Biên phòng - Trên địa bàn khu vực biên giới nước ta hiện nay có 25 vườn quốc gia, 48 khu dự trữ thiên nhiên. Tuy không phải là lực lượng chuyên trách bảo vệ môi trường (BVMT) nhưng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị BĐBP đã chủ động tham gia bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên (TNTN), đa dạng sinh học (ĐDSH), bảo vệ và phát triển rừng và bảo vệ các loại động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Luật Đa dạng sinh học năm 2008.
Trong những năm qua, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về công tác BVMT trong quân đội, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố, các đồn, trạm BP đóng quân trong vùng có vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên triển khai có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ rừng, TNTN và các hệ sinh thái, ĐDSH. Các đơn vị thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân khu vực biên giới nắm vững pháp luật về BVMT, ĐDSH, nâng cao ý thức bảo vệ rừng và bảo vệ các loại động vật hoang dã, quý hiếm. Các đơn vị cũng rất chú trọng tuyên truyền cho nhân dân nắm rõ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES). Qua các buổi họp dân, gặp mặt trực tiếp, CBCS thường xuyên vận động nhân dân "không săn bắt", "không mua bán", "không tiêu thụ" động vật hoang dã.
Bộ Tư lệnh BĐBP đã cấp phát 1.500 hình ảnh, tờ rơi về phương pháp nhận biết các loài thú hoang dã cần được bảo vệ khẩn cấp cho các đồn, trạm BP. Các đơn vị đã tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các địa phương và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong bảo vệ các vườn quốc gia, các khu dự trữ sinh quyển trên địa bàn khu vực biên giới. Bên cạnh đó, các đồn, trạm BP thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển, đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ, xử phạt hành chính các đối tượng phạm tội, trong đó có tội phạm buôn bán động vật hoang dã, phá hủy ĐDSH...
Theo thống kê, từ năm 2011 đến 2015, BĐBP trực tiếp đấu tranh, thu giữ 876 súng săn các loại, 12.071 viên đạn, cùng hàng trăm ki-lô-gam vật liệu nổ được sử dụng cho mục đích săn bắt, hủy diệt động, thực vật quý hiếm. Ngoài ra, các đơn vị BĐBP còn bắt giữ 18.741kg động vật hoang dã, quý hiếm; 4.724,6kg ngà voi, 9,4kg sừng tê giác và 8.000kg sừng động vật khác... Sau khi bắt giữ, các đơn vị BĐBP nhanh chóng phân loại, tổ chức bàn giao cho lực lượng Kiểm lâm xử lý số động vật hoang dã còn sống, số đã chết sẽ được tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trong danh mục cấm buôn bán như sừng tê giác, ngà voi, sau khi khởi tố vụ án hình sự các đơn vị đã bàn giao đối tượng, tang vật cho lực lượng Công an xử lý.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng công tác bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn khu vực biên giới của BĐBP còn nhiều khó khăn, bất cập. Đó là, công tác tuyên truyền tại một số cơ quan, đơn vị chưa được coi trọng, hoạt động kiểm tra, giám sát môi trường chưa được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa BĐBP với cơ quan chức năng, nhất là các Ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên còn nhiều hạn chế. Cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường, quản lý khoa học, công nghệ ở Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành không có, trang thiết bị còn thiếu và chưa được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên.
Điều 65, Điều lệ Công tác Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu (BVMT & BĐKH) trong QĐND Việt Nam năm 2015 khẳng định: "Chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Luật Đa dạng sinh học".
Thực tế, trên địa bàn khu vực biên giới, vấn đề môi trường đang có nhiều diễn biến rất phức tạp. Chất thải từ việc khai thác khoáng sản, tài nguyên của nước láng giềng xả ra không khí, môi trường nước sông, suối biên giới, các loại hàng hóa xuất nhập khẩu bị thải loại, xác động vật chết do tư thương bỏ lại trên biên giới đang làm ô nhiễm nhiều nơi, nhất là khu vực xung quanh các cửa khẩu biên giới.
Khu vực biên giới đang đứng trước thực trạng là nhiều vật nuôi, cây trồng, sinh vật có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường sinh thái. Các loài thực vật, động vật hoang dã bị mua, bán, vận chuyển trái phép qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, chủng loại và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi... Trong khi biên giới rộng, nhiều đường mòn, lối mở, lực lượng BĐBP thì quá mỏng. Những nhân tố trên cùng với ý thức của người dân, sự vào cuộc của các cấp, ngành trong công tác BVMT trên các địa bàn biên giới còn nhiều hạn chế đặt ra thách thức không nhỏ đối với lực lượng BĐBP.
Đại tá Trương Thế Tuân, Phó Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, để làm tốt nhiệm vụ BVMT, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn bán động vật hoang dã, BĐBP tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho CBCS và nhân dân trên khu vực biên giới. Bên cạnh đó, BĐBP tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất với cơ quan chắc năng những vấn đề có liên quan đến bảo vệ môi trường ở địa bàn khu vực biên giới và nước láng giềng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách của nước láng giềng đấu tranh ngăn chặn các hoạt động săn bắt, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cần được bảo vệ.
Ngọc Lan