Biên phòng - BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, nhiệm vụ chính trị gắn chặt với đồng bào các dân tộc; địa bàn biên giới là nơi giao thoa của các nền văn hóa. Để xây dựng được phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới, nhất thiết BĐBP phải tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Kết quả đạt được của chính sách dân tộc thời gian qua là rất đáng tự hào, được bạn bè quốc tế ghi nhận; nhưng chúng ta chủ yếu tập trung vào xóa đói, giảm nghèo, giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt, chưa mang tính chiến lược lâu dài. Hiện tại, địa bàn dân tộc, miền núi, biên giới vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước. Mức hưởng thụ các tiến bộ xã hội và mức sống của đồng bào ngày càng doãng xa so với mặt bằng chung của cả nước; chất lượng nguồn nhân lực rất thấp, hệ thống chính trị cơ sở yếu kém; kết cấu hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu sản xuất và phát triển... Đặc biệt, văn hóa của một số dân tộc có nguy cơ bị mai một, mất dần bản sắc, tình trạng pha tạp, biến thái diễn ra ngày càng phức tạp trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Tình trạng mai một bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số như hiện nay sẽ dẫn tới nguy cơ giảm sút ý chí tự lực, tự cường, giảm sút niềm tự hào dân tộc, là kẻ hở để các loại văn hóa độc hại, các tôn giáo trái phép xâm nhập vào đời sống quần chúng, nhất là vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
Thực tiễn 55 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng BĐBP đã cho thấy: Xuất phát từ yêu cầu khách quan của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia mà BĐBP phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới: Tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân định canh, định cư, ổn định sản xuất, đời sống, làm người thầy thuốc, thầy giáo quân hàm xanh; các đồn BP trở thành điểm sáng văn hóa, thành một trung tâm chính trị, văn hóa, nơi giao lưu gặp gỡ của bà con dân bản. Thông qua các sinh hoạt văn hóa như vậy, BĐBP đã tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp dân ngăn chặn các luồng văn hóa độc hại, ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật, phát huy truyền thống yêu nước, gắn kết bản làng, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát huy các giá trị văn hóa tiến bộ trong các hương ước, quy ước, trong lễ hội dân gian, trong phong tục tập quán và sinh hoạt của cộng đồng. Để góp phần làm tốt hơn cho nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, khắc phục được những hạn chế yếu kém trong xây dựng đời sống văn hóa ở vùng biên giới, dân tộc, miền núi hiện nay, bên cạnh các biện pháp kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, BĐBP cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các biện pháp trên lĩnh vực văn hóa:
Trước hết, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
Đẩy mạnh việc khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá toàn diện các giá trị văn hóa truyền thống, từ văn hóa, văn nghệ dân gian, đến phong tục tập quán, lễ hội, tổ chức gia đình, làng bản, dòng họ... theo phương hướng:
Với những giá trị vĩnh cửu, tiến bộ thì bảo tồn, tạo mọi điều kiện phát triển và phát huy tác dụng. Những giá trị cũ, nhưng có thể cải biến, chắt lọc để phục vụ cho sự phát triển văn hóa. Những yếu tố văn hóa tuy cũ, nhưng không gây cản trở gì cho sự phát triển, thì không nên vận động xóa bỏ, bởi vì chúng đáp ứng một phần nhu cầu trong đời sống tinh thần của quần chúng.
Hai là, đề xuất xây dựng mô hình phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cư trú
Nên xây dựng mô hình song ngữ đa văn hóa. Song ngữ đó là ngôn ngữ tiếng Kinh và ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Sử dụng mô hình này sẽ thực hiện được yêu cầu vừa tạo sự giao lưu, thống nhất, hòa nhập cộng đồng các dân tộc anh em, giúp đồng bào tiếp thu văn hóa tiến bộ, đồng thời cũng ngày càng làm phong phú thêm bản sắc văn hóa tộc người. Muốn cho mô hình này đi vào cuộc sống, phải thể chế hóa bằng các văn bản pháp quy của Nhà nước và ban hành một số hệ thống chính sách cụ thể.
Bên cạnh việc dạy tiếng Kinh, phải phổ biến rộng rãi bộ chữ các dân tộc thiểu số, không phải chỉ trong hệ thống giáo dục đào tạo mà cả trong truyền tải thông tin, giao lưu văn hóa. Nhà nước phải điều tiết thông qua các chính sách ở miền núi, thông qua các dự án kinh tế, xã hội để giữ gìn và ngày càng làm phong phú bản sắc văn hóa tộc người, không bao giờ có thái độ thúc đẩy, gò ép làm suy giảm bản sắc văn hóa tộc người.
Ba là, tham mưu cho địa phương khôi phục các hình thức sinh hoạt lễ hội truyền thống
Lễ hội truyền thống và các làn điệu dân ca, dân vũ... một thời gian khá dài ít được phổ biến, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ngày nay không biết các nghi lễ, không thuộc dân ca. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại. Bởi vì, loại hình văn hóa truyền thống này thực chất bây giờ vẫn đang chi phối mạnh mẽ đời sống tinh thần của đồng bào.
Muốn vậy, phải khôi phục và phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa lễ hội tích cực, khai thác cả hình thức như chợ phiên vùng cao để làm sống động sinh hoạt văn hóa quần chúng. Tổ chức các đợt biểu diễn liên hoan văn hóa các dân tộc ở xã, huyện, tỉnh, để nhen lên, duy trì, bảo tồn các loại hình văn hóa - văn nghệ truyền thống.
Bốn là, góp phần đưa nhanh các loại hình văn hóa mới vào vùng biên giới, dân tộc, miền núi
Tuy phương thức thông tin trực tiếp bằng miệng vẫn còn đang phổ biến, song đồng bào cũng đã có nhu cầu tiếp xúc thông tin gián tiếp qua hệ thống thông tin đại chúng: Truyền hình, truyền thanh, sách báo, tranh ảnh. Đây là các loại hình văn hóa mới hấp dẫn, có tác dụng phổ biến nhanh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Vì vậy, cần đề nghị Nhà nước khẩn trương xây dựng đề án phủ sóng truyền hình, truyền thanh ở vùng biên giới. Nơi không thu sóng truyền hình được thì lắp parabon theo từng bản, hoặc cấp bộ video và hàng tuần cung cấp băng hình thời sự, kinh nghiệm sản xuất, các sinh hoạt văn hóa của dân tộc, lồng tiếng dân tộc thiểu số, giao cho các đồn biên phòng phục vụ đồng bào.
Năm là, tham mưu xây dựng các tụ điểm sinh hoạt văn hóa phù hợp với điều kiện địa lý, tình hình kinh tế - xã hội của mỗi vùng
Trong những năm qua, nhờ chính sách ưu tiên phát triển miền núi, dân tộc của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc nên bộ mặt vùng cao biên giới đã khởi sắc. Giao thông phát triển, ngoài thị trấn huyện, đã xuất hiện nhiều tụ điểm dân cư giống như các thị tứ. Tùy theo vị trí của từng tụ điểm mà xây dựng thiết chế văn hóa có quy mô thích ứng. Các tụ điểm có ý nghĩa như: Đồn biên phòng, trung tâm cụm xã thì phải xác định xây dựng cụm thông tin văn hóa như của thị trấn; có đội thông tin tuyên truyền, có nhà văn hóa, thư viện, có đài tiếp sóng truyền hình, truyền thanh.
Riêng đối với các đồn BP ở các xã biên giới phải xác định đây là trung tâm chính trị, văn hóa của cụm xã, vì vậy phải thành lập ban chỉ đạo xây dựng điểm sáng văn hóa của cụm xã, mà thành viên là cán bộ đồn BP, cán bộ văn hóa của các xã, bản...
Sáu là, tham mưu cho địa phương quan tâm xây dựng môi trường văn hóa
Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống trong môi trường cộng đồng gia đình, dòng họ, cộng đồng làng bản. Các môi trường này là nơi trao đổi các giá trị văn hóa của mọi cá nhân, làm giàu văn hóa tộc người. Do đó, cần phải phát huy tính tích cực, xây dựng các cộng đồng có môi trường văn hóa lành mạnh. Xây dựng gia đình văn hóa bên cạnh quan tâm xây dựng các mối quan hệ ứng xử trong gia đình và xã hội cần coi trọng xây dựng nếp sống trật tự, vệ sinh theo các yêu cầu cụ thể: Làm chuồng trại gia súc, không nhốt gia súc trong nhà; có công trình vệ sinh riêng... Trong nếp sống, gia đình cần xây dựng thói quen chi tiêu kế hoạch, giảm bớt các chi phí tốn kém cho các nghi lễ, dẫn đến xóa bỏ lễ thách cưới bằng trâu, bò và bạc nén quá nặng, xóa bỏ tục lệ lạc hậu.
Xây dựng gia đình, làng bản có nếp sống văn hóa là việc làm khó khăn phức tạp, nhưng rất quan trọng. Vì vậy, trong công tác xây dựng nếp sống văn hóa mới phải tiến hành phương châm kiên trì, thận trọng, chắc, thường xuyên, liên tục.
Bảy là, tham mưu việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa
Đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở vùng cao nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có ý nghĩa to lớn cả về phương diện chính trị và phương diện văn hóa. Họ vừa là người đại diện cho dân tộc mình tham gia quản lý, điều hành bộ máy cơ sở, vừa là người đại diện triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ văn hóa thông tin, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc chưa được quan tâm đúng mức, hầu như ở bản nào cũng có những hạt nhân văn nghệ rất tích cực, nhưng đó mới chỉ là phong trào tự phát, cần phải có kế hoạch đào tạo, sử dụng đội ngũ này.
Vấn đề cấp bách trước mắt là có chính sách quy tụ đội ngũ trí thức, các nghệ nhân người dân tộc thiểu số hiện có trên các lĩnh vực để tập trung sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn, xuất bản các công trình về văn hóa các dân tộc thiểu số.