Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 01:04 GMT+7

BĐBP, Cảnh sát Biển: “Phên dậu” chống tội phạm mua bán người

Biên phòng - Tội phạm mua bán người đang là một vấn đề xã hội, diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trên quy mô toàn cầu. Ở Việt Nam, do tác động từ tình hình thế giới và khu vực nên tội phạm mua bán người vẫn có chiều hướng gia tăng ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Tại khu vực biên giới, tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia.

ulkj_image001
Các đối tượng trong 1 đường dây buôn người. Ảnh: Zing.vn

Thủ đoạn phạm tội tinh vi

Các đối tượng hoạt động thành đường dây, có tổ chức, xuyên quốc gia, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để lừa gạt nạn nhân như: thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, Wechat…), sử dụng tên giả, địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên để lừa bán ra nước ngoài; lừa gạt thông qua các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu lao động ở nước ngoài hay cho - nhận con nuôi. Gần đây nổi lên tình trạng tìm người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc, hứa giới thiệu việc lương cao, sau đó bán cho các chủ tàu khai thác hải sản trên biển.

Đối tượng tội phạm đa dạng, ngoài những đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng nước ngoài khi trở về nước đã dụ dỗ, lừa bán người khác; một số đối tượng làm ăn, buôn bán, kinh doanh dịch vụ trên biên giới, do thông thuộc địa hình đã lợi dụng để lừa nạn nhân bán ra nước ngoài.

Nạn nhân bị mua bán từ khắp các địa phương trong cả nước, bao gồm cả nam giới, nữ giới trong độ tuổi lao động, người dưới 16 tuổi, sinh sống chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khoảng 75% nạn nhân ở Việt Nam bị bán sang Trung Quốc.

BĐBP, Cảnh sát Biển giữ vai trò quan trọng

Thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan biên soạn, đăng tải tài liệu học tập, tuyên truyền, phổ biến Luật cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên trong lực lượng vũ trang nắm và thực hiện. Bộ đã ban hành Thông tư số 78/2013/TT-BQP ngày 25/6/2013 quy định các biện pháp của BĐBP và Cảnh sát Biển trong phòng, chống mua bán người nhằm hướng dẫn hai lực lượng này tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nước thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người ở khu vực biên giới, biển và hải đảo.

Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo lực lượng BĐBP xây dựng nội dung Tiều đề án 2 thuộc Đề án 2/Chương trình 130/CP giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực biên giới, biển và hải đảo”, tập trung thực hiện tốt các nội dung, biện pháp như công tác nắm tình hình; công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế và củng cố nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người.

sick_image002
Công an Biên phòng Trung Quốc và BĐBP tiến hành trao trả nạn nhân của tội phạm mua bán người. Ảnh: CTV

Hàng năm, căn cứ tình hình hoạt động của tội phạm mua bán ngời, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Chỉ đạo 138/CP tham mưu để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình 130 trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời chỉ đạo lực lượng BĐBP và Cảnh sát Biển xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người; phối hợp mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới, biển và hải đảo.

Xuất phát từ tình hình thực tế, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch đấu tranh và mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người nhằm tập trung lực lượng, phương tiện; Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài nước đấu tranh với tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân, triệt phá các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, phát hiện, điều tra xác minh, xác lập đấu tranh chuyên án bóc gỡ, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán người, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Kết quả, từ tháng 1-2012 đến tháng 12-2017, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội đã xây dựng 215 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập 110 chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán người. Kết quả khởi tố, điều tra ban đầu các vụ mua bán người theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 là 189 vụ/255 đối tượng. Cụ thể: Năm 2012, khởi tố 24 vụ/37 đối tượng; Năm 2013, khởi tố 62 vụ/67 đối tượng; Năm 2014, khởi tố 23 vụ/44 đối tượng; Năm 2015, khởi tố 38 vụ/48 đối tượng; Năm 2016, khởi tố 31 vụ/44 đối tượng; Năm 2017, khởi tố 11 vụ/15 đối tượng.

Còn nhiều khó khăn

Nước ta có đường biên giới dài, địa hình phức tạp; nhân dân hai bên biên giới mối quan hệ thân tộc, dân tộc lâu đời, thường xuyên qua lại thăm thân, đi chợ, chữa bệnh,… nên hình thành nhiều đường mòn, đường tắt qua lại biên giới; trong khi lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm mỏng, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật thiếu và chưa đồng bộ nên công tác kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Nhân dân khu vực biên giới sinh sống phân tán, nhận thức xã hội thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu cảnh giác nên dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn người.

Ngoài ra, tình trạng kết hôn trái pháp luật hai bên biên giới; xuất, nhập cảnh trái phép với mục đích làm thuê, đi chợ, khám chữa bệnh, làm nương rẫy, săn bắn… gây khó khăn cho công tác quản lý của lực lượng chức năng và là điều kiện để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài biên giới. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu chủ yếu ở địa bàn nội địa hoặc ngoài biên giới, chúng triệt để lợi dụng điện thoại di động, mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện và đấu tranh. Nạn nhân chủ yếu từ các tỉnh nội địa được trung chuyển qua địa bàn biên giới nên không thông thạo địa hình hoặc khi biết mình bị lừa bán khó có điều kiện trình báo cơ quan chức năng, cá biệt có nhiều nạn nhân không biết tên, địa chỉ thật của người lừa bán mình, khai báo không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác xác minh, truy bắt đối tượng phạm tội.

Việc bắt giữ, điều tra các vụ án mua bán người rất khó khăn như: Không bắt được quả tang và đối tượng chủ mưu, cầm đầu vì đối tượng chủ mưu cầm đầu thường không xuất hiện, chỉ điều khiển từ xa; nạn nhân ở nước ngoài khó liên lạc, giải cứu nên không tố giác tội phạm kịp thời.

Pháp luật phòng, chống mua bán người của nước ta với các nước tiếp giáp còn nhiều điểm khác nhau, việc quản lý các loại hình kinh doanh dịch vụ liên quan đến tệ nạn xã hội của các nước tiếp giáp còn bất cập. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng về giới tính, thị trường làm việc dồi dào cũng như thu nhập từ lao động thủ công cao của các nước tiếp giáp và trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan… tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng, móc nối hình thành đường dây mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia, gây khó khăn cho công tác phát hiện và đấu tranh ngăn chặn.

akxu_image003
Lực lượng chức năng Lai Châu bắt giữ đối tượng Lò Thị Chom chuyên đưa người qua biên giới. Ảnh: TTXVN

Việc đánh giá chứng cứ đối với một số cơ quan tiến hành tố tụng có nơi chưa thống nhất; một số quy định của pháp luật còn chung chung, áp dụng pháp luật ở một số địa phương khác nhau nên ảnh hưởng đến công tác điều tra và xử lý tội phạm.

Công tác trao đổi thông tin về tội phạm và nạn nhân với các nước tiếp giáp thường thông qua thư, thời gian nhận được thông tin chậm nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác phối hợp điều tra tội phạm và giải cứu nạn nhân. Nhiều trường hợp nạn nhân sau khi bán ra nước ngoài bị canh giữ, giám sát chặt chẽ nên không có cơ hội báo tin hoặc cung cấp không thông tin đầy đủ, thiếu chính xác dẫn đến việc giải cứu gặp khó khăn.

Kinh phí, phương tiện nghiệp vụ đảm bảo cho công tác phòng, chống mua bán người của BĐBP, Cảnh sát Biển còn hạn hẹp. Hầu hết các đồn Biên phòng và các đơn vị Cảnh sát Biển không được đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu đối với nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người. Những khó khăn này cần sớm được khắc phục để phát huy hiệu quả, tăng cường vai trò của lực lượng BĐBP và Cảnh sát Biển Việt Nam là “phên dậu” bảo vệ người dân tránh được nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán qua biên giới.

Đăng Minh

Bình luận

ZALO