Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:45 GMT+7

Bên sóng biển Sầm Sơn

Biên phòng - Sầm Sơn (Thanh Hóa) vẫn được biết đến là một thành phố biển sầm uất, nhộn nhịp với nhà hàng, khách sạn san sát và hàng triệu lượt khách du lịch ghé thăm mỗi năm. Nhưng ít người biết, giữa lòng phố biển phồn hoa còn có những phận người vô cùng khốn khó đang nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ thầm lặng của những người lính Biên phòng.

ex2g_10b
Bà Điệp và cháu nội Phạm Hồng Nhung. Ảnh: Bích Nguyên

Ơn này lớn lắm

Nếp nhà nhỏ nằm nép bên đường ở khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn nhiều năm nay là nơi sinh sống của bà Văn Thị Điệp, 85 tuổi cùng 3 người cháu nội. Với những người lạ, chỉ cần nhìn bề ngoài thôi đã có thể cảm nhận được sự nghèo khó của chủ nhân ngôi nhà. Đồ đạc hiện hữu trong nhà chỉ là 2 chiếc giường gỗ, 1 bàn học nhỏ. Không có tủ, quần áo được treo vào những chiếc đinh đóng trên tường.

Từ sau lần bị ngã gẫy xương hông 4 năm trước, việc đi lại của bà Điệp rất hạn chế. Bệnh phổi cộng với chứng cao huyết áp khiến cho sức khỏe của bà ngày càng yếu đi, chỉ đủ sức đi lại quanh quẩn trong nhà. Vậy mà hiện giờ, bà vẫn là điểm tựa của những đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn. Bà Điệp rưng rưng nước mắt kể: “Mấy đứa cháu tôi không được như con người ta có đủ cả bố mẹ. Con dâu tôi bỏ đi năm 2007, để lại 3 con lít nhít. Một năm sau, bố của bọn trẻ mất vì bệnh gan”. 

Từ đó, bà Điệp với mái tóc đã bạc trắng trở thành bố, thành mẹ chăm chút cho 3 người cháu. Hàng ngày, bà đi đào ngao, hến, bán rau nuôi cháu. Cuộc sống của 4 bà cháu vì thế luôn trong cảnh thiếu thốn. Mấy năm nay, sức tàn, lực kiệt, bà Điệp không thể mưu sinh được nữa, cuộc sống hoàn toàn cậy nhờ trợ cấp của Nhà nước. “Tôi và 2 người cháu đang học được Nhà nước trợ cấp 270.000 đồng/tháng” - Bà Điệp cho biết.  Tôi nhẩm tính, như vậy, mỗi tháng, bà Điệp và các cháu của mình có nguồn thu chưa đầy một triệu đồng. Tôi không hiểu, làm thế nào mà mấy bà cháu họ có thể sinh sống với số tiền ít ỏi đó. 

Đầu năm 2018, cháu gái lớn của bà Điệp lập gia đình riêng, tự lo cuộc sống của mình. Gánh nặng của bà giảm đi một phần, nhưng nỗi lo khác lại đến. “Thằng cháu trai tôi vì buồn chán mà bỏ học. Tôi lo nó lêu lổng sẽ hư người”. Cháu trai bỏ học đồng nghĩa với khoản trợ cấp 270.000 đồng của Nhà nước cho cháu sẽ không còn, gánh nặng cơm cháo một lần nữa đè nặng lên đôi vai gầy guộc của bà Điệp.

Trong suốt cuộc trò chuyện, lần đầu tiên, tôi thấy ánh mắt bà Điệp tươi vui là lúc cháu gái Phạm Hồng Nhung đi học về, bà Điệp nói giọng tự hào: “Con bé rất khéo tay, vẽ đẹp. Dù có khó khăn thế nào, tôi cũng cố gắng cho cháu học hết lớp 12”. Quyết tâm của bà Điệp được tiếp sức bởi những người lính Đồn Biên phòng Sầm Sơn. Nghĩa cử này bắt đầu từ năm 2016. Chứng kiến cuộc sống quá khó khăn của bà Điệp, Đồn Biên phòng Sầm Sơn đã nhận đỡ đầu cháu Nhung. Các anh trích lương hỗ trợ cô bé 500.000 đồng mỗi tháng. “Không có các anh Biên phòng giúp, có lẽ cháu tôi phải bỏ học rồi. Ơn này lớn lắm. Bà cháu tôi không khi nào quên được” - Bà Điệp xúc động nói.

Đồng hành cùng những ước mơ

Cùng với những người lính Đồn Biên phòng Sầm Sơn, chúng tôi tới nhà chị Lê Thị Liên, thôn Bồi Nguyên, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương khi mặt trời đã lặn xuống biển. Chị Liên dáng người nhỏ nhắn, sức khỏe không tốt lắm. Từ ngày chồng mất vì bạo bệnh 4 năm trước, chị phải gắng gượng hết sức nuôi 2 con. Ngôi nhà của chị xây từ năm 2011 vẫn để mộc, bởi “chỉ lo tiền ăn, học cho 2 con thôi đã vất vả lắm rồi” - Chị Liên chia sẻ.

Không có việc làm ổn định, chị Liên phải đi làm thuê, bữa làm phụ hồ, bữa đi cấy rẽ... Có những hôm ốm quá, chị vẫn ráng nhịn đau đi làm để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Niềm hy vọng của chị là cô con gái Bùi Thị Oanh hiện đang học lớp 12. Cô bé có khuôn mặt tròn, da trắng và đôi mắt rất sáng. Trong suốt những năm học vừa qua, cô bé luôn là học sinh giỏi toàn diện. Lớp 11, Oanh đạt giải Khuyến khích môn Toán tại cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Biết mẹ vất vả, Oanh luôn có ý thức thi đua với các bạn trong học tập để giành những giải thưởng của Ban phụ huynh lớp và thầy cô giáo.

“Nhà trường thưởng 20.000 đồng cho những học sinh đạt điểm thi cao, còn Hội phụ huynh thưởng nhiều hơn, thường là 50.000 đồng. Con đã nhiều lần được nhận thưởng” – Oanh chia sẻ.

Trò chuyện với Oanh, tôi cảm nhận được, cô bé luôn cố gắng giành giải thưởng để đỡ mẹ một phần chi phí học tập. Mấy chục ngàn đồng với cô bé và cả chị Liên đều là khoản tiền rất đáng quý. Bởi lẽ thế, “số tiền 500.000 đồng mỗi tháng mà Đồn Biên phòng Sầm Sơn hỗ trợ cho con tôi là rất lớn” – Chị Liên bộc bạch. Ngoài sự hỗ trợ vật chất, những người lính Biên phòng ở Sầm Sơn thường xuyên tới động viên, hỏi thăm tình hình học tập của 2 con chị Liên. 

xjpf_10a
Cán bộ Đồn Biên phòng Sầm Sơn tới thăm người dân trên địa bàn. Ảnh: Bích Nguyên

Nói về dự định trong tương lai, Oanh tâm sự: “Con đã tìm hiểu kỹ và chọn thi trường Đại học Dược và Đại học Bách khoa. Đây là 2 ngành học con thích nhất”. Đôi mắt trong veo, cương nghị của Oanh ánh lên sự tự tin khi nói về quyết tâm dự thi ngành dược.

Chúng tôi được biết, danh sách người dân nhận được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Sầm Sơn còn có những cháu nhỏ bị tật nguyền, những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn... Nhắc tới chuyện giúp dân, Thượng tá Lý Đình Vinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sầm Sơn chia sẻ một cách giản dị: “Sự giúp đỡ của chúng không tôi xét về giá trị vật chất thực sự không lớn lao, chủ yếu mang ý nghĩa động viên tinh thần cho người dân. Tôi mong muốn người dân, đặc biệt là những cháu nhỏ cảm nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của chúng tôi, từ đó có suy nghĩ tích cực và có thêm động lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống”.

Không hẹn mà gặp, chúng tôi bất ngờ gặp ông Bùi Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch xã Quảng Hải tại nhà chị Liên. Nói về việc làm của những người lính Biên phòng Sầm Sơn, ông Thủy khảng khái: “Trong nhiều năm qua, BĐBP đã hỗ trợ chúng tôi ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là trong công tác cứu hộ, cứu nạn, tuyên truyền pháp luật, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, quan tâm, giúp đỡ người dân nghèo. Chúng tôi luôn trân trọng những hoạt động nhân văn như chương trình “Nâng bước em tới trường” mà Đồn Biên phòng Sầm Sơn đang thực hiện”.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO