Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

BĐBP chung tay bảo vệ đa dạng sinh học

Biên phòng - Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường… Bên cạnh việc trực tiếp tham gia làm sạch biển, trồng cây xanh, BĐBP còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường biển với những hoạt động thiết thực như không xả rác thải nhựa, bảo vệ rùa biển, nói không với khai thác thủy sản tận diệt, trồng rừng ngập mặn, giữ gìn đa dạng sinh học…

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp với chính quyền địa phương thả cá thể rùa bị mắc lưới của ngư dân về biển. Ảnh: Ngọc Bình

Cứu hộ rùa biển

Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhiều ngư dân đã có nhận thức đúng về vai trò của đa dạng sinh học, có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường biển, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm. Từ nhận thức đúng đắn, am hiểu pháp luật hơn, người dân đã thay đổi hành vi theo hướng tích cực trong ứng xử với môi trường. Nhiều ngư dân khi bắt được rùa biển hay các loài động vật quý hiếm đã chủ động thả về biển hoặc bàn giao cho các đơn vị Biên phòng.

Điển hình nhất là ngày 13-8-2021, ngư dân Lê Như Trung, trú tại thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế khi đang hành nghề trên biển thì bất ngờ phát hiện một cá thể rùa biển vướng vào lưới mành. Ngay sau đó, anh Trung đã báo cho tổ công tác địa bàn của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An biết và làm các thủ tục bàn giao cá thể rùa cho BĐBP. Qua tra cứu thông tin về rùa biển, đây là cá thể rùa biển họ Vích (tên khoa học là Cheloniidae) nằm trong Sách đỏ, nặng 25kg. Sau các bước kiểm tra, đánh giá, nhận thấy cá thể rùa biển sau khi bị mắc lưới vẫn khỏe mạnh, bảo đảm sống được khi trở lại với môi trường tự nhiên, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn cùng với ngư dân thả cá thể rùa về môi trường biển.

Một vụ việc khác cho thấy ngư dân đã rất có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Trong 1 đêm cuối tháng 10-2021, ngư dân Lê Nam, 43 tuổi, trú tại thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thả lưới đánh bắt thủy sản thì phát hiện một cá thể rùa biển mắc lưới. Ước tính, con rùa này nặng 120kg. Ngay trong đêm, anh Nam đã báo với Đồn Biên phòng Roòn, BĐBP Quảng Bình. Đội tuần tra, kiểm soát trên biển của đơn vị đã tới tiếp nhận, xác định đây là cá thể rùa biển họ Vích (tên khoa học là Chelonia Mydas), phối hợp với ngư dân gỡ lưới đưa cá thể rùa thả về biển Đông.

Mới đây nhất, vào giữa tháng 2-2022, ngư dân Đặng Hiệp, trú tại thôn Ba Tư, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong khi đang làm nghề khai thác cá bè trên biển thì phát hiện một cá thể rùa (họ Vích) mắc vào lưới. Ông Hiệp ngay lập tức thông báo cho Đồn Biên phòng Triệu Vân, BĐBP Quảng Trị biết về vụ việc. Ông Hiệp sau đó đã đưa cá thể rùa vào bờ để gỡ lưới mắc trên thân. Kiểm tra cho thấy, cá thể rùa nặng hơn 50kg, vẫn khỏe mạnh. Ngày 16-2-2022, Đồn Biên phòng Triệu Vân đã phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và UBND xã Triệu Lăng cùng với ngư dân địa phương thả cá thể rùa này về với biển.

Giữ gìn đa dạng sinh học

Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, người từng thả cá thể rùa biển, dìu cá voi bị lạc trong sông về với biển cho biết: “Chúng tôi được nghe cán bộ BĐBP tuyên truyền nhiều về vấn đề giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển. Cán bộ Biên phòng đã chỉ cho chúng tôi nhận biết một số loài quý hiếm trong danh mục động vật hoang dã cần được bảo vệ, trong đó có rùa biển. Vì vậy, nhiều lần tôi gặp rùa biển bị mắc lưới đều báo cho cán bộ Biên phòng để thả chúng về với môi trường tự nhiên. Bây giờ, bà con đều nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn môi trường sinh thái nên không còn đặt bẫy bắt động vật quý hiếm, ngược lại, khi ra biển, gặp rùa mắc lưới đều báo cho BĐBP để cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên. Chúng tôi thường bảo nhau khai thác thủy sản theo quy định để cùng giữ gìn hệ sinh thái biển”.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) được bảo tồn tốt nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP. Ảnh: Bích Nguyên

Do đặc thù công việc, địa bàn quản lý của BĐBP rất rộng, thường là ở vùng núi, hải đảo, ven biển, trong đó có rất nhiều khu vực có tính đa dạng sinh học rất cao. Có thể kể đến các khu rừng nguyên sinh ở biên giới Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Nam...; các khu dự trữ sinh quyển thế giới như: Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mũi Cà Mau, miền Tây Nghệ An; Cát Bà (Hải Phòng), Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang; rừng ngập mặn Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh); các khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Hòn Cau (Bình Thuận); Phú Quốc (Kiên Giang)...

Đây đều là những khu vực có tính đa dạng sinh học cao, các sinh cảnh sống rất đa dạng, có giá trị sinh thái và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn đa dạng sinh học, bảo tồn nguyên trạng tự nhiên, từ nhiều năm nay, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, các đơn vị BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh cảnh sống của các loài động, thực vật. Rất nhiều đơn vị đã xây dựng các thùng rác xanh, chuyên thu gom rác thải nhựa hoặc tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”..., thực hiện dọn vệ sinh, trồng cây, chỉnh trang cảnh quan môi trường khu dân cư.

Quy mô nhất là Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” đã được các đơn vị Biên phòng triển khai định kỳ, với sự hưởng ứng tham gia của các ban, ngành, chính quyền địa phương và người dân. Không chỉ dừng lại ở hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác thải, các đơn vị Biên phòng còn phối hợp với chính quyền địa phương trồng cây chắn cát, trồng rừng ngập mặn, trồng cây xanh dọc các tuyến biên giới, bờ biển, lập các thùng thu gom rác, dựng biển hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường biển tại các bãi biển. Qua đó, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ sự sống của chính chúng ta ở hiện tại và tương lai.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO