Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 21/09/2023 03:25 GMT+7

BĐBP luôn đồng hành với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Biên phòng - Bộ Tư lệnh BĐBP và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam trong nhiều năm qua đã phối hợp thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn biên giới, hải đảo đạt kết quả cao, có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, được các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về vấn đề này.

56ce627a45bcebd700000362
Bà Trương Thị Ngọc Ánh. Ảnh: Hà Phương

PV: Trong những năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP đã có nhiều chương trình phối hợp hoạt động hướng về biên giới, hải đảo của Tổ quốc hết sức có ý nghĩa. Đề nghị bà cho biết cụ thể hơn về những kết quả đã đạt được?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Điểm nhấn nổi bật trong công tác phối hợp là Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức đợt vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" trên địa bàn cả nước, nhân dịp kỷ niệm 20 năm "Ngày Biên phòng toàn dân 3/3/1989 - 3/3/2009" và 50 năm Ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2009).

Đây là đợt vận động hết sức có ý nghĩa nhằm tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, nội dung "Ngày Biên phòng toàn dân", từ đó nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc bằng các hoạt động thiết thực, như: Ủng hộ xây dựng các công trình dân sinh, xóa nhà dột nát, giúp đỡ đồng bào các dân tộc trên biên giới, biển đảo ổn định cuộc sống, thoát nghèo, xóa mù chữ...

Bên cạnh các hoạt động phối hợp giúp đỡ nhân dân các dân tộc trên các tuyến biên giới xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế, MTTQ ở các tỉnh có đường biên giới đất liền và biển đảo đã tích cực phối hợp với các đơn vị BĐBP vận động nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo" đạt kết quả cao; phối hợp tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới; các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; công tác phân giới, cắm mốc trên các tuyến biên giới.

Hai bên cũng tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa nhân dân hai bên biên giới, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Ngoài ra, MTTQ các xã, huyện biên giới cùng các đồn BP cũng thường xuyên tuyên truyền để nhân dân các xã biên giới hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của bọn phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới, để bà con nâng cao cảnh giác, chủ động phát hiện, đấu tranh phòng, chống với các loại tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội trên địa bàn các tuyến biên giới.

Đặc biệt, ngày 9-1-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc "Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Trên cơ sở Hướng dẫn số 7210/HD-BQP, ngày 13-8-2015 của Bộ Quốc phòng về việc thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp tổ chức thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Tháng 7-2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTQT Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Công an tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 01 và tập huấn trao đổi kinh nghiệm về công tác phòng, chống tội phạm cho đội ngũ làm công tác Mặt trận, lực lượng Công an xã và BĐBP của 25 tỉnh có đường biên giới trên đất liền giáp với các nước Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia.

PV: Bà có thể khái quát kết quả công tác phối hợp giữa hai lực lượng cũng như vai trò của lực lượng BĐBP trong các chương trình phối hợp?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Có thể khẳng định, các nội dung chương trình phối hợp giữa MTTQ các cấp với BĐBP rất thiết thực và đã đạt được kết quả cao. Kết quả đó không chỉ đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên tuyến biên giới, mà còn tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, sẻ chia và quan tâm sâu sắc của nhân dân cả nước đối với các địa phương, đồng bào dân tộc.

Chỉ tính riêng đợt vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" đã nhận được sự tham gia tích cực của Ủy ban MTTQ các cấp, của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ BĐBP và sự tham gia hưởng ứng rất trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Kết thúc đợt vận động, trên địa bàn các tuyến biên giới và hải đảo đã xây dựng được 6.901 căn nhà "Đại đoàn kết", 274 công trình dân sinh, trị giá gần 248 tỷ đồng.

Thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trên các tuyến biên giới quốc gia, MTTQ và BĐBP ở các cấp đã xây dựng phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, bản khu vực biên giới", qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: "Tổ tự quản đường biên, mốc giới", "Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn", "Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản", "Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự", "Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới", "Buôn làng không có người vượt biên trái phép", "Tiếng kẻng vùng biên"...

Hiện cả nước đã xây dựng được 3.519 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, 1.925 tổ tàu thuyền an toàn, 382 bến bãi an toàn, người dân ký kết nhận tự quản 3.262km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới đã mang lại hiệu quả thiết thực; 27.921 tổ tự quản an ninh trật tự với 746.729 hộ tham gia; 574 bến bãi an toàn với 104.177 tàu thuyền với 102.308 người tham gia.

Cả nước đã có 18/25 tỉnh biên giới đất liền tổ chức ký kết nghĩa được 117 cặp cụm dân cư, qua đó củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng.

Bên cạnh đó, MTTQ và BĐBP còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về biên giới, hải đảo như xây dựng các "Điểm sáng văn hóa nơi biên cương", tổ chức các hoạt động "Tuần nghĩa tình biên giới, hải đảo", cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo", chương trình "Xuân biên giới, Tết hải đảo"... thu hút được sự tham gia hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Trong thực hiện các nội dung phối hợp với MTTQ, lực lượng BĐBP luôn giữ được vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã cùng với đội ngũ làm công tác Mặt trận bám sát cơ sở, trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các hộ dân, hướng dẫn và giúp đỡ người nghèo phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động cứu trợ, phòng chống thiên tai, lũ lụt trên địa bàn. BĐBP là lực lượng tiên phong hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua do MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã trực tiếp tham gia đóng góp ngày công, nhân lực, vật lực cùng với chính quyền, MTTQ cơ sở chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân ở khắp các vùng biên giới và hải đảo...

PV: Những thành quả từ các chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và BĐBP thời gian qua đã có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống đồng bào các dân tộc trên các vùng biên giới, hải đảo?

Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Trong nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chương trình phối hợp giữa MTTQ với BĐBP đã góp phần quan trọng việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên các tuyến biên giới, hải đảo. Nhờ có sự giúp đỡ của BĐBP, nhiều địa phương tỉ lệ hộ đói, hộ nghèo giảm, đồng bào ở các xã biên giới đã biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện định canh, định cư; tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường tăng cao; phần lớn các gia đình đều có nhà ở ổn định; người dân trên các địa bàn biên giới đã thực hiện tốt nếp sống vệ sinh nơi ăn, chốn ở; khi đau ốm đã biết đến các cơ sở y tế để thăm khám, chữa bệnh. Hệ thống chính trị cơ sở luôn được củng cố và giữ vững góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Tuy nhiên, đời sống nhân dân trên các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, trong thời gian tới, nội dung phối hợp giữa MTTQ với BĐBP cần phải hướng tới các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tiếp tục có những nội dung thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn nữa cho đồng bào trên các tuyến biên giới, hải đảo để xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân nơi địa đầu Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Hà Phương (Thực hiện)

Bình luận

ZALO