Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 01/12/2023 01:47 GMT+7

Bảo vệ môi trường vùng nuôi thủy sản

Biên phòng - Tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn. Để khắc phục tình trạng này, ngành chức năng địa phương đang đưa ra nhiều giải pháp, từng bước phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

76qh_9a
Vùng biển Vũng Rô (huyện Đông Hòa, Phú Yên) không quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, nhưng hiện vẫn dày kín lồng bè tôm. Ảnh: Phương Oanh

Hệ lụy từ nuôi trồng tự phát

Hơn 20 năm qua, người dân các vùng ven biển Phú Yên đã đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, ào ạt mở rộng nhiều diện tích vùng nuôi. Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 6.000 lao động tại địa phương và nhiều công việc cho lao động dịch vụ hậu cần. Thu nhập từ nghề này đã giúp thay đổi nhanh chóng đời sống người dân cũng như bộ mặt các làng chài vùng ven biển. Không ít những xóm làng nghèo với nhà tôn, nhà lá, vách đất năm xưa, nay đã trở thành “làng tỷ phú”.

Tuy nhiên, hệ lụy đã thấy của việc phát triển nuôi trồng thủy sản tự phát và gia tăng nhanh chóng mật độ nuôi là môi trường bị ô nhiễm, bên cạnh tác động do biến đổi khí hậu, đã làm cho dịch bệnh trên vật nuôi xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng thủy sản. Liên tục trong hai tháng 5 và 6 năm 2017, tại vùng nuôi xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) đã xảy ra đợt tôm hùm chết hàng loạt, với hơn 1,6 triệu con tôm hùm chết, gần 700 hộ nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Trên cơ sở kết quả xét nghiệm 23 mẫu tôm hùm, mẫu thức ăn, mẫu nước và mẫu bùn tại 4 khu vực khác nhau ở vùng biển thị xã Sông Cầu, các ngành chức năng xác định, tôm hùm chết hàng loạt là do môi trường nuôi bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là tầng đáy.

Sau rất nhiều nỗ lực trong việc khắc phục sự cố, với sự hỗ trợ của ngành chức năng địa phương, thời gian qua, người nuôi trồng thủy sản đã khôi phục môi trường, tổ chức lại nghề nuôi. Tuy nhiên, cuối tháng 5 vừa qua, một lần nữa, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên lại đưa ra kết quả quan trắc và cảnh báo về chất lượng 12 mẫu nước tại các vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu). Theo đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng về khí thải, khí độc (NH3, H2S) đã vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 3,2 đến 5 lần. Mặt khác, tất cả các vùng nuôi tôm hùm trong vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông đang có hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp, một số vùng nuôi có mật độ vi khuẩn gây bệnh trên vật nuôi vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 0,4 lần đến 1,9 lần...

Và những ngày này, người dân nuôi ốc hương ở xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) cũng đang đứng ngồi không yên vì tình trạng ốc hương bị dịch bệnh chết hàng loạt. Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, tình trạng môi trường vùng nuôi thủy sản bị ô nhiễm, gây dịch bệnh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái diễn. Hàng trăm gia đình ngư dân mưu sinh bằng nghề nuôi trồng thủy sản luôn sống trong nỗi bất an, bởi số vốn đầu tư thả xuống biển từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, nhưng rủi ro luôn rình rập ập xuống bất cứ lúc nào.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phú Yên, mặc dù các vùng nuôi trồng thủy sản đều nằm trong quy hoạch nhưng chưa có quy hoạch chi tiết. Trong khi đó, đã xảy ra tình trạng khá phổ biến là số lồng bè phát triển tự phát, mật độ thả nuôi cao gấp 2 đến 3 lần so với quy định. Lượng thức ăn thừa trong quá trình nuôi tích tụ qua thời gian làm môi trường nuôi bị ô nhiễm; kèm theo đó, thời tiết vùng nuôi không thuận lợi làm cho mầm bệnh phát triển gây nên dịch bệnh.

Thị xã Sông Cầu quy hoạch vùng nuôi tôm hùm lồng đến năm 2020 là 17.960 lồng nhưng hiện tại đã đạt hơn 22.000 lồng; huyện Tuy An quy hoạch vùng nuôi ở khu vực đảo Lao Mái Nhà 140 lồng, nhưng hiện tại là 1.176 lồng và tại vùng nuôi Vũng Rô (huyện Đông Hòa) mặc dù không quy hoạch nhưng hiện tại có 460 hộ nuôi tôm hùm với 2.000 lồng.

v5e3_9b
Người dân xã Xuân Thịnh cải tạo lồng tôm hùm sau mỗi vụ nuôi. Ảnh: Phương Oanh

Nếu tính một ngày, mỗi lồng nuôi tôm hùm thương phẩm sử dụng ít nhất 15kg thức ăn tươi (cá, cua, ghẹ, ốc, sò...), thì lượng thức ăn dư thừa chiếm khoảng 15%. Như vậy, hằng ngày, tại mỗi vùng nuôi tập trung đã có vài tấn thức ăn dư thừa bị lắng tụ dưới đáy biển không được xử lý dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm nặng.

Tích cực tìm lối ra

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, theo quy hoạch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ của tỉnh khoảng 3.650ha. Có thể thấy, ngành nuôi tôm hùm Phú Yên còn rất nhiều tiềm năng với giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, quan trọng nhất là việc quy hoạch lại vùng nuôi và sắp xếp lồng bè trên đầm vịnh.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cũng cho hay, ngành Nông nghiệp tỉnh này đang phối hợp các ngành chức năng trên địa bàn, hướng dẫn các xã xây dựng các tổ tự quản về sản xuất trên các đầm vịnh theo hình thức người dân đứng ra thành lập các tổ quản lý cộng đồng. Từ đó, người dân tự quản lý, giám sát, kiểm soát sự gia tăng lồng bè, kiểm tra nguồn giống tôm hùm nhập về địa phương, kiểm soát việc thả nuôi theo đúng quy định, thống nhất khoảng cách giữa các lồng nuôi để đảm bảo an toàn môi trường, đảm bảo an ninh trong vùng nuôi, đảm bảo kiểm soát tối đa việc quá tải, dư thừa lượng thức ăn để tránh ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, sẽ tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết trong nuôi tôm hùm nhằm gắn kết trách nhiệm giữa người nuôi với người nuôi, giữa người nuôi với doanh nghiệp mua bán sản phẩm, cung ứng vật tư.

“Lãnh đạo tỉnh đã mời các nhà khoa học tham gia nghiên cứu để xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương củng cố lại việc quy hoạch vùng nuôi trồng, thiết kế lồng bè nuôi cho đúng tiêu chuẩn, kiểm soát giống đầu vào chặt chẽ. Đồng thời cũng khuyến khích các mô hình nuôi thử nghiệm tôm hùm trong lồng, bè ở các vùng biển mở xa bờ, nhằm giảm áp lực môi trường vùng đầm vịnh và gần bờ... Chúng tôi đang làm mọi cách để đảm bảo rằng người dân Phú Yên nuôi tôm hùm sẽ đạt hiệu quả, an toàn hơn” – Ông Trần Hữu Thế nói.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO