Biên phòng - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra khá phổ biến. Nhận diện và kịp thời chặn đứng vấn nạn này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Kế hoạch 3441/KH-BTL, ngày 6-8-2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trong BĐBP.

Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn biến rất phức tạp, ngày 24-4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (Chỉ thị số 12).
Chỉ thị 12 nêu rõ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.
Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Trên địa bàn biên giới, hải đảo, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” hình thành các đường dây, tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong nước và đối tượng ở nước ngoài, giữa đối tượng ở khu vực biên giới với đối tượng ở nội địa để đối phó với lực lượng chức năng. Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, phía đối diện có nhiều casino, trường gà nên hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp với những phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã tổ chức đưa, đón người xuất nhập cảnh trái phép ra nước ngoài để đánh bạc. Khi người chơi bị thua, các đối tượng sẽ cho họ vay tiền với lãi suất cao, nếu người vay không trả được, thì chúng khống chế, gây áp lực gọi điện cho người thân mang tiền sang trả, mới thả người về.
Đáng lo ngại là hoạt động “tín dụng đen” đã xâm nhập vào nhiều địa phương biên giới, ven biển. Các đối tượng đã lợi dụng những khó khăn về kinh tế của người dân để cho vay nặng lãi hoặc tổ chức huy động vốn với chiêu trò lãi suất cao, đánh vào lòng tham của một bộ phận quần chúng nhân dân. Trong thời gian đầu, các đối tượng dùng phương thức lấy tiền của người sau trả cho người trước, sau một thời gian, khi số người gửi nhiều, số tiền thu được lớn, thì chúng ôm hết và bỏ trốn.
Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng trong BĐBP, những năm qua, đã có một số cán bộ, chiến sĩ của lực lượng BĐBP liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” bị xử lý kỷ luật. Chính vì vậy, ngay sau khi có Chỉ thị số 12, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Kế hoạch 3441/KH-BTL ngày 6-8-2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trong BĐBP; đồng thời, chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố căn cứ vào kế hoạch của Bộ Tư lệnh và tình hình thực tế ở địa bàn quản lý, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Không chỉ tăng cường đấu tranh, phòng ngừa, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị BĐBP cần phải nhanh chóng điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Cùng với đó, Bộ Tư lệnh BĐBP yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân ở khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tội phạm này.
Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, làm tốt công tác bảo vệ nội bộ; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân trong BĐBP vi phạm về giao dịch, vay mượn, huy động hoặc sử dụng vốn, môi giới, bao che tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ.
Bộ Tư lệnh BĐBP cũng yêu cầu nghiên cứu, xem xét không bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng cán bộ, đảng viên có liên quan hoặc để vợ, chồng, con vi phạm những hành vi trên, đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp quân nhân vi phạm pháp luật.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” ở khu vực biên giới, các đơn vị BĐBP đã tổ chức triển khai 4.728 buổi tuyên truyền tập trung và đơn lẻ cho 321.186 lượt người dân; phát trên loa phóng thanh của các đơn vị BĐBP được 357 tin, bài tuyên truyền pháp luật về biên giới quốc gia và các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; hậu quả, tác hại của “tín dụng đen” đến kinh tế, an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội của địa phương và phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đăng phát hàng trăm tin, bài, phóng sự cảnh báo hoạt động tội phạm “tín dụng đen”; nêu gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân.
Bằng các biện pháp, hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, sinh động, các đơn vị BĐBP đã giúp người dân chủ động phòng ngừa, không tham gia tiếp tay cho hoạt động của các loại tội phạm cũng như hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.
Hoàng Vân