Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

BĐBP nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

Biên phòng - Những ngày vừa qua, mưa lũ gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân khu vực miền Trung. Trong cơn hoạn nạn, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) BĐBP đội mưa, dầm mình trong nước lũ, giúp người dân di dời tài sản, hỗ trợ đồ ăn, nước uống, thu dọn vệ sinh, khắc phục các điểm sạt lở, thông tuyến giao thông.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua thôn Cợp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Ảnh: Đình Tiến

Dưới tác động của mưa lớn và triều cường, những ngày qua, bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở nặng với chiều sâu vào đất liền gần 4m. Bờ biển liên tục sạt lở, xâm thực khiến chính quyền địa phương và người dân nơi đây rất bất an. Bà Phan Thị Hoa, người dân xã Phú Thuận chia sẻ: “Sạt lở càng ngày càng vô rất sâu, tôi rất sợ và hoang mang. Nhiều đêm tôi ngủ không ngon giấc, cứ thổn thức sợ sóng biển vô, không biết vô lúc nào”.

Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung từ ngày 9 đến ngày 11/10 đã làm 2 người chết, 1 người mất tích (tại tỉnh Quảng Nam), hàng ngàn ngôi nhà bị ngập. Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập lụt, chia cắt, một số khu vực dân cư bị cô lập. Tính đến ngày 12/10, vẫn còn 9 điểm tại tỉnh Quảng Nam; 5 điểm đường liên thôn tại tỉnh Quảng Bình; 3 điểm tại tỉnh Phú Yên bị ngập, tắc đường.

Sáng ngày 11/10, tranh thủ lúc ngớt mưa, hơn 150 người bao gồm CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An, Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế cùng các lực lượng khác đã gia cố bờ biển bằng các bao cát nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của sóng, gió. Chia sẻ về công việc ứng cứu giúp nhân dân đã trở thành quen thuộc với BĐBP ở vùng biển này, Trung úy Nguyễn Văn Quỳnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An cho biết: “Chúng tôi luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quan trọng để giúp đỡ bà con nhân dân phòng chống thiên tai. Đồng thời, xây dựng tình cảm gắn bó giữa quân đội với nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn đóng quân”.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, mưa lớn kéo dài, nước dâng cao gây sạt lở đất đá, ngập lụt tại các ngầm tràn, chia cắt giao thông cục bộ tại các đường dân sinh, đường 20, quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thuộc các xã Thượng Hóa, Trọng Hóa, Dân Hóa (huyện Minh Hóa); xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch); xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) và Lâm Thủy, Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy). Hầu hết các bản thuộc khu vực biên giới có giao thông đi qua ngầm, sông, suối đều bị chia cắt.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân không di chuyển qua các ngầm tràn, sông suối, không đánh bắt cá ven suối. Đồng thời, triển khai 28 tổ/94 CBCS tăng cường xuống các địa bàn để nắm tình hình, phối hợp với địa phương ứng phó mưa lũ; chốt chặn, hướng dẫn người dân qua lại đảm bảo an toàn tại các vị trí ngập tràn; phối hợp với các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ giải tỏa các điểm sạt lở.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình, tính đến ngày 12/10, các điểm ngập lụt và chia cắt cơ bản giao thông đã trở lại bình thường. Riêng khu vực Hung Trâu, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (địa bàn Đồn Biên phòng Cà Xèng) ngập sâu 1,5m, dài 250m, nước đang rút chậm. Gần 100 CBCS BĐBP Quảng Bình vẫn đang bám địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình cũng sẵn sàng 27 phương tiện các loại tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, rạng sáng ngày 11/10 tại Km169+100 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua thôn Cợp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông trên tuyến đường từ xã Hướng Lập ra hướng tỉnh Quảng Bình. Có khoảng 30 hộ, 103 khẩu thuộc thôn Cợp, xã Hướng Lập bị cô lập do lượng lớn đất đá sạt lở. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã thông báo cho chính quyền địa phương và Hạt quản lý đường bộ khắc phục sự cố, để đảm bảo cho bà con nhân dân đi lại, ổn định cuộc sống.

Tại Bình Định, sau đợt mưa lớn trong tối ngày 11/10, nhiều khu vực trong nội thành thành phố Quy Nhơn bị ngập cục bộ khiến người dân không kịp trở tay. Trong đó, khu vực phường Ghềnh Ráng có nhiều tuyến đường ngập sâu khoảng 1m. Nước lũ dâng nhanh nên các hộ dân không kịp kê đồ đạc lên cao, đã bị nước lũ cuốn trôi. Ngay trong sáng 12/10, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, BĐBP Bình Định đã phối hợp với các lực lượng và chính quyền phường Ghềnh Ráng dọn dẹp trụ sở UBND phường và giúp di chuyển đồ đạc, dọn nhà cửa, vệ sinh đường sá giúp nhân dân. Với các khu vực cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn như phường Nhơn Bình, xã Nhơn Lý, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn đã cử cán bộ đi khảo sát, nắm tình hình để triển khai lực lượng hỗ trợ chính quyền và người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.

CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, BĐBP Bình Định giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Công Cường

Còn tại Quảng Ngãi, mưa lớn khiến nước sông Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu dâng cao, gây ngập vùng ven sông huyện Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ, huyện Bình Sơn. Hàng nghìn nhà dân bị ngập sâu khoảng 1m. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn trong hai ngày 10 và 11/10 đã khiến 1.995 nhà dân bị ngập. Tỉnh đã di dời, sơ tán 400 hộ/1.094 khẩu trong vùng bị ngập lụt và vùng nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.

Tối ngày 10/10, khu vực cầu Kà Tinh, Km37 + 559, tỉnh lộ 622B đoạn qua xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng xảy ra sạt lở núi nghiêm trọng, làm sập hoàn toàn Tổ máy phát điện của Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1, trong đó, có một công nhân trực. Ngay sau khi sự cố xảy ra, các lực lượng chức năng đã huy động phương tiện cơ giới khơi thông đất đá, tiếp cận hiện trường, khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Trước đó, tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, nơi hứng chịu cơn lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng ngày 2/10, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An tiếp tục duy trì 135 CBCS phối hợp với địa phương, lực lượng chức năng giúp dân khắc phục hậu quả, tái thiết cuộc sống. Ngay khi từ khi nước lũ dâng cao, những người lính Biên phòng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy, di chuyển tài sản, nhà cửa, người đến nơi an toàn. Sau trận lũ quét, BĐBP Nghệ An tiếp tục bám trụ địa bàn, giúp đỡ người dân dọn dẹp bùn, đất đá, dựng lại nhà cho người dân; mở đường thông tuyến, vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trao tặng người dân và triển khai các biện pháp, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi sau lũ.

PV - CTV

Bình luận

ZALO