Biên phòng - Là tỉnh miền núi Tây Bắc với địa bàn rộng và phức tạp, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người ở Lai Châu ngày càng có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thông qua quan hệ dân tộc, thân tộc để làm quen, tạo lòng tin với phụ nữ, trẻ em, sau đó dụ dỗ, lôi kéo vượt biên đưa ra nước ngoài bán. Trước thực tế đó, BĐBP Lai Châu đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, hạn chế vấn nạn trên.
Đường vào xã Dào San, huyện biên giới Phong Thổ đẹp hơn khi những thửa ruộng bậc thang đã ngả sang màu vàng hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Những ngôi nhà bên sườn núi với khói lam chiều tạo nên bức tranh sinh động nơi biên cương. Nhưng đằng sau vẻ đẹp nên thơ ấy là những câu chuyện buồn, nỗi đau xé lòng của những gia đình có con bị lừa bán sang Trung Quốc. Có người đến nay vẫn bặt vô âm tín, chưa biết ngày về, có người trở về nhưng hằng ngày vẫn sống trong nỗi ám ảnh sợ hãi, như trường hợp của em L. Th. D, sinh năm 1999.
Em D kể lại: Vào một buổi chiều cách đây 2 năm, khi em đang học ở trường thì có một thanh niên lạ mặt gọi điện làm quen. Vì người Mông thường lấy chồng sớm, khi có bạn trai làm quen nên em nghĩ là chuyện bình thường. Hôm anh ta rủ em đi chơi cùng 3 thanh niên khác mà em chỉ biết một người tên là Minh. Khi chúng đưa em qua biên giới bằng đường mòn thì có một người phụ nữ đón đưa vào nội địa rồi nhốt vào phòng. Khi biết mình bị lừa, em đã cạy cửa trốn khỏi nơi giam giữ và may mắn gặp người nhà bên đó đưa về.
D trở về địa phương trong nỗi ám ảnh sợ hãi. Sau thời gian trấn tĩnh lại, D được gia đình, người thân và chính quyền xã vận động tố giác kẻ xấu. Em quyết định làm đơn tố cáo 3 đối tượng lừa bán mình sang Trung Quốc. Sau thời gian dài điều tra, ngày 12-7 vừa qua, Công an huyện Phong Thổ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng này. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Giàng A Minh - kẻ chủ mưu trong vụ lừa bán D sang Trung Quốc đã thành khẩn khai báo là do thiếu tiền ăn chơi, được người quen bên kia biên giới chỉ cách kiếm tiền nhiều và dễ, nên làm theo.
Gần đây nhất, ngày 4-10-2016, Đồn BP Huổi Luông đã ra quyết định khởi tố 2 đối tượng là Mã A Lâu, sinh năm 1988, dân tộc Mông, trú tại xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu và Thào Thị Say, sinh năm 1992, dân tộc Mông, trú lại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên về hành vi "Mua bán người".
Được biết, ngày 29-9-2016, trong khi thi hành nhiệm vụ tại khu vực cột mốc 63, 64 thuộc địa bàn xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, lực lượng Đồn BP Huổi Luông đã phát hiện và bắt giữ 4 công dân đang thực hiện hành vi xuất cảnh trái phép. Qua đấu tranh khai thác, Mã A Lâu và Thào Thị Say đã thừa nhận việc bàn bạc, thống nhất lừa 2 người đi cùng là M. Th. D (sinh năm 1991) và M. Th. S (sinh năm 1999), đều trú tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên để đưa qua biên giới bán. Nếu trót lọt, Lâu và Say được hứa trả công từ 1.000 đến 2.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên khi 2 đối tượng dẫn 2 nạn nhân tới địa bàn xã Huổi Luông đang tìm cách vượt biên qua biên giới thì bị lực lượng Biên phòng bắt giữ.
Qua sự việc trên, có thể khẳng định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, nghiêm trọng và đáng báo động. Lợi dụng trình độ hiểu biết kém, dân trí thấp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các đối tượng đã lừa bịp, dụ dỗ bằng cách hứa hẹn giúp đỡ nạn nhân tìm kiếm việc làm, có thu nhập cao để lừa bán họ ra nước ngoài.
Phong Thổ là huyện có đường biên giới với Trung Quốc dài và có hàng trăm lối mòn do bà con các dân tộc địa phương tự mở, đây cũng là một điểm nóng về tình trạng buôn bán người. Với chiêu trò làm quen, giới thiệu việc làm thu nhập cao hoặc rủ đi chơi, hàng chục phụ nữ và trẻ em đã bị lừa đưa sang Trung Quốc bằng đường mòn. Theo cơ quan chức năng địa phương, chỉ có những vụ việc nào được trình báo sớm, thì các nạn nhân mới có cơ may trở về.
Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Chương trình hành động về phòng chống tội phạm mua bán người, BĐBP Lai Châu đã phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 26 vụ với trên 35 đối tượng về hành vi mua bán người và mua bán, chiếm đoạt trẻ em; giải cứu hơn 38 nạn nhân.
Thượng tá Lê Văn Hòa, Phó phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Lai Châu cho biết: Để đối phó với loại tội phạm này, những năm qua, BĐBP tỉnh đã tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng tới từng đơn vị, làm cho nhân dân hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, giúp bà con chủ động phòng ngừa và tích cực tố giác tội phạm. Đặc biệt, BĐBP Lai Châu đã đưa cán bộ tăng cường giữ chức danh chủ chốt trong các xã, bản để trực tiếp nắm địa bàn, bám đối tượng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều phương án hay, thiết thực, hiệu quả trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đức Duẩn