Biên phòng - Pakistan đang trải qua những ngày bất ổn chính trị vô cùng phức tạp. Giới chuyên gia khu vực nhận định, chính trường Pakistan có thể sẽ tiếp tục nhiều tháng “đen tối” nối tiếp nhiều biến động trước khi hé lộ những tia sáng hy vọng.

“Chuyện gì đang xảy ra ở chính trường Pakistan?” là một trong những câu hỏi thu hút sự quan tâm khá lớn của dư luận quốc tế những ngày gần đây. Bất ổn chính trị khơi nguồn từ tình trạng dự trữ ngoại hối cạn kiệt, lạm phát 2 con số khiến giá cả hàng hóa leo thang nghiêm trọng... Bất ổn kinh tế - xã hội kéo theo vị thế của Thủ tướng Pakistan Imran Khan suy yếu mạnh mẽ. Bất ổn lên tới đỉnh điểm vào cuối tuần trước, khi Phó Chủ tịch Quốc hội Pakistan ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội nước này nhằm phế truất ông Khan. Ngay lập tức, Thủ tướng Khan đã kêu gọi Tổng thống Pakistan Arif Alvi giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử. Tổng thống Pakistan cũng ngay lập tức chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Khan để quốc hội nước này bị giải tán và chuẩn bị bầu cử quốc hội trong vòng 90 ngày.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong tuyên bố của ông Khan, có thế lực nước ngoài đang can thiệp mạnh mẽ vào chính trường Pakistan và việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông vừa qua được xem như một âm mưu nhằm loại bỏ người đang điều hành chính phủ nước này.
Theo bình luận của giới chuyên gia chính trị khu vực, không thể phủ nhận những luận điểm mà ông Khan đưa ra là có cơ sở. Cùng với đó, việc quốc hội nước này tiến hành những bước đi với xu hướng loại bỏ thủ tướng dường như khá nóng vội và không thực sự là giải pháp phù hợp của một quốc gia mong muốn ổn định thực chất. Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, sự bất bình trong đời sống xã hội Pakistan do áp lực kinh tế cũng phản ánh cách thức quản trị nền kinh tế quốc gia của ông Khan có nhiều điểm yếu, cũng như chủ trương, chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm có phần chưa phù hợp.
Ông Khan nhậm chức vào năm 2018, khi đất nước đang trong tình trạng kinh tế tồi tệ chưa từng thấy. Sau 4 năm điều hành đất nước, phe đối lập chỉ trích ông Khan liên tục sai lầm trong các chính sách dẫn dắt nền kinh tế khi để lạm phát tăng lên 12%; tăng nợ nước ngoài lên 130 tỷ USD; đồng tiền Pakistan mất giá so với USD tới 30%... Đây cũng là nguyên do khiến các nhà lập pháp đối lập phát động phong trào bất tín nhiệm chống lại ông Khan vào cuối tháng trước.
Các nhà quan sát chỉ ra rằng, chưa từng có thủ tướng nào của Pakistan hoàn thành 1 nhiệm kỳ trọn vẹn 5 năm, trong khi đất nước đã chứng kiến 3 cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 1958 và nền dân chủ mong manh của Pakistan thêm một lần mất ổn định. Trong bối cảnh hiện nay, theo hiến pháp nước này, một chính phủ lâm thời bao gồm phe đối lập sẽ lãnh đạo đất nước tiến tới các cuộc bầu cử được tổ chức trong vòng 90 ngày.
Ở góc độ khác, các nhà quan sát chính trị nhận thấy, ông Khan sắp bị loại bỏ do mối quan hệ của ông với các lực lượng vũ trang - thể chế quyền lực nhất của đất nước bắt đầu tồi tệ trong thời gian gần đây. Quân đội Pakistan từng cai trị đất nước trong khoảng một nửa chiều dài lịch sử 75 năm của quốc gia này. Dù Quân đội Pakistan phủ nhận liên quan đến các sự kiện chính trị vừa qua, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại có thể kích hoạt sự can thiệp quân sự.
Cũng theo giới phân tích, bất kỳ ai trở thành thủ tướng tiếp theo của Pakistan đều phải đối mặt với vô số thách thức. Điển hình nhất là chính phủ mới của Pakistan sẽ cần phải có một công cụ đủ hiệu lực để ngăn chặn nhiều thách thức ở cấp độ quan hệ đối nội và đối ngoại. Song hành với đó, một chính sách triệt để nhằm xoay chuyển nền kinh tế suy yếu mạnh như hiện nay là điều rất khó để thực hiện trong một vài năm nhiệm kỳ. Giới chuyên gia nhận định, để hé lộ những tia sáng hy vọng trong việc bình ổn chính trường, chặng đường đến cuộc bầu cử nhiều khả năng sẽ không dễ dàng.
Thanh Trúc