Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:21 GMT+7

BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa bàn biên giới

Biên phòng - Việc luật hóa nhiệm vụ này trong Luật BPVN tạo cơ sở pháp lý vững chắc củng cố “thế trận lòng dân”, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; khẳng định hệ thống chính trị cơ sở lên một tầm cao mới - đủ khả năng thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn biên giới.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp.

Với 6 chương, 36 điều, quy định về chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng; dự thảo Luật BPVN đã đáp ứng yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, dự thảo Luật BPVN đã khẳng định rõ vai trò của BĐBP trong xây dựng biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng, thể hiện truyền thống, niềm tự hào của BĐBP trong hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành và gắn bó với nhân dân khu vực biên giới là tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa bàn biên giới, hải đảo.

Nhiệm vụ này của BĐBP được ghi tại Khoản 11, Điều 13, dự thảo Luật BPVN: “Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh”.

Trước hết, quy định nhiệm vụ trên đã khẳng định sự nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định 5 bài học kinh nghiệm quý giá, nêu rõ bài học kinh nghiệm thứ nhất là: “Trước những khó khăn, thách thức trên con đường đổi mới, phải hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh...”1. Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 khẳng định mục tiêu “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”2 . Để 1.084 xã, phường, thị trấn biên giới thực sự vững mạnh, tham gia tích cực cùng BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, trở thành lá chắn thép nơi biên cương, thì “Hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới phải thường xuyên được củng cố, xây dựng vững mạnh theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt các chức năng lãnh đạo, quản lý, xây dựng khu vực biên giới và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia”3.

Thứ hai, quy định nhiệm vụ trên đã khẳng định sự đóng góp bằng công sức, những thành quả nổi bật của BĐBP trong xây dựng, quản lý biên giới quốc gia, khu vực biên giới vững mạnh.

Thời gian qua, BĐBP đã có nhiều chủ trương, biện pháp đúng đắn, khả thi, phối hợp hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang đứng chân trên khu vực biên giới ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, thông qua nhiều hoạt động, phong trào như:

Tăng cường cán bộ BĐBP đến các xã biên giới đặc biệt khó khăn để tham mưu và tham gia giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Giai đoạn 2015 - 2020, BĐBP đã tăng cường 322 cán bộ cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Với phong trào thi đua “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, toàn lực lượng đang tham gia hỗ trợ 568 xã biên giới trong xây dựng nông thôn mới; trong đó đã hoàn thành 5 nhóm tiêu chí đăng ký hỗ trợ cho 180 xã, phường, thị trấn biên giới.

Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” được Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân phát động, đến nay đã có 6.901 ngôi nhà đại đoàn kết và 272 công trình dân sinh với tổng số tiền trên 300 tỉ đồng được tặng cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên các tuyến biên giới.

Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” được Bộ Tư lệnh BĐBP, phối hợp với Tập đoàn Viettel, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và các địa phương triển khai, sau 7 năm phát động, toàn lực lượng đã ủng hộ và kêu gọi nguồn vận động xã hội hóa, tặng 25.024 con bò giống với tổng trị giá trên 376 tỉ đồng cho người nghèo nơi biên giới.

BĐBP tích cực tham gia phát triển giáo dục thông qua ký kết và thực hiện chương trình phối hợp phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới, hải đảo với Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 1992; đến nay, BĐBP đã trực tiếp và tham gia đứng lớp 2.576 lớp xóa mù chữ cho 66.114 người là cán bộ thôn, bản, đoàn thể, con gia đình chính sách, gia đình nghèo; phổ cập giáo dục tiểu học được 2.450 lớp cho 64.230 trẻ em, vận động 31.340 học sinh bỏ học trở lại trường. Sau khi nước ta đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, BĐBP tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo mở 62 lớp cho 1.309 người xóa mù chữ, 76 lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho 2.395 học sinh nghèo. Hiện nay, BĐBP vẫn tiếp tục duy trì một số lớp học dạy chữ cho trẻ em nghèo ở Hòn Chuối (Cà Mau), Mường Lạn (Sơn La). Đặc biệt, BĐBP đang tiếp tục thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhận đỡ đầu gần 3.000 lượt học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 500.000 đồng/tháng đến hết lớp 12. Trong số đó, có gần 200 em của nước bạn Lào và Campuchia.

Không chỉ có người thầy giáo quân hàm xanh, mà còn có người thầy thuốc quân hàm xanh không quản ngại khó khăn, luôn xuất hiện kịp thời chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Từ năm 1999 đến nay, trên địa bàn các xã biên giới đặc biệt khó khăn, BĐBP đã thành lập xây dựng 150 trạm quân dân y kết hợp (trong đó có 4 trạm quân dân y hữu nghị) duy trì khám chữa bệnh cho hàng trăm ngàn lượt người.

Bộ đội Biên phòng vận động đồng bào xóa bỏ phương thức canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt. Ảnh: CTV

Chương trình “Vì những con tàu xa khơi”, mô hình “Tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho ngư dân vươn khơi bám biển” được phát động nhằm huy động mọi nguồn lực hướng về biển đảo; củng cố tình yêu biển, đảo, tạo niềm tin và sức mạnh cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Những dịp Tết đến, Xuân về, người người về nhà sum họp, BĐBP vẫn chắc tay súng giữ biên cương và ở lại cùng đồng bào đón Tết. Những chương trình rộn rã sắc Xuân trên khắp nẻo biên cương được triển khai như “Xuân Biên phòng, ấm lòng dân bản”, “Ngày hội bánh chưng xanh vì người nghèo”... ngày càng gắn kết tình quân dân. Đặc biệt, để đảm bảo bình yên nơi biên giới, góp phần cùng các lực lượng khác phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, từ tháng 1-2020 đến tháng 8-2020, BĐBP đã tổ chức tuần tra, kiểm soát tại cửa khẩu, các đường mòn, lối mở; phát hiện, xử lý 19.877 người xuất, nhập cảnh trái phép; tổ chức tiếp nhận gần 7.000 người, phân luồng bàn giao cho địa phương cách ly 75.522 người...

Có thể khẳng định, những thành tích nêu trên của BĐBP đã khẳng định niềm tin của nhân dân khu vực biên giới với Đảng, Nhà nước, với BĐBP, lực lượng bám trụ nơi tuyến đầu biên giới, biển, đảo, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với nhân dân. Việc luật hóa nhiệm vụ này trong Luật BPVN tạo cơ sở pháp lý vững chắc củng cố “thế trận lòng dân”, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; khẳng định hệ thống chính trị cơ sở lên một tầm cao mới - đủ khả năng thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn biên giới.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.63.
2. Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
3. Nghị định 140/2004/NĐ-CP ngày 25-6-2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng

Bình luận

ZALO