Biên phòng - Từ ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Lý giải cho việc tăng giá lần này, EVN cho biết giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, dẫn đến EVN lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng. Nếu giá bán lẻ vẫn giữ nguyên như áp dụng từ năm 2019, EVN sẽ tiếp tục bị lỗ 64.941 tỷ đồng trong năm 2023.
Tuy nhiên, trước nguy cơ thiếu hụt hàng nghìn MW điện trong mùa nóng năm nay, có một nghịch lý là Việt Nam đang thừa công suất nguồn của điện gió, điện mặt trời. Bởi, 34 dự án có tổng vốn đầu tư 85.000 tỉ đồng, công suất hơn 2.090MW (gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời) đã hoàn tất thi công, thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động nhưng chưa thể đóng điện vì khung giá điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp có nhiều bất cập và chưa đảm bảo nguyên tắc tỉ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12%.
Theo đơn kiến nghị của nhóm các nhà đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió gửi tới Thủ tướng Chính phủ, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất trên 4.676MW chậm tiến độ vận hành thương mại nên không kịp hưởng biểu giá điện hỗ trợ (FIT), buộc phải áp dụng theo khung giá điện mới cho các dự án chuyển tiếp.
Trong khi đó, việc ban hành khung giá điện mới cho các dự án chuyển tiếp chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thậm chí, bãi bỏ 3 nội dung quan trọng: thời hạn áp dụng giá mua điện trong 20 năm, điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD, điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận.
Thế nên, doanh nghiệp không mặn mà đàm phán bán điện với EVN. Hai bên không chốt được giá do mức giá trần của điện tái tạo chuyển tiếp thấp hơn 20% so với giá FIT; khung giá điện mới cũng không tính tới 10% chi phí dự phòng của dự án năng lượng tái tạo...
EVN cho rằng, những năm gần đây, giá đầu vào của thiết bị năng lượng tái tạo đã giảm rất nhiều so với trước kia nên phải giảm giá mua điện đầu vào. Mặt khác, mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo đang chiếm gần 30% công suất đặt nguồn, nhưng tỷ lệ huy động từ năng lượng tái tạo chỉ chiếm 14%-15% sản lượng điện toàn hệ thống. Phần vì giá điện tái tạo đắt hơn thủy điện nhưng phần quan trọng hơn là điện tái tạo không ổn định công suất, thiếu tin cậy vì phụ thuộc vào thời điểm, theo mùa.
Bất luận thế nào, rõ ràng, tình trạng các dự án năng lượng tái tạo bị “đắp chiếu” đang gây lãng phí nguồn lực đầu tư nghiêm trọng, đồng thời kéo theo nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn. Còn về lâu dài, cơ chế giá không hiệu quả sẽ dẫn tới dừng, chậm đầu tư các dự án, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.
Mặc dù, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận và thống nhất giá điện. Nhưng EVN và các nhà đầu tư khó tìm được tiếng nói chung, chưa thể “thuận mua, vừa bán” do vướng cơ chế, thiếu hướng dẫn chi tiết, nhất là nguyên tắc xác định giá không vượt quá khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã được ban hành.
Thực tế, đến thời hạn hạn chót nộp hồ sơ đàm phán (ngày 31/3), chỉ có 4/85 chủ đầu tư có hồ sơ đề nghị và đến ngày 27/4, EVN cũng chỉ nhận được 20 hồ sơ. Do đó, Chính phủ và Bộ Công thương cần xem xét lại quy hoạch năng lượng tái tạo theo lộ trình hợp lý hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với nhà đầu tư để có thể chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mạnh mẽ hơn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bền vững.
Thanh Thảo