Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:48 GMT+7

BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu (bài 2)

Biên phòng - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Dự kiến, dự án Luật BPVN sẽ được trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đến nay, có rất nhiều ý kiến đóng góp với nội dung cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật BPVN. Trong đó, tuyệt đại đa số ý kiến đồng tình với các quy định BĐBP chủ trì duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu; kiểm tra, kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh khi có dấu hiệu vi phạm và hạn chế tạm dừng hoạt động tại vành đai biên giới, KVBG, cửa khẩu.

Bài 1: Cơ sở pháp lý vững chắc

Bài 2: Thực tiễn chứng minh hiệu quả

Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Đồng thời, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, đối sách về công tác đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới (KVBG). Đặc biệt, lực lượng BĐBP đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng khác tăng cường xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) KVBG, biển đảo.

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài hơn 5.000km, tiếp giáp với 3 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đây cũng là địa bàn các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức của đồng bào còn hạn chế... để chống phá Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là tình hình hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại trên các tuyến biên giới diễn biến rất phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn và Đồn Biên phòng Thanh Luông, BĐBP Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các xã biên giới Thanh Luông, Thanh Nưa, Mường Pồn, Hua Thanh (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tổ chức tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Anh Dũng

Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong lực lượng BĐBP triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình, chủ động đấu tranh, triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến hết tháng 6-2020, lực lượng BĐBP đã triển khai 103 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập 15 chuyên án, trong đó có 2 chuyên án về an ninh chính trị, bắt giữ 48 vụ/140 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG). Đồng thời, xác lập 117 chuyên án về ma túy, 19 chuyên án buôn lậu, 13 chuyên án mua bán người; phát hiện, bắt giữ, khởi tố 706 vụ/959 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 3.708,11kg ma túy các loại, 13 tấn tiền chất; phát hiện, bắt giữ, khởi tố 45 vụ/38 đối tượng mua bán người, 1.285 vụ/964 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại...

Đặc biệt, thời gian qua, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã và đang ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cảng biển. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, bắt giữ, xử lý, đưa đi cách ly theo quy định 20.368 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, bàn giao cho địa phương cách ly 65.325 người.

Ngoài ra, các đơn vị BĐBP cũng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, triệt phá các đường dây tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đến hết tháng 8-2020, BĐBP triển khai 11 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh 10 chuyên án, phát hiện, bắt giữ, khởi tố, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 49 vụ/94 đối tượng người Việt Nam có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép.

Thực tiễn chứng minh, BĐBP luôn chủ động phối hợp với lực lượng Công an trong giữ gìn an ninh, TTATXH, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ANQG, ma túy, mua bán người... góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, TTATXH ở KVBG, vùng biển. Công tác phối hợp được thực hiện nghiêm túc theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH và nhiệm vụ quốc phòng và sau này là Nghị định số 03/2019/ND-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Chỉ tính riêng năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, BĐBP đã phối hợp với lực lượng Công an bắt giữ, xử lý 11 vụ/23 đối tượng xâm phạm ANQG, 195 vụ/352 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.408kg ma túy các loại; xử lý vi phạm hành chính 1.133 vụ/1.753 đối tượng.

Không những làm tốt công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, BĐBP còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh, TTATXH; bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, các đồn Biên phòng và chính quyền địa phương các xã, phường, thị trấn biên giới đều xây dựng quy chế phối hợp trong thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Trong đó, xác định BĐBP là lực lượng chủ trì, nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới và giữ gìn TTATXH. Nhờ đó, nhân dân các khu vực biên giới, vùng biển đã phát hiện, tham gia đấu tranh với các hiện tượng di, dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, buôn lậu và gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán người, góp phần giữ vững an ninh, TTATXH ở KVBG, biển, đảo.

Như vậy, về cơ sở lý luận và thực tiễn đã khẳng định, BĐBP đã và đang thực hiện tốt chức năng “chủ trì duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định BĐBP có chức năng “chủ trì duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu” là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Thu Minh - Trọng Thành

Bình luận

ZALO