộng tại địa phương; xây dựng và phê duyệt kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật hằng năm để bảo đảm có đầy đủ nguồn lực (kinh phí, nhân lực, hóa chất...) cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời thông tin, truyền thông sâu rộng để người chăn nuôi, người tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn và cả xã hội cùng vào cuộc để kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lây lan. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp chống dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan; bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn an toàn, đảm bảo chất lượng.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO