Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 06:48 GMT+7

BĐBP góp phần đáng kể trong việc xây dựng khu vực biên giới vững mạnh

Biên phòng - Ngày 24-6, tại Nghệ An, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, thực trạng và giải pháp. Đại diện Bộ Tư lệnh BĐBP, Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP trình bày tham luận tại hội thảo với chủ đề: "Tình hình an ninh biên giới và việc triển khai thực hiện các đề án đối với một số dân tộc rất ít người”. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu nội dung bài tham luận.

tong-thi-phong
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (thứ ba từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: Viết Lam

Nước ta có đường biên giới biên giới trên đất liền dài hơn 4.924 km và bờ biển dài 3.260 km. Khu vực biên giới (KVBG) gồm 1.109 xã, phường/235 huyện, thị/44 tỉnh, thành phố, với dân số khoảng 2,3 triệu hộ/9,5 triệu nhân khẩu, với 51 thành phần dân tộc, trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 15%. Có 12/16 đồng bào DTTS rất ít người sinh sống chủ yếu ở 11 tỉnh biên giới Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với tổng số 4.605 hộ/21.151 khẩu.

Trong những năm qua, tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự KVBG cơ bản ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn các vấn đề phức tạp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH). Ở Biển Đông, các nước trong khu vực gia tăng các hoạt động nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích của mỗi quốc gia trên biển. Trên các tuyến biên giới đất liền, hoạt động vi phạm Quy chế biên giới vẫn xảy ra như: Xây kè sông, suối, tu sửa, nâng cấp đường tuần tra biên giới trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; làm đường vành đai biên giới quá sang nước ta trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Trong nước, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị tiếp tục lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của chính quyền cấp cơ sở, trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, những khó khăn về đời sống kinh tế, trình độ dân trí thấp của đồng bào các DTTS ở KVBG để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, kêu gọi tuần hành, biểu tình chống phá quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; số chức sắc cực đoan trong tôn giáo ở một số địa phương tổ chức cho giáo dân lấn chiếm đất đai, mở rộng cơ sở thờ tự, tập trung treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền nói xấu chế độ, vu cáo chính quyền đàn áp nhân dân, gây mất ổn định ANCT vùng đồng bào dân tộc ở KVBG. Mặt khác, hoạt động của tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt hoạt động của tội phạm về ma túy tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia tăng mạnh. Ngoài ra, hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, vũ khí tự chế, phát triển đạo trái pháp luật, vi phạm quy chế biên giới... diễn ra ở hầu hết các tỉnh (thành) biên giới.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với các địa bàn khác, như: Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tỉ lệ hộ đói nghèo còn cao; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS rất ít người còn hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan chưa được xóa bỏ,...

Nghị quyết số 11-NQ/BCT của Bộ Chính trị (khóa VII), đã xác định: "BĐBP liên hệ chặt chẽ với quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới, tăng cường đoàn kết dân tộc, thực hiện các chủ trương, chương trình kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước, tích cực xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh"; Nghị quyết số 150/ĐU-QSTW ngày 1/8/1998 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về "Quân đội tham gia lao động phát triển KT-XH ở địa bàn chiến lược biên giới, hải đảo" xác định: "Các đơn vị quân đội đóng quân trên các địa bàn phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để chủ động tham gia phát triển KT-XH". Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy BĐBP đã ban hành Nghị quyết 24/NQ-ĐU ngày 20/12/1998 về việc "BĐBP tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế và tham gia xây dựng, phát triển KT-XH ở các xã, phường biên giới, hải đảo". Cùng với đó, Đảng ủy BĐBP đã tổ chức ký Quy chế phối hợp với 44 Tỉnh, Thành ủy biên giới; chỉ đạo Đảng ủy BĐBP các tỉnh, thành phố ký Quy chế phối hợp với các Huyện ủy, Thị ủy biên giới. Đây là cơ sở quan trọng, là điều kiện thuận lợi để BĐBP thực hiện nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới gắn với phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở chính trị và củng cố quốc phòng - an ninh ở KVBG.

Những năm qua, trên cơ sở quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, BĐBP đã góp phần đáng kể trong việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tham gia phát triển KT-XH, xây dựng KVBG vững mạnh, ổn định. Cụ thể là:

Đứng trước tình trạng một số DTTS rất ít người ở KVBG như đồng bào La Hủ (Lai Châu), đồng bào Chứt (Hà Tĩnh) đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái và lạc hậu nghiêm trọng bởi lối canh tác giản đơn, sản xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên mang tính tự cung, tự cấp, chưa có trao đổi hàng hóa với các vùng trong địa bàn, cuộc sống chủ yếu du canh, du cư. Hầu hết các bản đồng bào sinh sống đều trong tình trạng bảy không: “điện, đường, trường, trạm, chợ, thông tin và thủy lợi”. Do đó, các dân tộc này luôn bị nghèo đói, trình độ dân trí thấp, đại đa số không biết tiếng phổ thông, hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra làm ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống. Qua khảo sát đối với đồng bào dân tộc La Hủ ở KVBG huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, năm 2009 chỉ hơn 6.000 người sống rải rác trên các triền núi cao; dân tộc Chứt có khoảng 9.000 người sống tập trung ở một số huyện biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình và một nhóm Mã Liềng (34 hộ/137 khẩu) sống tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Kế hoạch số 884/KH-BTLBP ngày 8/6/2009 về triển khai các đề án: “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ” ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và ''Bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt" ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cơ sở ở những địa bàn nêu trên tổ chức triển khai thực hiện. Cụ thể:

- BĐBP các tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và ban hành các quyết định, chương trình triển khai thực hiện đề án.

- Các đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ về từng chòm, bản của bà con, trực tiếp tuyên truyền, vận động đồng bào về sống tập trung theo từng bản, bỏ tập tục sống rải rác trong rừng; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác củng cố hệ thống chính trị cơ sở;

- Xây dựng các mô hình giúp dân phát triển sản xuất theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”, thực hiện tốt 4 cùng "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc", hướng dẫn trực tiếp cho đồng bào đổi mới phương thức canh tác, tăng gia sản xuất.

- Huy động mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm... để tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng, phương thức phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn giúp các dân tộc La Hủ, Chứt phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

v3kg_2
Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP. Ảnh: Viết Lam

Với hàng ngàn ngày công, trong suốt nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã bám bản, bám dân để cùng bà con xây dựng cuộc sống mới; tích cực tham gia triển khai thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội như: Chương trình 135 (giai đoạn II); chương trình xoá nhà tạm theo quyết định 167; chương trình 30a…trong đó chương trình 167 được triển khai tích cực. Kết quả là đời sống đồng bào các dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt, cụ thể:

Đối với đồng bào La Hủ, tính đến tháng 5-2019, đã có gần 100 dự án, công trình do nguồn ngân sách Nhà nước cấp qua địa phương, ngân sách quốc phòng và nguồn tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trong nước và Bộ Tư lệnh BĐBP với tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng và gần 30 nghìn ngày công lao động của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng và nhân dân trên địa bàn đóng góp. Đến nay các bản đều có chi bộ đảng, BĐBP giới thiệu 3 đồng chí cán bộ tham gia cấp ủy, giữ chức danh Phó bí thư Đảng uỷ xã; giới thiệu 21 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt đảng tại các chị bộ thôn, bản; phân công 52 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 567 hộ gia đình; kết nạp 141 đồng chí là người dân tộc La Hủ vào Đảng, thành lập mới 8 chi bộ; tham gia xây dựng 5 công trình thủy lợi, 9 công trình cấp nước sinh hoạt; xây dựng mới 3 trụ sở làm việc của xã, 3 trạm xá quân dân y kết hợp, 2 nhà văn hoá bản, tu sửa và nâng cấp 1 nhà văn hoá xã; hỗ trợ 9 em học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức 500.000đ/tháng; thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” triển khai tại 2 xã Pa Vệ Sủ và Pa Ủ, đã triển khai hỗ trợ được 600 triệu đồng và xây dựng 20 căn nhà cho phụ nữ nghèo; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã cấp 121 con bò giống, đang triển khai xây dưng 5 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, trị giá 40 triệu đồng/nhà.

Đối với đồng bào dân tộc Chứt: BĐBP đã chủ động tham mưu, trực tiếp giúp nhân dân làm 2,7km đường giao thông, 1 công trình điện thắp sáng, 1 công trình nước sinh hoạt, 1 nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; làm mới 10 nhà, tu sửa 20 nhà, xây dựng 18/24 công trình vệ sinh; giúp đỡ, hướng dẫn bà con trồng các loại cây ăn quả (cam, bưởi, chuối), cây lấy gỗ (keo), cây lúa, chè, khoai, sắn, phát triển chăn nuôi... Hiện nay, dân tộc Chứt đã được đầu tư hơn 45 tỷ đồng, từ các nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo, chương trình Nông thôn mới, Quỹ vì người nghèo và nguồn xã hội hóa. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, KT-XH của đồng bào từng bước được nâng lên rõ rệt, một số tập tục mê tín dị đoan đã được xóa bỏ; đến nay, cơ bản con em đồng bào dân tộc Chứt được đi học. Mặt khác, BĐBP tập trung tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết thống, đồng thời xây dựng mô hình “cầu nối xe duyên”, trực tiếp làm “ông tơ, bà nguyệt” xe duyên, giúp đỡ, tổ chức cưới hỏi, tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho nam, nữ người Chứt lấy người Kinh và người dân tộc khác, đã tổ chức cho 6 cặp kết hôn, đã có 4 cặp sinh con, các cháu đều phát triển khỏe mạnh.

Trong những năm qua, nhờ có những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đi đôi với đầu tư đúng hướng, có hiệu quả nên đời sống của đồng bào các DTTS rất ít người vùng biên giới, đã từng bước được cải thiện, đồng bào đã yên tâm định canh, định cư, lao động sản xuất, có ý thức vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và khắc phục khó khăn, gian khổ, kiên trì bám trụ trên biên giới, tích  cực tham gia cùng BĐBP quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc. Trên cơ sở thực tiễn BĐBP thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách phát triển KT-XH của Đảng và Nhà nước cho đồng bào các DTTS nói chung và đồng bào các DTTS rất ít người ở KVBG nói riêng, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là: Phải quán triệt đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đồng bào các DTTS nói chung và đồng bào các DTTS rất ít người nói riêng phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo.

Hai là: Phát huy tốt kinh nghiệm tham gia giúp dân phát triển KT-XH và căn cứ vào thực tiễn tình hình đời sống của nhân dân để nghiên cứu xây dựng các đề án, chương trình, mô hình phát triển KT-XH đạt hiệu quả thiết thực. Đồng thời trân trọng, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của các DTTS.

Ba là: Phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy mọi nguồn lực của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cùng tham gia phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS rất ít người.

Bốn là: Làm tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, tổ chức tham quan học tập và nhân rộng các đề án, chương trình, dự án và mô hình phát triển KT-XH tiêu biểu.

Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức đan xen. Trong nước, tình hình chính trị - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch, phản động vẫn chưa từ bỏ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tình hình Biển Đông, tình hình an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường. Vì vậy, việc tham gia giúp đồng bào DTTS phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là đòi hỏi khách quan, trong đó cần tập trung triển khai một số nội dung sau:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển KT-XH, củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh ở địa bàn biên giới, hải đảo, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/BCT của Bộ Chính trị (khóa VII); Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại".

2. Huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội tham gia vào sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới. Thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở KVBG vững mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước ở địa phương.

3. Tích cực tham gia phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân ở KVBG; triển khai tích cực phong trào BĐBP tham gia xây dựng nông thôn mới ở KVBG và các chương trình phối hợp với các ngành, các lực lượng. Làm tốt công tác vận động đồng bào định canh, định cư, ổn định đời sống; giúp đỡ đồng bào biết tổ chức sản xuất, làm giàu chính đáng.

4. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề nổi lên và những mâu thuẫn trong nhân dân ở một số địa bàn trọng điểm, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, phát huy mô hình đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình KVBG tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có chủ trương, đối sách xử lý kịp thời các tình huống; đồng thời kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, các hành vi chống phá, chia rẽ của các thế lực thù địch, không để xảy ra các điểm nóng ở KVBG.

Bình luận

ZALO