Biên phòng - Nhằm đánh giá thiệt hại ban đầu do bão số 2 gây ra đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục hậu quả của bão, sáng 4-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) tổ chức họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, để ứng phó bão số 2, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp với chính quyền các phương ven biển thông báo, hướng dẫn, di chuyển, tránh trú đảm bảo an toàn cho 56.714 phương tiện với 231.113 người, 484 tàu du lịch, 344 tàu vận tải. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã gieo cấy 260.000 ha, 70.000 ha lúa mới gieo sạ, Bắc Trung Bộ đã gieo cây 132.000 ha, lúa đang giai đoạn đẻ nhánh. Các địa phương đã chủ động tiêu thoát nước đệm; có 51 hồ chứa đang thi công có nguy cơ cao xảy ra sự cố, mất an toàn công trình và hạ du. Thiệt hại ban đầu do bão số 2, đêm ngày 3 rạng sáng 7-4, là 2 người chết, 3 người bị thương.
Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão số 2 suy yếu nhanh, nhưng từ ngày 4-7, do ảnh hưởng bão số 2, mưa sẽ mở rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc với lượng mưa tư 50-100mm. Dự báo, khu vực Mường Lát (Thanh Hóa), Hòa Bình, Sơn La sẽ có nguy cơ cao về sạt lở đất do mưa.
Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, để ứng phó bão số 2, các đơn vị đã duy trì trực 6.124 cán bộ, chiến sỹ và các phương tiện. Hiện lực lượng BĐBP tiếp tục ứng trực phòng chống, khắc phục hậu quả của bão.
Đại tá Đỗ Đức Long, đại diện Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết thêm: Lực lượng Quân đội có 120 cán bộ, chiến sỹ tham gia khắc phục sự cố hồ chứa Đồng Chùa và sập mố cầu ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay: Hậu quả của bão số 2 gây ra đến thời điểm này không lớn. Tuy nhiên, bão gây ra mưa lớn diện rộng, đặc biệt mưa to đã xảy ra tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa với lượng mưa trên 500mm. Dự báo, đêm nay và sáng 5-7, mưa sẽ lan rộng ra các tỉnh Tây Bắc.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ sau bão, đặc biệt dự báo sát tình mưa cục bộ xảy ra ở các huyện để các cơ quan chức năng kịp thời ứng phó đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Tổng cục Thủy lợi phải phối hợp với các địa phương và chủ hồ chứa để có các phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa. Đảm bảo an toàn giao thông, cần quan tâm tới hàng không và đối với đường sắt đoạn tuyến thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, sáng nay 4-7, sau khi bão số 2 đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 2 nên ở Cát Hải và Hòn Dáu (Hải Phòng) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to. Vào lúc 7 giờ ngày 4-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc-106,0 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 khoảng 30km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) trong sáng nay còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Biển động mạnh.
Trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đi qua mạnh cấp 6, giật cấp 7. Rủi ro thiên tai do bão cấp độ 3.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo, trong khoảng từ 3-6 giờ tới, khu vực tỉnh Lào Cai có khả năng tiếp tục mưa vừa và mưa to và có khả năng lan sang tỉnh Điện Biên và Lai Châu (lượng mưa phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 80mm). Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên đặc biệt tại các huyện: Huyện Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên (tỉnh Điện Biên); huyện Tân Uyên, Than Uyên (tỉnh Lai Châu); huyện Văn Bàn, Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Trong 1-3 giờ tới, khu vực tỉnh Thanh Hóa tiếp tục còn mưa to, có nơi mưa rất to với lượng từ 20-50mm. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng trũng xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đặc biệt tại các huyện: Huyện Như Xuân, Bá Thước, Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa); Huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An).
Tuấn Khang (tổng hợp)