Biên phòng - Ngày 25-3, tại Phiên họp thứ 43, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN).

Trình bày Tờ trình dự án Luật BPVN, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật BPVN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo và dự thảo Luật BPVN đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc ban hành Luật BPVN sẽ thể chế đầy đủ Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”. Tên gọi Luật BPVN là hợp lý, đáp ứng được phạm vi điều chỉnh và nội hàm của Luật, thể hiện được vai trò quan trọng trong xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, nền Biên phòng toàn dân và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia.
Để nhấn mạnh thêm về tên gọi của dự án Luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng: Tên gọi Luật BPVN đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới và không có tên nào thay thế được, thể hiện tính thiêng liêng, uy nghiêm, gắn với chủ quyền lãnh thổ.
Đối với quy định về nhiệm vụ của lực lượng BĐBP, các đại biểu thể hiện rõ quan điểm, lực lượng BĐBP là lực lượng chuyên trách, làm nhiệm vụ nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới và tham gia xây dựng biên giới vững mạnh. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, xây dựng, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của các lực lượng. Nhưng thực hiện mỗi nhiệm vụ cần có một lực lượng chuyên trách, nòng cốt, còn các cơ quan khác thực hiện nhiệm vụ phối hợp, sự phối hợp cần có quy chế, nguyên tắc nhất định, tránh trường hợp dễ làm, khó bỏ, để ra những khoảng trống trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới.
Theo các đại biểu, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP phải thể hiện đầy đủ 3 nhiệm vụ lớn, xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới. Trong đó, phải xác định rõ lực lượng BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới.
“Dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ của BĐBP xác định, lực lượng BĐBP tham gia xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh. Quy định này cần có sự nghiên cứu lại, vì tham gia xây dựng biên giới, vị trí của BĐBP rất quan trọng. Qua thực tiễn, BĐBP đã thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên biên giới. Vì vậy, theo dự thảo BĐBP chỉ tham gia xây dựng biên giới chưa đáp ứng yêu cầu, nên điều chỉnh, BĐBP làm nòng cốt tham gia xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh để thể hiện đúng vị trí, vai trò, tầm vóc của lực lượng này” - Đồng chí Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.
Đồng tình với các ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thể hiện quan điểm, BĐBP là lực lượng quan trọng, nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới. Ngoài ra, tham gia tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới. Khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân; nâng cao dân trí, xóa mù chữ, giúp đồng bào nghèo nâng cao đời sống và tăng cường cán bộ chủ chốt về làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch các xã biên giới nhằm cũng cố cơ sở sở chính trị... “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng BĐBP đã không quản ngại gian khổ, lập chốt ngày đêm canh giữ bảo vệ biên giới, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới; tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ biên giới, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm.
Đối với chính sách cho lực lượng BĐBP, các đại biểu cho rằng, cần thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước về chính sách đặc thù đối với BĐBP. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, chính sách đối với BĐBP là nội dung quan trọng liên quan trong việc thể hiện bộ mặt quốc gia. Các đồn Biên phòng đến nay đã được xây dựng cơ bản, đường tuần tra biên giới từng bước được trển khai. Nhưng chính sách đối với lực lượng BĐBP chưa nêu rõ được tính đặc thù: chính sách về quân hàm, tạo việc làm cho vợ, chính sách đất ở, đất sản xuất… để đảm bảo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và gia đinh. “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, nhưng muốn cán bộ, chiến sĩ gắn bó với quê hương, gắn bó với đồng bào cần có đất ở, đất sản xuất, yên tâm công tác, gắn bó, cống hiến, hy sinh xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Viết Hà