Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Bến đò Tùng Luật - biểu tượng anh hùng bên dòng Bến Hải

Biên phòng - Tổ quốc Việt Nam đã vẹn toàn thống nhất hơn 44 năm, thế nhưng mỗi lần nhắc đến địa danh huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng ta đều không thể quên những tháng ngày chiến tranh gian khổ và khốc liệt song cũng rất đỗi hào hùng về một thời “Lũy thép Vĩnh Linh”. Và bến đò Tùng Luật bên dòng sông Bến Hải đã trở thành biểu tượng anh hùng bất khuất về sự gan dạ, trung kiên của quân và dân Vĩnh Linh nói chung, xã Vĩnh Giang nói riêng để viết nên khúc khải hoàn ca của dân tộc Việt Nam.

97ns_24a
Các cựu dân quân Tùng Luật đến thắp hương tại tượng đài Bến đò Tùng Luật (bến đò B). Ảnh: CTV

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, dòng sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới tạm thời chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất giang sơn. Thế nhưng, với mưu đồ chia cắt đất nước ta lâu dài, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ngang nhiên bội ước Hiệp định, để rồi ròng rã hơn 20 năm, Tổ quốc Việt Nam phải chịu cảnh chia ly đôi miền Nam-Bắc. Và cũng từng ấy năm, huyện Vĩnh Linh trở thành mảnh đất đầu cầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và là nơi được ví như túi bom trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. 

Trong số các di tích lịch sử cách mạng trên mảnh đất Quảng Trị thì di tích lịch sử bến đò Tùng Luật (còn có mật danh là bến đò B) thuộc xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh nổi lên như một biểu tượng tiêu biểu cho sự gan dạ, hy sinh và khả năng phi thường của con người qua sự thử thách khắc nghiệt của chiến tranh. 

Từ sau năm 1958, Mỹ - Diệm tuyên bố khóa tuyến, cự tuyệt hiệp thương Tổng tuyển cử, tăng cường phá hoại Hiệp định Genève, dồn dân vào các trại tập trung, xây dựng các căn cứ quân sự; đưa thêm lực lượng cảnh sát ra các đồn ở khu vực phi quân sự với mục tiêu xây dựng phòng tuyến Nam sông Bến Hải để thực hiện kế hoạch “Lấp sông Bến Hải - Bắc tiến”, thì tất cả các đường qua lại trên đường giới tuyến đều chấm dứt mọi hoạt động công khai. Trước tình hình đó, bến đò Tùng Luật trở thành một trong những điểm bí mật với nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội, thương binh, dân công và vũ khí đạn dược sang bờ Nam phục vụ chiến trường, hỗ trợ và thúc đẩy phong trào cách mạng ở Bắc Quảng Trị.

Do hội đủ các điều kiện về địa lý và quân sự, bến đò Tùng Luật là con đường ngắn nhất nối Vĩnh Linh với chiến trường Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà, bến đò nằm sát khu vực dân cư, địa hình xen lẫn những đồi đất đỏ thấp, cây cối nhiều, lợi thế cho việc ém quân và tập kết hàng hóa, lại chỉ cách Cửa Tùng khoảng 2km theo đường sông, rất thuận tiện để vận chuyển tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ nên được Bộ Chỉ huy Quân sự Đặc khu Vĩnh Linh thời bấy giờ chọn làm điểm chiến lược. 

Từ năm 1968 đến 1973, tại bến đò B, đã có hơn 78.000 chuyến đò qua lại, vận chuyển trên 1,5 triệu lượt bộ đội, gần 400.000 lượt dân công, gần 2 vạn người dân Quảng Trị vừa được giải phóng sơ tán ra Vĩnh Linh. Ngày cao điểm, bến đò B đã thực hiện 145 chuyến, vận chuyển qua bờ Nam hơn 21.000 người và hàng tấn vũ khí. 

Từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1973, bến đò Tùng Luật đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy và Xã đội Vĩnh Giang. Tại đây, thường xuyên có một đại đội dân quân gồm 80 người (lúc cao điểm lên tới 111 người), biên chế thành 4 phân đội: Phân đội chèo thuyền vượt sông, rà phá bom mìn; phân đội vận tải, tiếp tế cho Cồn Cỏ; phân đội bảo vệ pháo phòng không 12,7 ly và đại liên; phân đội đào địa đạo, công sự, hầm hào, lán trại, tổ chức cứu thương, di chuyển thương binh, tử sĩ và tập kết hàng hóa.  

Chính vì lý do này mà bến đò B đã trở thành trọng điểm đánh phá của kẻ địch. Suốt những năm chiến tranh, trên diện tích chưa đầy 1.500m2 của bến đò, địch đã huy động hơn 1.200 lần tốp máy bay phản lực với trên 3.200 lần ném bom, 7 lần dùng B.52 rải thảm, 3 lần dùng chất độc hóa học phát quang, hơn 1.500 lần pháo kích từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, hạm đội 7 để dội xuống nơi đây hơn 12.000 quả bom, gần 700.000 quả đạn pháo các loại, có ngày địch bắn xuống bến đò hơn 1.200 quả pháo... 

Thế nhưng, bất chấp sự đánh phá khốc liệt có tính hủy diệt của kẻ địch, dân quân du kích Tùng Luật, với sự hỗ trợ của nhân dân Vĩnh Giang và các xã lân cận đã vừa bám trụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa đảm bảo duy trì hoạt động chi viện cho các chiến trường. Có gia đình, hai, ba thế hệ cùng sánh vai, cầm chèo tải đạn. Cha ngã xuống, con lên thay, anh hy sinh đã có em tiếp bước. Chỉ hơn 6 năm, tại bến đò này đã có 29 người con của Tùng Luật ngã xuống, máu thịt hòa với dòng sông và hơn 40 người đã gửi lại một phần thân thể của mình.  

Ông Nguyễn Minh Thai, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, Phân đội trưởng bảo vệ bến đò B kể lại: “Thời điểm kẻ địch bắn phá ác liệt nhất thì ban đêm là lúc các phân đội hoạt động, những chiếc thuyền ban ngày được nhấn chìm xuống sông, phủ lá ngụy trang, ban đêm được kéo lên làm nhiệm vụ. Để giảm thiểu thiệt hại do bom và pháo kích của địch, mọi người đã nghĩ ra cách mỗi lần vượt sông, có 2 chiếc thuyền đi trước vừa vận chuyển, vừa rà phá bom mìn. Lúc 2 chiếc này ra giữa dòng, 2 chiếc sau mới xuất phát. Trong trường hợp 2 chiếc đầu gặp nạn, 2 chiếc sau sẽ làm nhiệm vụ cứu hộ. Khi 2 chiếc đầu cập bến thì 2 chiếc sau ra đến giữa dòng, khi đó nếu 2 chiếc sau gặp sự cố thì 2 chiếc đầu sẽ làm công tác cứu hộ. Không thể kể hết sự ác liệt của chiến tranh, nhất là đối với vùng giới tuyến Vĩnh Linh vào thời kỳ ấy”.

103m_22
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải năm 1961. Ảnh: Tư liệu

Bến đò B là một trong những nơi xuất phát chính của tuyến vận tải chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Năm 1965, trước yêu cầu chi viện “vị trí tiền tiêu” Cồn Cỏ trước sự bao vây, hủy diệt của Mỹ, với quyết tâm “Tất cả vì đảo”, “Còn đất liền còn đảo”, người dân ở Tùng Luật đã viết 141 lá đơn, thậm chí có những lá đơn viết bằng máu, gửi lên Đảng ủy và Ban Chỉ huy Xã đội Vĩnh Giang đề nghị được tham gia Phân đội tiếp viện Cồn Cỏ. Con đường từ đất liền ra đảo là “con đường máu”, trung bình 10 người lên đường thì có 5-6 người bị thương hoặc không trở về. Rất ít chuyến không gặp phải tàu chiến hay máy bay Mỹ. Lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự, đánh địch mà đi, vượt mưa bom, bão đạn mà tiến, trong hơn 6 năm, tại bến đò này đã có 351 chuyến thuyền đã xuất phát, chi viện cho Cồn Cỏ trên 3.000 tấn lương thực, vũ khí.

Ghi nhận đóng góp của quân dân Vĩnh Giang nói chung và bến đò B - Tùng Luật nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ, Nhà nước đã 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho dân quân du kích xã Vĩnh Giang, cùng 15 Huân chương Chiến công, 110 Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước các loại... Đặc biệt, ngày 27-9-1996, Bến đò Tùng Luật (bến đò B) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định số 24/VH/QĐ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO