Biên phòng - Tuy không hình thành vùng áp thấp nhiệt đới nhưng áp thấp lại gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung, trọng tâm từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, lượng mưa từ 300-1.000mm, gây chia cắt một số địa phương khu vực biên giới.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP cho biết: Bộ Tham mưu BĐBP đã chủ động chỉ đạo các đơn vị từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi và 4 tỉnh Tây Nguyên chủ động theo dõi tình hình thời tiết, duy trì nghiêm túc chế độ trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án, kiểm tra đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, kho tàng, doanh trại, công trình chiến đấu của đơn vị, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, phối hợp với địa phương khảo sát nắm chắc các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng... để di dời nhân dân đến nơi an toàn hoặc cắm biển cảnh báo nguy hiểm, canh gác tại các nơi nguy hiểm để hướng dẫn, không cho người qua lại các ngầm tràn, nơi ngập úng sâu.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo trên, các đơn vị BĐBP đã cử lực lượng đến các địa bàn trọng yếu, sát cánh cùng địa phương, các lực lượng khác và nhân dân ứng phó với mưa lũ.
Cụ thể, tại Quảng Bình, từ đêm 6-10, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Nước các sông, suối dâng cao gây ngập lụt, tắc đường tại 23 bản của 6 xã biên giới. Các địa phương đã có công văn cho toàn bộ học sinh các cấp nghỉ học để đảm bảo an toàn. Trước tình hình trên, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Quảng Bình đã khẩn trương cử lực lượng, phương tiện cano, lập rào chắn cảnh báo, không cho người dân qua lại những đoạn đường ngập sâu; phối hợp cùng với chính quyền địa phương để sẵn sàng di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.
Tại Quảng Ngãi, mưa lũ đang có diễn biến phức tạp. Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 115 tàu cá nằm bờ. Do nhiều năm không hoạt động nên hầu hết số tàu thuyền này đã bị mưa nắng làm hư hỏng, xuống cấp. Một số chủ tàu vướng vào nợ vay bỏ mặc phương tiện cho người trông coi nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Để phòng ngừa sự cố lan truyền, gây thiệt hại tài sản cho nhiều người, các đơn vị thuộc BĐBP Quảng Ngãi đã phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý cảng cá triển khai các biện pháp giúp dân neo cột, chằng chống tàu thuyền; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở ngư dân, người trông giữ phương tiện thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản trong hoàn cảnh thiên tai đang diễn biến phức tạp; cấm tàu thuyền ra khơi; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tạm dừng hoạt động tuyến vận tải Sa Kỳ- Lý Sơn và đảo lớn- đảo bé.
Tại Quảng Trị, trong ngay 7-10, khu vực tỉnh này có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa trong 6 giờ qua (từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 7-10) tại Mỹ Chánh 100mm, A Bung 117mm, Tà Rụt 128mm, A Vao 130mm, Hướng Linh 135mm, Hướng Hiệp 137mm.
Hiện, nước tại sông và các khe suối của các xã vùng cao thuộc huyện Hướng Hoá và Đakrông đang lên nhanh gây chia cắt nhiều bản làng. Trước tình hình đó, các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Quảng Trị đã cử lực lượng lập các chốt gác ở các khu vực nước lũ đang lên để ngăn người dân qua lại. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng di dân trong trường hợp cần thiết.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trên các địa bàn bị ngập lụt, các đồn Biên phòng: Ba Nang, Thanh, Thuận, cửa khẩu quốc tế La Lay đã tăng cường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đến các điểm đập tràn, những nơi có nguy cơ sạt lở đất tổ chức chằng dây, dựng các biển báo hiệu nguy hiểm, tuyên truyền vận động nhân dân không được đi qua những điểm ngập lụt, nước chảy siết để đảm bảo an toàn tính mạng; đồng thời chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn để sẵn sàng khi có tình huống xảy ra.
Ở các địa bàn dân cư ven sông, suối có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức di dời dân đến những nơi cao ráo, nhà cửa kiên cố như trường học, trạm xá xã để trú ẩn.
Được biết, do mưa lớn kéo dài, mưa lũ dâng cao nên trên địa bàn xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa vừa xảy ra vụ hai người dân bị nước cuốn trôi mất tích khi đang trên đường trở về nhà. Theo đó, khoảng 11 giờ cùng ngày, anh N.V. N. (35 tuổi) và L. Q. H. (28 tuổi), cùng trú tại thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị chèo thuyền qua con suối gần khu vực thủy điện Rào Quán thi công đập dâng phụ ngăn bồi lắng để về nhà gặp nước dâng cao, chảy siết nên chiếc thuyền chở anh N. và H. bị lật, cả hai bị cuốn mất tích.
Tại Khánh Hoà, trong 2 ngày (6 và 7-10), Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa đã thành lập đoàn công tác do Đại tá Trần Quốc Toản, Chỉ huy trưởng BĐBP Khánh Hòa làm trưởng đoàn, kiểm tra tình hình ứng phó với áp thấp nhiệt đới tại các đơn vị và các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú trên địa bàn.
Tính đến 14 giờ chiều 7-10, tỉnh Khánh Hòa có 731 tàu cá với 4.149 lao động đang hoạt động đánh bắt trên các vùng biển; hiện tất cả các tàu cá hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và có kế hoạch chủ động di chuyển phòng tránh.
Tại Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo 5 điểm bắn pháo hiệu tại các đồn Biên phòng: Chân Mây, Vinh Hiền, Phong Hải, Thuận An và Hải Đội 2, triển khai bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã tiến hành bắn pháo hiệu, kêu gọi 2.062 phương tiện tàu thuyền với 11.350 lao động vào bờ tránh trú an toàn.
Thuỳ Trang (tổng hợp)