Biên phòng - Chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm là “điểm nhấn” của lực lượng phòng, chống tội phạm BĐBP thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo và được thực hiện bởi cán bộ tâm huyết, mưu trí, dũng cảm, lực lượng phòng, chống tội phạm BĐBP Đà Nẵng đã liên tục tạo dấu ấn bằng những chiến công, góp phần đem lại sự bình yên ở khu vực biên giới biển của thành phố.
Làm tốt công tác phòng ngừa
Tuy thành phố Đà Nẵng chưa phải là địa bàn phức tạp, trọng điểm về tội phạm, cơ bản đã được phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, song, nổi lên là hoạt động tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy qua địa bàn đi các tỉnh hoặc nước thứ 3. Tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lậu thương mại nổi lên như kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ theo quy định, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, điện tử, bộ phận động vật hoang dã qua cảng biển.
Trước tình hình trên, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã triển khai các mặt công tác nghiệp vụ để quản lý tốt tình hình địa bàn. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy thành phố BĐBP Đà Nẵng xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn, tham mưu cho chính quyền địa phương để làm tốt công tác phòng ngừa, với các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật, góp phần cùng chính quyền và lực lượng chức năng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng.
Các Đồn Biên phòng Hải Vân, Phú Lộc, Sơn Trà và Non Nước phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và công tác phòng, chống tội phạm như: Mô hình “Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Xây dựng tổ dân phố, khu vực dân cư, phường, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự”…
Nhiều năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng thường xuyên duy trì Đội Chống cướp giật được trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Số điện thoại 02363896111 luôn có cán bộ thường trực, tiếp nhận phản ánh của người dân. Các đồn Biên phòng thường xuyên duy trì tổ tuần tra 8394 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Gần đây nhất, vào lúc 5 giờ 30 phút, ngày 3/10/2022, tại trước số nhà 157 Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Non Nước phát hiện đối tượng Lê Đức Phong (sinh năm 1998, hộ khẩu thường trú tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông A Na, tỉnh Đắk Lắk) có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, phát hiện người thanh niên có thẻ tuần tra 8394 và giấy tờ tùy thân đều là giả. Qua trao đổi thông tin với Công an phường Khuê Mỹ, Đồn Biên phòng Non Nước phát hiện Lê Đức Phong hiện đang liên quan đến vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn phường Khuê Mỹ. Đơn vị đã tiến hành bàn giao đối tượng cho Công an phường Khuê Mỹ để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh đấu tranh trực diện
Năm 2021 và 9 tháng của năm 2022, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã chủ trì và phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP) phát hiện, bắt giữ gần 200 vụ, thu giữ gần 30kg ma túy tổng hợp, 8.100 chai bia Heneiken, 1.200 lon bia Heneiken, 1.176 chai sữa Ensure, 300 chai rượu Merlot, 10,5m3 gỗ cẩm lai, cùng nhiều tang vật khác; phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan thành phố Đà Nẵng kiểm tra 4 container trong khu vực giám sát Hải quan, phát hiện, tạm giữ 300 kiện hàng hóa khác nhau gồm áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng, 3.632,04kg ngà voi, 6,2 tấn vảy tê tê, 138,84kg sừng tê giác…

Để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, BĐBP thành phố Đà Nẵng xác định khu vực trọng điểm, đối tượng trọng điểm, nhờ vậy đã chủ động xây dựng các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ. Điển hình, vào lúc 16 giờ 30 phút, ngày 21/4/2022, tại kiệt 839, đường Nguyễn Lương Bằng (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP thành phố Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung triệt phá thành công Chuyên án ĐN422, bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1997, thường trú tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đang có hành vi vận chuyển trái phép 100 viên ma túy dạng thuốc lắc. Tiến hành khám xét khẩn cấp phòng trọ của Nguyễn Văn Thanh tại kiệt 839, đường Nguyễn Lương Bằng, lực lượng đánh án thu giữ thêm 2kg ma túy tổng hợp.
Cảng Tiên Sa cũng được xác định là địa bàn trọng điểm về buôn lậu. Qua điều tra, lực lượng chức năng đã làm rõ thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng giấy chứng minh nhân dân của nhiều người lập ra nhiều công ty đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, lấy trụ sở ảo, không biển hiệu, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng có hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Điều này được thể hiện rõ qua vụ việc ngày 26 và 27/11/2020, tại khu vực đối diện cổng cảng Đà Nẵng (đường Yết Kiêu, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), BĐBP thành phố Đà Nẵng phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung tiến hành kiểm tra xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 43C-031.32 do Huỳnh Lê Phát (sinh năm 1989, trú tại tỉnh Quảng Nam) điều khiển và ô tô đầu kéo biển kiểm soát 43C-220.02 do Nguyễn Văn Chánh (sinh năm 1985, trú tại tỉnh Quảng Nam) điều khiển, chở hàng hóa gồm rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… trị giá khoảng 14,5 tỷ đồng nhưng không xuất trình được giấy tờ, thủ tục liên quan.
“Tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đặt ra những thách thức mới cho lực lượng phòng, chống tội phạm BĐBP. Bộ Tư lệnh BĐBP và cơ quan nghiệp vụ cấp trên đã có những hướng dẫn cụ thể, chúng tôi chủ động nâng cao nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để thích ứng với tình hình mới, từ đó, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm”. Đại tá Võ Tín khẳng định.
Sau khi củng cố hồ sơ, ngày 30/1/2021, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ án, bàn giao cho Công an thành phố Đà Nẵng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Đại tá Võ Tín, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP thành phố Đà Nẵng, vài năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xuất hiện tội phạm ma túy sử dụng phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt lợi dụng ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, mạng ngầm, mạng tối để thỏa thuận giao dịch, dùng tiền kỹ thuật số ẩn danh để thanh toán… Các đối tượng sử dụng “sim rác”, các ứng dụng công nghệ Messenger, Zalo, Ví Momo để liên lạc và giao dịch hoặc ngụy trang trong hàng hóa ký gửi xe khách.
Trúc Hà