Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:48 GMT+7

BĐBP khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4

Biên phòng - Bão số 4 (tên gọi quốc tế là Podul) di chuyển nhanh, tâm bão lệch Tây, mưa đến sớm, hoàn lưu bão gây mưa lớn và diễn biến phức tạp. Trước diễn biến nhanh của bão, lực lượng BĐBP luôn duy trì trực quân số và phương tiện, bám sát diễn biến của bão, chủ động ứng phó và khi bão đổ bộ đất liền thì khẩn trương khắc phục thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

sq6i_18a
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh giúp dân neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão. Ảnh: Lê Đồng

Sẵn sàng ứng phó với bão số 4

Bão số 4 hình thành ngay ở Biển Đông, có thời gian và tốc độ di chuyển rất nhanh, đặc biệt, càng vào gần bờ thì cường độ cơn bão khả năng tăng, phạm vi vùng nguy hiểm rộng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế về thủy hải sản rất lớn với một lượng tàu thuyền hoạt động trên ngư trường rộng 61.414 tàu, 20.475 lồng bè. Bão xảy ra ngay trước thềm dịp nghỉ lễ dài ngày, nên lưu lượng người tham gia du lịch tại các tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn.

Sáng sớm ngày 30-8, sau khi đi vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10; trên đất liền ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Tuy cơn bão số 4 đã suy yếu, nhưng hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa đặc biệt tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.

Trước diễn biến nhanh của bão số 4, ngay chiều ngày 28-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành công điện số 13/CĐ-TWPCTT yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão và mưa lũ do bão số 4 gây ra.

Về phía BĐBP, theo thông tin từ Phòng Cứu hộ-cứu nạn BĐBP, để sẵn sàng ứng phó với bão số 4, Bộ Tư lệnh BĐBP liên tục có điện chỉ đạo, đôn đốc BĐBP các tỉnh, thành ven biển từ Khánh Hòa trở ra nắm chắc diễn biến của bão số 4; phối hợp với địa phương thông báo, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển chủ động thoát khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu, đảm bảo an toàn. Các đơn vị tuyến biên giới đất liền phía Bắc và miền Trung tham mưu cho địa phương chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở, lũ ống, lũ quét. Sẵn sàng lực lượng tham gia ứng phó các tình huống; giúp dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm và khắc phục hậu quả bão số 4.

Các đơn vị BĐBP đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.361 phương tiện/315.815 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4, đã liên hệ với 358 tàu/2.360 người hoạt động trong khu vực nguy hiểm di chuyển về nơi tránh trú. BĐBP các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã tổ chức duy trì thường trực 7.760 cán bộ, chiến sĩ/281 phương tiện tham gia kêu gọi sắp xếp neo đậu tàu thuyền và sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.

Đặc biệt, chiều 29-8, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh BĐBP do Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP làm Trưởng đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng chống bão tại Quảng Bình; đồng thời, yêu cầu BĐBP Quảng Bình đảm bảo quân số thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng phương tiện, lực lượng thường trực ứng cứu khi có tình huống xảy ra; tổ chức cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống các địa bàn, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, hướng dẫn và sắp xếp tàu thuyền neo đậu, đồng thời, sẵn sàng các phương tiện và trang bị cần thiết khác để tổ chức cứu kéo, hướng dẫn ngư dân đưa tàu về nơi trú bão an toàn.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại do hoàn lưu bão gây ra

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiệt hại ban đầu do bão số 4 gây ra trên đất liền không lớn. Cụ thể, tại Nghệ An, ngày 29-8, giông lốc tại huyện Anh Sơn đã làm 37 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Tại Hà Tĩnh, giông lốc xảy ra tại thị xã Kỳ Anh đã làm tốc mái 41 nhà và 11 cột điện gãy đổ, không có thiệt hại về người. Chiều ngày 29-8, mưa dông trên địa bàn quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã làm 1 người chết do cây đổ.

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên, Hòa Bình và Sơn La đã lên kế hoạch sẵn sàng sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven sông suối; khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất (trong đó, Hà Tĩnh đã di dời được 1.176 hộ/12.695 người, đạt 100% kế hoạch); thông báo cho các khách du lịch trên các đảo, khu vực ven bờ biết diễn biến của bão, huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với 9.843 người.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão số 4 lại gây thiệt hại lớn trên biển. Theo báo cáo của Phòng Cứu hộ-cứu nạn BĐBP, tính đến ngày 30-8, tuy chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại về người của ngư dân hoạt động trên các vùng biển, nhưng nhiều tàu hư hại, các đơn vị BĐBP ven biển đã và đang tích cực, nhanh chóng ứng cứu ngư dân, lai dắt tàu về đất liền an toàn.

Cụ thể, tàu NA 95688 TS/16 lao động, do ông Bùi Ngọc Kiên làm thuyền trưởng bị hỏng máy. BĐBP Nghệ An đã điều 10 cán bộ, chiến sĩ/1 tàu CN-09 ra hỗ trợ. Đến 21 giờ 30 phút, ngày 29-8 đã lai kéo về đến Cửa Hội (Nghệ An) an toàn. 2 tàu cá BĐ 92028 TS/12 lao động và BĐ 35308 TS/2 lao động bị mất liên lạc lúc 8 giờ, ngày 29-8, tại khu vực cách Đông Nam đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 55 hải lý. BĐBP Bình Định đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu xác minh thông tin, đồng thời, thông báo kêu gọi các phương tiện hoạt động trên biển hỗ trợ tìm kiếm thông tin 2 tàu cá trên. Kết quả, tàu BĐ 35308 TS bị chìm, các lao động được tàu BĐ 92028 TS cứu vớt đưa vào Đà Nẵng lúc 3 giờ, ngày 30-8.

Vào lúc 7 giờ, ngày 29-8, cách Đông Bắc cửa Thuận An (Thừa Thiên Huế) khoảng 48 hải lý, tàu BĐ 94204 TS/2 lao động, do ông Huỳnh Thanh, sinh năm 1962 làm thuyền trưởng bị hỏng máy thả trôi. Thuyền trưởng đề nghị hỗ trợ giúp đỡ. BĐBP Bình Định đã phối hợp với BĐBP Thừa Thiên Huế thông báo các phương tiện hoạt động gần khu vực hỗ trợ. Kết quả, tàu BĐ 94204 TS được tàu BĐ 94927 TS, do ông Huỳnh Văn Hai làm thuyền trưởng lai dắt vào bờ an toàn lúc 9 giờ, ngày 30-8.

Đối với tàu vận tải Thái Thụy 88 chở than từ Quảng Ninh đi Cần Thơ bị hỏng máy trên địa bàn giáp ranh 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, trên tàu có 10 thuyền viên. Hiện, các lực lượng chức năng đang tích cực phối hợp hỗ trợ khắc phục sự cố tàu trên, 10 thuyền viên trên tàu đang ở trên phao cứu sinh và chưa xác định được vị trí.

Trước những thiệt hại do bão số 4 gây ra, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai công tác khắc phục. Đặc biệt, tại xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, địa bàn xảy ra lốc xoáy do cơn bão số 4 gây ra, sáng 30-8, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lốc xoáy và tặng quà, thăm hỏi bà con nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai tại địa bàn thôn Hòa Tiến (xã Kỳ Hoa). Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống; trong đó, phải khẩn trương hỗ trợ xây lại nhà cho những gia đình bị đổ sập, sửa chữa những nhà bị hư hỏng.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO