Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6:

Bảo vệ trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19

Biên phòng - Những nguy cơ về xâm hại thể chất và xâm hại tình dục trẻ em cũng như tai nạn thương tích đối với trẻ em đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội khiến trẻ em bị cô lập và đối mặt với nhiều rủi ro, đe dọa sự an toàn của trẻ em, cũng như quyền được phát triển và học tập trong một môi trường an toàn.

Thiếu sự giám sát, chăm sóc của gia đình sẽ khiến trẻ em càng dễ bị tổn thương và phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Ảnh: Bích Nguyên

Những vụ việc đau lòng

Từ đầu năm đến nay, dư luận xã hội không ít lần phẫn nộ vì những vụ việc xâm hại trẻ em bị phanh phui. Có thể kể đến vụ cháu N.H.B (sinh năm 2009, ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) bị mẹ bạo hành và người tình của mẹ xâm hại tình dục. Theo hồ sơ vụ việc, cháu B ở cùng mẹ đẻ là Hoàng Thị Thu Huyền. Huyền có quan hệ tình cảm với Phạm Thanh Tùng nên đối tượng này thường xuyên đến nhà Huyền ăn cơm, ngủ lại. Tùng nhiều lần đe dọa, đánh, ép buộc cháu B cho mình quan hệ tình dục. Ngoài ra, cháu B còn bị mẹ ruột dùng ống nước, dây diện đánh vào chân, tay, lưng. Sự việc đau lòng này chỉ bị phát hiện khi người bác ruột nhận thấy cháu mình bị xây xát nhiều nơi trên cơ thể mới gặng hỏi và trình báo cơ quan Công an. Đến ngày 20-2-2021, tại cơ quan Công an, Tùng thừa nhận đã xâm hại cháu B.

Một vụ việc đau lòng khác xảy ra ngày 17-4, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cháu P.N.Q.N. (5 tuổi, trú tại phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa) được phát hiện tử vong tại một bãi đất trống, vắng vẻ, cách nhà cháu 100m vào buổi tối. Cơ quan Công an điều tra và phát hiện thủ phạm là Phạm Văn Dũng (sinh năm 1975, trú tại đường Võ Thị Sáu, khu phố 3, phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa) - hàng xóm của cháu N. Dũng khai nhận đã bế cháu bé đến khu đất trống, khi cháu la lên, Dũng đã bóp cổ cháu đến chết, sau đó dùng tay xâm hại tình dục cháu N.

Không chỉ bị xâm hại, trẻ em cũng đối mặt với nhiều rủi ro dẫn đến tai nạn thương tích do sự bất cẩn của người thân. Điển hình là vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngày 24-5 khiến 2 cháu T. M. H. (5 tuổi) và em trai là T. M. Đ. (4 tuổi), người dân tộc Mông, trú tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk khi theo cha mẹ ra đồng. Trong lúc cha mẹ đang gặt lúa trên đồng, 2 cháu bị rơi xuống vùng nước gần đó. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, người dân phát hiện 2 cháu đã tử vong.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em

Những vụ việc trên cho thấy, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và phải chịu hậu quả nặng nề nhất do hành vi bạo lực cũng như những rủi ro, tai nạn trong cuộc sống. Hậu quả để lại không chỉ là những tổn thương về thể xác mà cả những di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe tinh thần.

Các báo cáo gần đây liên quan đến Covid-19 đã chỉ ra rằng, các hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn dịch tương tự đi đôi với sức ép kinh tế - xã hội hiện tại đang gia tăng đối với các gia đình, đã dẫn đến bạo lực leo thang, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.

Báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho thấy, tại Việt Nam, số cuộc gọi, tin nhắn tới đường dây nóng và nạn nhân tìm tới “Ngôi nhà bình yên” (nơi tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực gia đình tạm lánh do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng) đã tăng gấp đôi trong thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội; tăng gấp 7 lần trong năm 2020 so với năm 2019. “Ngôi nhà bình yên” đã phối hợp với chính quyền địa phương tư vấn khủng hoảng/can thiệp khẩn cấp, giải cứu gần 30 vụ, tăng 40%. Ngoài ra, theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam, có hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em xảy ra mỗi năm, trong đó, 75% là xâm hại tình dục. Tuy nhiên, đó được xem chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, ẩn chứa phía sau là một thực tế phức tạp và quy mô bạo lực lớn hơn nhiều.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các gia đình và xã hội càng cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em. Trước hết là cần quan tâm, chăm sóc tới đối tượng trẻ em nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường giáo dục cho các em kỹ năng sống, kỹ năng nhận biết và ứng phó với những tình huống nguy hiểm, rủi ro đối với bản thân. Các tổ chức, cá nhân có liên hệ với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để được hướng dẫn, tư vấn về an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Được biết, để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngày 22-5-2021, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt quan tâm phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em.

Bên cạnh đó, sử dụng ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh (nếu có) hoặc ngân sách của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung với phương châm không để trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO