Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:45 GMT+7

BĐBP sẵn sàng lực lượng ứng phó hình thái áp thấp nhiệt đới phức tạp

Biên phòng - Sáng 3-9, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp triển khai công tác ứng phó với 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh và mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

nluc_2
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thùy Trang

7.760 cán bộ, chiến sĩ duy trì trực sẵn sàng xử lý tình huống

Tại cuộc họp, Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng Cứu hộ-cứu nạn BĐBP cho biết, Bộ Tham mưu BĐBP tiếp tục có điện chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành ven biển chủ động ứng phó với 2 áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam trên Biển Đông; khẩn trương phối hợp với địa phương thông báo hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển chủ động thoát khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về bờ trú tránh, tổ chức sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn.

Các đơn vị tuyến biên giới đất liền triển khai ứng phó tình huống mưa ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; thông báo và có phương án di dời, sơ tán dân ở vùng hạ lưu khi xả lũ ở các hồ chứa, công trình thủy điện. Đảm bảo lượng lương thực thực phẩm dự phòng, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” đảm bảo an toàn cho đơn vị và nhân dân địa bàn khu vực biên giới. Sẵn sàng lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

BĐBP các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa tổ chức duy trì thường trực 7.760 cán bộ, chiến sĩ/281 phương tiện (45 tàu, 115 ca nô xuồng, 178 ô tô) tham gia kêu gọi sắp xếp neo đậu tàu thuyền và sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.

Tính đến 6 giờ ngày 3-9, BĐBP các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/312.630 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

iqjxab3561-19054_f_k03d9y8m3_3
Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng Phòng Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP, báo cáo công tác triển khai phòng, chống áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Ảnh: Thùy Trang

Cụ thể, hoạt động trên khu vực quần đảo Hoàng Sa có 111 tàu/814 người (Quảng Ngãi 23 tàu/196 người; Bình Định có 88 tàu/618 người), các phương tiện đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm; hoạt động ở khu vực biển khác có 4.279 tàu/31.513 người; neo đậu tại các bến từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa có 67.072 tàu/280.303 người.

Hình thái áp thấp nhiệt đới diễn biến khó lường

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào lúc 4 giờ ngày 3-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc-107,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển về hướng Đông, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16 giờ ngày 3-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc-108,3 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 4 giờ ngày 4-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc-109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Đối với áp thấp nhiệt đới khu vực giữa Biển Đông, lúc 4 giờ ngày 3-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc-113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 4 giờ ngày 4-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc-111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo mưa trong ngày và đêm 3-9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 40-90mm/24 giờ), riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to (100-250mm/24 giờ, có nơi trên 300 mm). Cảnh báo, từ ngày 3 đến ngày 6-9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế 500-700 mm/đợt); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt), Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100-150 mm/đợt).

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2019 khí hậu có biểu hiện cực đoan rất rõ, một năm nóng chưa từng thấy, châu Âu chưa bao giờ nóng như vậy, nên làm xáo trộn vòng tuần hoàn quy luật vốn trước đây đã ổn định 1 cách tương đối. Đặc biệt những ngày gần đây, trên khu vực Thái Bình Dương giáp với khu vực Biển Đông xuất hiện rất nhiều kiểu hình áp thấp nhiệt đới.

Áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền nhưng không tan, mà lại phát triển theo hướng Đông quay ra ngoài biển, hoàn lưu không chạy theo trục hướng Tây mà chạy quẩn. Có khả năng, 2 áp thấp nhiệt đới hiện nay trên Biển Đông sẽ cộng hưởng với áp thấp ngoài biển Philippines. Từ nay tới ngày 6-9, sẽ còn nhiều trạng thái của áp thấp nhiệt đới xuất hiện.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TWPCTT ngày 1-9-2019 và 15/CĐ-TWPCTT ngày 2-9-2019 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Trong đó, cơ quan dự báo thường xuyên theo dõi, thông tin kịp thời, chính xác diễn biến 2 áp thấp nhiệt đới, cảnh báo mưa lớn và gió mùa Tây Nam. Các lực lượng và địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đối với trên biển, trên đảo, tiếp tục theo dõi áp thấp nhiệt đới và tình hình tàu thuyền, lồng bè; không để người dân quay lại lồng bè, chòi canh; đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch trên trên các đảo.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, tiếp tục kiểm tra đảm bảo an toàn cho người dân khu vực ven biển có nguy cơ rủi ro cao; đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè thu; tiếp tục theo dõi, đảm bảo an toàn đê điều (trong đó có khu vực đê biển Tây); chủ động tiêu nước đệm, vận hành bơm tiêu úng.

Đối với khu vực miền núi, trung du và Tây Nguyên, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất; khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy; tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, sạt lở...; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố…

Thùy Trang

Bình luận

ZALO