Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 GMT+7

“Bệ đỡ” xóa bỏ tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở Đức Hạnh, Bảo Lâm, Cao Bằng

Biên phòng - Đức Hạnh là xã biên giới của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Xã có 16 xóm hành chính với 4 dân tộc cùng sinh sống đen xen gồm: Nùng, Mông, Lô Lô, Tày; với 1143 hộ/5821 nhân khẩu. Trước đây, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở nơi đây còn diễn ra khá phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn.

Thượng tá Lý Ngọc Danh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cốc Pàng, BĐBP Cao Bằng phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: CTV

Trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng Cốc Pàng, BĐBP Cao Bằng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng xã Đức Hạnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn.

Trước đây, mỗi khi có dịp đến với các xóm Cà Đổng, Lũng Mần, Chè Lỳ, Hát Han, Cà Pẻn A, B… của xã Đức Hạnh, tôi đã gặp không ít những đứa trẻ mới chỉ khoảng 13 - 16 tuổi mà đã là mẹ của 2 đến 3 đứa con nhỏ. Và cũng chẳng hiếm lần tôi bắt gặp những người phụ nữ dáng nhỏ, gầy gò, khuôn mặt khắc khổ tay dắt, lưng địu những đứa trẻ cũng gầy gò, ốm yếu cùng theo lên nương rẫy trồng ngô, trồng sắn lo kế mưu sinh hàng ngày. Tưởng họ đã lớn tuổi nhưng khi hỏi kỹ thì mới biết họ còn quá trẻ so với tuổi làm cha, làm mẹ của những đứa con thơ dại kia.

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân vẫn còn lam lũ với nương rẫy, đời sống lạc hậu, quanh năm hầu như ít ai có dịp đi xa khỏi bản làng nên nhiều người, nhiều gia đình còn thiếu thông tin, kiến thức, thậm chí vẫn còn duy trì một số hủ tục xưa cũ.

Trung tá Lữ Văn Long, Cán bộ Tổ công tác địa bàn xã Đức Hạnh, Đồn Biên phòng Cốc Pàng cho biết: Đức Hạnh là xã vùng cao biên giới, cách xa trung tâm huyện Bảo Lâm hơn 70km, kinh tế phát triển chậm, hệ thống giao thông còn bất cập nên người dân chưa được tiếp cận nhiều với cuộc sống hiện đại cũng như pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, quan niệm lấy vợ, lấy chồng trong dòng họ nhằm giữ quan hệ dòng máu vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người dân tộc thiểu số. Trước đây, trên địa bàn xã tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống diễn biến khá phức tạp song nhờ địa phương phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Cốc Pàng triển khai tốt công tác tuyên truyền nên hiện nay đã cơ bản chấm dứt hoàn toàn vấn nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, số cặp tảo hôn từ năm 2019 - 2022 gồm: năm 2019 có 225 cặp, năm 2020 có 186 cặp, năm 2021 có 261 cặp, 9 tháng đầu năm 2022 có 59 cặp; chủ yếu được ghi nhận ở 4 nhóm dân tộc thiểu số là Sán Chỉ (Sán Chay), Mông, Dao và Lô Lô. Trong đó, địa phương có tỷ lệ tảo hôn bình quân cao gồm: Bảo Lạc 43,1%, Nguyên Bình 28,6%, Hà Quảng 23,8%, trong đó, cao nhất là huyện Bảo Lâm với 45,3%..

Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Cốc Pàng đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, UBND, các ban ngành, đoàn thể xã Đức đẩy mạnh công tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, chú trọng đến đối tượng thanh niên trẻ, phụ nữ trong độ tuổi chuẩn bị lập gia đình. Các nội dung tuyên truyền gồm: Nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng tránh thai cho phụ nữ, nam giới, trẻ vị thành niên tại cộng đồng bản làng. Những nội dung thông tin này cũng được dạy học ngoại khóa cho học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phối hợp thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả mô hình các câu lạc bộ gia đình và pháp luật, dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm tư vấn, can thiệp kịp thời trong phòng chống nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Chính quyền địa phương cũng chú trọng xây dựng các mô hình hỗ trợ pháp lý ban đầu tại cộng đồng nhằm hỗ trợ kiến thức pháp luật, hôn nhân, dân số - kế hoạch hóa gia đình ngay tại thôn, bản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi công tác phòng, chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ngay từ cơ sở thôn, bản; giáo dục, nhắc nhở thậm chí xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Em Châu Văn Vừ, dân tộc Lô Lô ở xóm Cà Pẻn A, xã Đức Hạnh chia sẻ: Qua các buổi tuyên truyền, chúng em biết được quy định độ tuổi kết hôn cũng như hậu quả do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra. Tảo hôn sẽ hưởng xấu đến sức khỏe của các cặp vợ chồng, đặc biệt là người phụ nữ; ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con cái, con sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh, hay ốm đau, suy dinh dưỡng. Gia đình gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, hay xảy ra mâu thuẫn do thiếu kinh nghiệm sống, thiếu điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe; ít có cơ hội tham gia hoạt động vui chơi, giải trí... Bản thân em sẽ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kết hôn, đồng thời, em sẽ tích cực tuyên truyền cho người thân, bạn bè, bà con xóm không được tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xử lý các trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Cốc Pàng còn chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất với nhiều hoạt động, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, như mô hình: Mô hình “Ánh sáng vùng biên”, “Tiếng loa Biên phòng”; mô hình “Di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà”; mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân như trồng cây sa mộc, cây dầu hồi, dầu sở cho hiệu quả kinh tế cao; nhận đỡ đầu, nâng bước các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường … Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống... vào hương ước, quy ước thôn, bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Diện mạo xóm Cà Pẻn A, xã Đức Hạnh có nhiều khởi sắc. Ảnh: CTV

Thượng tá Lý Ngọc Danh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cốc Pàng cho biết: “Thời gian tới, đơn vị sẽ quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi cũng chú trọng giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tạo niềm tin, quân dân đoàn kết một một lòng bảo vệ biên giới bình yên”.

Từ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể xã Đức Hạnh và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cốc Pàng, công tác phòng, chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống nơi đây đang dần có những chuyển biến tích cực, thực sự trở thành “Bệ đỡ” xóa bỏ tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở xã biên giới này.

Hà Mi

Bình luận

ZALO