Biên phòng - Bằng tấm lòng, trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ”, chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” ở BĐBP Hà Giang, BĐBP Cao Bằng đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực. Nghĩa cử đầy tính nhân văn đó đã giúp các em học sinh nghèo, đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới được đến trường và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn.
Bài 3: Viết tiếp giấc mơ cho trẻ em nghèo biên giới
Nuôi dưỡng những đứa trẻ có gia cảnh đặc biệt khó khăn
Những ngày giữa tháng 5 này, khi học sinh chuẩn bị kết thúc năm học, đi dọc các thôn xóm ở khu vực biên giới vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, bà con dân bản lại kể cho nhau nghe những câu chuyện cảm động về việc cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) BĐBP nhận nuôi dưỡng và chăm sóc hàng chục cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều người nói với nhau rằng, nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ bằng tất cả tấm lòng đó của BĐBP thì tương lai của các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ rất mù mịt...
Điển hình, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, có trường hợp của ba chị em Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu, Vàng Thị Chở. Hoàn cảnh của 3 chị em gái này rất thương tâm. Bố mất, mẹ bỏ đi không về. Ba chị em “trứng gà, trứng vịt” chỉ biết sống nhờ vào gia đình người thân. Giữa lúc khốn quẫn đó thì vào tháng 3/2016, các cháu được Đồn Biên phòng Phó Bảng nhận đưa về đơn vị nuôi dưỡng. Không chỉ được các chú bộ đội chăm sóc, lo cơm nước hàng ngày, các cháu còn được cắp sách đến trường. Từ chỗ điểm cuối của con đường cụt, ngỡ phải xa rời con chữ, đến nay, Vàng Thị Chá đã học xong lớp 12 và đang chuẩn bị thi vào đại học. Vàng Thị Sáu và cô em út Vàng Thị Chở vừa hoàn thành xong chương trình lớp 10 và lớp 8.
Cùng trong hoàn cảnh éo le đó, 3 chị em ruột là Thò Thị Dính (sinh năm 2005), Thò Mí Và (sinh năm 2008) và Thò Thị Xúa (sinh năm 2012) cũng được Đồn Biên phòng Lũng Cú đón về nuôi dưỡng từ năm 2016. Là người dân tộc Mông ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, 3 chị em Dính, Và, Xúa mồ côi bố từ nhỏ, mẹ bỏ đi làm ăn xa. Cuộc sống của 3 đứa trẻ trông cậy vào ông bà nội cũng đã già yếu, gia cảnh khó khăn.
Trung úy Vù Xuân Hùng, Đồn Biên phòng Lũng Cú, người được giao chăm sóc, kèm cặp 3 chị em từ năm 2021 đến nay cho biết: “Cháu Thò Thị Dính đã học xong lớp 11, cháu Thò Mí Và học xong lớp 9. Còn cháu út Thò Thị Xúa cũng vừa học xong lớp 4. Cả 3 cháu đều học giỏi và siêng năng. Vào các ngày nghỉ cuối tuần, cháu Dính còn biết phụ các bố nuôi nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, trồng rau, chăn nuôi gia súc...”.
Không chỉ Đồn Biên phòng Phó Bảng và Đồn Biên phòng Lũng Cú mà ở tất cả các đồn Biên phòng ở Hà Giang đều thực hiện tốt việc hỗ trợ, đỡ đầu các cháu học sinh nghèo. Điển hình như Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, tuy đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã nhận đưa về đồn nuôi dưỡng, chăm sóc 5 cháu học sinh người dân tộc Mông. Trong số này có 2 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ; 2 cháu mồ côi mẹ và gia cảnh rất khó khăn.
Các cháu được bố trí phòng ở, sinh hoạt riêng, được “chia đất” để tham gia tăng gia trồng rau, nuôi gà cùng các chú bộ đội. Ngoài việc giúp đỡ các cháu trong việc học tập cũng như sinh hoạt, đơn vị còn dạy bảo các cháu biết làm những việc chăm sóc bản thân, các kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử xã hội...
Và chính sự khởi đầu bằng việc làm đầy tính nhân văn đó, BĐBP Hà Giang nói chung, các đồn Biên phòng như Phó Bảng, Lũng Cú và Sơn Vĩ nói riêng đã giúp cho rất nhiều trẻ em nghèo, đặc biệt là những cháu mồ côi, cơ nhỡ có niềm tin yêu hơn nữa vào cuộc sống. Đó cũng chính là cơ sở, là động lực để các cháu viết tiếp giấc mơ cuộc đời....
Yêu thương các con bằng tất cả tấm lòng
Những ngày này, 2 “Con nuôi đồn Biên phòng” là cháu Hoàng Anh Tú (sinh năm 2008) và Đặng Hùng Anh (sinh năm 2010) của Đồn Biên phòng Lũng Nặm, BĐBP Cao Bằng đang phấn khởi vì vừa hoàn thành chương trình năm học, được giáo viên khen ngợi. Hoàn cảnh 2 cháu rất đáng thương vì bố mất sớm, nhà nghèo. Mẹ của Tú không còn sức lao động, còn mẹ của Hùng Anh bỏ nhà đi làm ăn xa. Năm 2019, cả 2 cháu được Đồn Biên phòng Lũng Nặm, BĐBP Cao Bằng nhận đưa về đồn để nuôi dưỡng.
Theo Thiếu tá Nông Văn Hoàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lũng Nặm, không chỉ chăm lo việc học hành, CB, CS của đơn vị còn dành tất cả tình yêu thương, coi Tú và Hùng Anh như con cháu trong nhà. Chị Hoàng Thị Nhung (xóm Lũng Luông, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng) là mẹ ruột của Tú xúc động nhớ lại, năm 2019, trong lúc tập xe đạp, Tú bị ngã xuống mương, chấn thương sọ não. Gia đình đang rất bối rối vì không có tiền đưa Tú đi viện thì CB, CS Đồn Biên phòng Lũng Nặm đã tìm về nhà và trực tiếp đưa Tú đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Tú nằm việc gần một tháng trời, lãnh đạo đơn vị vẫn cử người thay phiên nhau xuống bệnh viện chăm sóc cho đến khi cháu bình phục. “CB, CS Đồn Biên phòng Lũng Năm đã sinh ra Tú lần thứ 2” - chị Nhung xúc động nói.
Ở tuyến biên giới Cao Bằng, tùy vào điều kiện thực tế, mỗi đồn Biên phòng đều có các cách làm phù hợp để góp phần nâng cao đời sống, động viên các cháu học sinh được đơn vị đón về nuôi dưỡng. Nổi bật ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh là mô hình "Ngôi nhà xanh tiếp sức em tới trường". Theo đó, tất cả CB, CS của đơn vị khi thấy các loại rác, phế liệu có thể tái chế đều nhặt về bỏ vào "Ngôi nhà xanh tiếp sức em đến trường". Việc làm này vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa gây quỹ “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” của đơn vị.
Theo Thiếu tá Vũ Minh Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, ngoài việc trích tiền từ quỹ tăng gia sản xuất, mỗi tháng, CB, CS đơn vị còn trích lương, phụ cấp để hỗ trợ các cháu mua quần áo, sách vở. Mô hình "Ngôi nhà xanh tiếp sức em đến trường" cũng là để góp phần động viên, tiếp sức giúp các cháu vượt qua mọi nghịch cảnh.
Theo Đại tá Đặng Hồng Quân, Chính ủy BĐBP Cao Bằng, hiện nay, đơn vị đang nhận 104 cháu theo chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, trong đó có 31 cháu là “Con nuôi đồn Biên phòng”. Kết quả học tập những năm học gần đây của các cháu trong chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” cho thấy, có trên 50% các cháu đạt loại khá trở lên, trong đó, có gần 15% đạt loại giỏi, xuất sắc.Kết quả đó khiến chính quyền địa phương và nhân dân thêm tin tưởng, quý mến BĐBP, đồng thời, mở ra một tương lai tươi sáng của các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng biên giới. Với thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, BĐBP Cao Bằng là 1 trong 9 tập thể được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2022.
Đăng Bảy