Biên phòng - Chương trình “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 5 diễn ra tại Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), từ ngày 19 đến 21-11-2018 đã thành công tốt đẹp. Nhân dịp này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa của chương trình.
- Chương trình “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 5 đã thành công tốt đẹp. Đề nghị Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật trong chương trình?
- Có thể nói “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 5 đã thành công tốt đẹp. Ngày 19-11, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã sang Trung Quốc hội đàm tổng kết 5 năm “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới”, thăm đơn vị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Trường học thị trấn Thủy Khẩu. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã dẫn đầu đoàn đại biểu hai nước đến thăm Khu di tích lịch sử Long Châu, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và chuẩn bị về nước để xây dựng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng. Ngày 20-11, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc sang Việt Nam tham dự diễn tập chung về tìm kiếm - cứu nạn và chiều cùng ngày, hai bên đã tổ chức tọa đàm hữu nghị.
Hoạt động “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần này cũng như 4 lần trước đều có chung mục đích tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai quân đội, trên cơ sở đó, tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Với mục tiêu đề ra như vậy, “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 5 đã thành công tốt đẹp. Trong năm tới, hai Bộ trưởng Quốc phòng đã thống nhất, cần chính thức hóa cơ chế này làm cơ chế hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc mang tính chất lâu dài, ổn định và ngày càng phát triển.
- “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần này đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân hai bên biên giới, điều đó cho thấy các hoạt động giao lưu đều hướng tới người dân. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về điều này?
- Có thể nói rằng, sự xuất hiện của nhân dân ở cả 5 lần giao lưu Quốc phòng biên giới đều rất đông đảo và phấn khởi, nhất là trong lần giao lưu này. Điều đó bắt nguồn từ dư âm của những lần giao lưu trước cùng với sự tuyên truyền của cả hai bên có nhiều tích cực hơn. Đặc biệt, khi diễn ra các hoạt động diễn tập, giao lưu, người dân tham gia không chỉ với tư cách tham quan, mà còn cùng với quân đội hai nước tham gia diễn tập, cùng kiểm nghiệm, cùng cảm nhận. Họ nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng từ cấp cao đến những điều cụ thể như tìm kiếm - cứu nạn, hợp tác quân y.
Bộ Quốc phòng Việt Nam đã xây tặng huyện Phục Hòa Nhà văn hóa, góp phần thay đổi diện mạo trên khu vực biên giới Việt - Trung. Trên cơ sở đó, mối quan hệ giữa các địa phương giáp biên giới sẽ phát triển không chỉ về quan hệ đối ngoại, mà còn là hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Được biết, 4 lần “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới” trước đó, Việt Nam và Trung Quốc đều xây tặng nhân dân địa phương các công trình tương tự như Trung tâm văn hóa hữu nghị Tà Lùng, ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Trong 4 năm qua, những công trình này đã phát huy hiệu quả như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Điều đặc biệt là khi quay lại các nhà văn hóa hay công trình hỗn hợp của Việt Nam và Trung Quốc xây tặng nhân dân ở các địa phương biên giới Việt Nam thì tất cả các công trình đó đều phát huy rất hiệu quả. Những công trình này đã trở thành nơi sinh hoạt, hội họp, giao lưu văn hóa văn nghệ của nhân dân, đồng thời cũng là nhà hữu nghị. Vào ngày lễ hội hay dịp kỷ niệm, nhân dân hai bên biên giới cùng sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và giao lưu với nhau. Những công trình đó không lớn, nhưng có ý nghĩa rất tích cực đối với bà con biên giới cũng như mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam, Trung Quốc.
- Thưa Thứ trưởng, với những thành công sau các lần tổ chức “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, hoạt động này sẽ mở ra triển vọng thế nào trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước?
- Để đẩy mạnh quan hệ quốc phòng hai nước Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều việc phải làm, không phải chỉ có “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới”. Tuy nhiên, “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới” có điểm đặc thù riêng và hoạt động này chỉ có giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bởi hai nước có chung đường biên giới và có lịch sử quan hệ tốt đẹp.
Khi đến thăm Khu di tích lịch sử Long Châu, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch rất xúc động nói rằng, các thế hệ cách mạng tiền bối đã có mối quan hệ tốt đẹp như vậy, chúng ta cần làm gì để giữ vững quan hệ đoàn kết truyền thống hữu nghị cùng phát triển với Trung Quốc.
Một điểm đặc thù nữa là từ nhận thức chung của hai Đảng, hai Nhà nước là làm sao tận dụng tối đa những thuận lợi của hai nước có núi liền núi, sông liền sông, có cùng thể chế chính trị. Trên cơ sở đó, tin rằng “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới” sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào quan hệ quốc phòng hai nước. Cần nhấn mạnh rằng, không chỉ có như vậy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để làm sao quốc phòng bảo vệ Tổ quốc mình, nhưng đồng thời, quốc phòng tạo hòa bình, hữu nghị với nước láng giềng.
- Đề nghị Thứ trưởng cho biết vai trò của BĐBP trong các lần “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới”?
- Có thể nói, BĐBP đóng vai trò trung tâm trong “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới”. Nhưng nói như thế là chưa đầy đủ, BĐBP đóng vai trò trung tâm và đặc biệt quan trọng trong duy trì luật pháp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhưng đồng thời duy trì hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, mà đối với chúng ta là Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Không chỉ ở biên giới với Trung Quốc mà với Lào, Cam-pu-chia, chúng ta cũng có những hoạt động tương tự và hiệu quả như vậy. Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng mối quan hệ đoàn kết với các nước láng giềng, thì BĐBP đã làm được việc rất quan trọng, đó là giúp nhân dân. Có thể nói rằng, không ở đâu mà nhân dân biên giới không thấy bóng dáng của người chiến sĩ Biên phòng, từ người bảo vệ biên giới đến người giúp dân, đến người thầy giáo dạy chữ cho trẻ em, đến người y tá chữa bệnh cho bà con..., BĐBP có vai trò rất đặc biệt. Một lần nữa tôi biểu dương BĐBP đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia, cũng như bảo vệ hòa bình, duy trì ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực biên giới.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bảo Ngọc - Trần Đức (thực hiện)