Biên phòng - Chấp hành nghiêm công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về công tác phòng chống bão số 9, BĐBP Khánh Hòa đã và đang khẩn trương luyện tập các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ". Đồng thời, rà soát, kiểm đếm tàu thuyền trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Thông tin kịp thời đến người dân
Gia đình ông Nguyễn Tám (62 tuổi) trú tại phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, chủ tàu cá KH 90019TS, hơn 40 năm làm nghề lưới cản khơi, thường đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, tận mắt chứng kiến những thiệt hại do cơn bão số 8, đã không khỏi lo lắng. Ông Tám chia sẻ: "Được BĐBP tuyên truyền cũng như những gì mà tôi thấy qua cơn bão số 8, nên lần này tôi cùng con cháu phải ngưng chuyến biển để bảo vệ tài sản của mình".
Ông Nguyễn Thiên (43 tuổi) trú tại phường Vĩnh Phước cũng phải nghỉ chuyến biển này. Theo ông Thiên: "Liều ra biển nếu gặp rủi ro không chỉ mất tài sản mà còn tính mạng chưa hẳn giữ được, may mà nghe cán bộ BĐBP đến nhà tuyên truyền giải thích".
Sau khi có thông báo bão số 9, hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm Biên phòng trên toàn tỉnh đến từng nhà, gặp từng chủ phương tiện vận động, tuyên truyền sự nguy hiểm của bão lũ. Đồng thời, các đài canh tìm kiếm cứu nạn BĐBP liên tục phát các bản tin thông báo diễn biến và hướng di chuyển của bão trên tần số 9339KHZ. Duy trì mạng thông tin báo bão - Tìm kiếm cứu nạn 24/24 giờ kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn; tuyên truyền người dân luôn theo dõi tình hình, diễn biến của bão để kịp thời ứng phó, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Đến 16 giờ ngày 23-11, toàn tỉnh đã có 9.813 tàu cá/29.979 lao động, hiện còn trên 200 phương tiện gần 1.000 lao động đang hoạt động đánh bắt trên các vùng biển đã được BĐBP thông báo nắm được thông tin về bão số 9 và có kế hoạch chủ động phòng tránh, số còn lại đã vào neo đậu tại các bến bãi an toàn.
Sẵn sàng có mặt khi người dân gặp nạn
Tàu BP 33-19-01 là một trong những tàu chủ lực tìm kiếm cứu nạn thuộc Hải đội 2, BĐBP tỉnh Khánh Hòa. Luôn hoạt động trong điều kiện thời tiết sóng gió, nên công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng máy móc, trang bị kỹ thuật nhằm duy trì hệ số kỹ thuật an toàn trên biển được Đại úy, thuyền trưởng Nguyễn Đăng Khoa và biên đội tàu kiểm tra kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cơ động nhanh khi có lệnh điều động.
Đại úy Nguyễn Đăng Khoa, thuyền trưởng tàu BP 33-19-01 Hải đội 2, BĐBP tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Chúng tôi đã hoàn tất công tác chuẩn bị về phương tiện con người, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Duy trì sức sống tàu, đảm bảo nhiên liệu, kỹ thuật để con tàu rời bến để bảo vệ tài sản của nhân dân".
Là đơn vị cơ động chiến đấu trên biển, vừa tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của BĐBP Khánh Hòa, để đáp ứng được nhiệm vụ trên biển, từ thuyền trưởng đến nhân viên biên đội tàu đều được tuyển chọn những đồng chí có năng lực và trình độ chuyên môn, chịu đựng được sóng gió, có kinh nghiệm trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; thành thạo từng động tác, nắm bắt và biết cách xử lý từng tình huống cụ thể trong mọi điều kiện thời tiết. Khi thực thi nhiệm vụ trên biển đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh chỉ huy tàu.
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Bùi Ngọc Tú, Phó Hải đội trưởng Hải đội 2 BĐBP Khánh Hòa cho biết: "Chúng tôi tập trung huấn luyện thể lực và huấn luyện chuyên môn nghiệp cho kíp tàu, đặc biệt là nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn để sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cũng như khắc phục sự cố trên biển".
Hiện tại, các đồn, trạm Biên phòng trên toàn tỉnh đã tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn bà con neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa tại những nơi xung yếu, bến cảng; đồng thời, cùng người dân gia cố và bảo đảm an toàn cho lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm.
Văn Huệ