Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

BĐBP triển khai ứng phó với bão gần biển Đông

Biên phòng - Theo dự báo, bão Rai duy trì cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh; đêm 17-12 sẽ đi vào biển Đông, khi vào sát bờ có thể đổi hướng. Khu vực đất liền ven biển và các đảo sẽ có gió mạnh cấp 9 đến cấp 11.

Dự kiến hướng di chuyển của bão Rai. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng, thủy văn quốc gia.

Thực hiện công điện của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Cục Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, Bộ Tham mưu BĐBP đã có điện chỉ đạo các đơn vị ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, 4 hải đoàn theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão Rai ở phía Đông Nam Philippines.

Đồng thời, phối hợp với địa phương, cơ quan chức năng thông báo cho gia đình, chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên các vùng biển biết diễn biến, hướng đi của bão để có kế hoạch sản xuất, chủ động vòng tránh hoặc về bờ bảo đảm an toàn, không đi vào hướng di chuyển của bão. Bên cạnh đó, các đơn vị duy trì nghiêm các kíp trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận, các đơn vị đã phối hợp với địa phương, gia đình, chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.915 phương tiện/ 242.484 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Cụ thể, hoạt động ở khu vực giữa biển Đông và quần đảo hoàng Sa 428 tàu/ 2.400 người. Tất cả số phương tiện này đã nắm được thông tin về bão và đang di chuyển phòng tránh. Hoạt động ở vùng miền khác: 3720 tàu/ 23.992 người. Neo đậu tại bến là hơn 40.767 tàu/ 216.092 người.

Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trưa 16-12 Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện số 26/CĐ-QG đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố triển khai ứng phó, cụ thể:

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố đối với tuyến biển theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão Rai; thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu công trình) để di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú.

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu; sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển và ven biển.

Đối với đất liền, hải đảo, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, ngập lụt khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt; giao thông từ đất liền ra các đảo và phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho các đảo. Sẵn sàng triển khai các hoạt động của lực lượng xung kích tại cơ sở; rà soát nhà ở không an toàn; phương án kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết...

Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nắm bắt và có kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực nhà yếu; phương án quản lý, số liệu tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các khu vực cửa sông, lạch; phương án đảm bảo an toàn cho những tuyến đê biển xung yếu để sẵn sàng ứng phó trong tình huống bão đổi hướng.

Bộ Tài nguyên và môi trường trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, dự báo mưa và nguy cơ mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn dàn khoan trên biển; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ; hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, hệ thống lưới điện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công sửa chữa; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với vụ lúa đông xuân vừa xuống giống.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thông tin tới tàu vận tải trong và ngoài nước, kể cả tàu đang neo đậu tại các cảng; các chủ kho bãi biết diễn biến của bão để chủ động ứng phó.

Bộ Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán tập trung, khu cách ly; chỉ đạo đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ; sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất lọc nước để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ Quốc phòng chỉ đạo BĐBP kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn đảm bảo an toàn tàu thuyền...

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO