Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

Bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng: Còn đó nhiều thách thức

Biên phòng - Với đặc thù địa hình phức tạp, diện tích quản lý rừng lớn, lực lượng mỏng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cán bộ, người dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng thuộc 2 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) gồm: Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Các cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Thùy Dung

Gian nan bảo vệ rừng

Tháng 9-2021, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích gần 413.512ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện: Đắk Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đắk Pơ, thị xã An Khê. Toàn khu được khoanh vùng thành 3 khu chức năng gồm 2 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là nơi chứa đựng nhiều giá trị, mức độ đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật, động vật rừng của Tây Nguyên.

Nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh từ năm 2004-2005 đến nay, anh Chưi (thuộc nhóm hộ số 2 làng Hyêr, xã Ayun, huyện Mang Yang) cho biết: Mình tham gia nhận khoán đã gần hai chục năm nay nên đã trải qua nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì địa hình phức tạp, hiểm trở, nhiều khi trong quá trình di chuyển khiến xe hư, đèo núi dốc cao, khí hậu vô cùng khắc nghiệt khi đêm về và mùa mưa tới nên anh em tham gia quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều vất vả.

Ông Trần Văn Thụ, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 8 (Vườn quốc gia Kon Ka Kinh) cho biết: Diện tích của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là trên 40.000ha, giáp 2 tỉnh và 3 huyện. Vườn có 9 trạm bảo vệ rừng. Tuy nhiên, vì lực lượng mỏng nên công tác tuần tra, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn.

“Trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên công tác tuyên truyền phải thường xuyên được đẩy mạnh để tránh tình trạng phá rừng. Đặc biệt, khi thời tiết bất lợi thì càng phải đẩy mạnh công tác tuần tra vì “lâm tặc” thường xuyên lợi dụng thời cơ để phá rừng” - ông Thụ cho biết thêm.

Tương tự, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng với diện tích quản lý và bảo vệ hơn 15.000ha nên công tác tuần tra, bảo vệ rừng của các cán bộ, người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cũng gặp nhiều thách thức. Ông Lê Kim Thành, một trong những người dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cho biết: Khi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp thì nhiều đối tượng đã tìm mọi cách xâm nhập rừng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Thiếu nhân lực giữ rừng

Hiện nay, khó khăn chung của ngành lâm nghiệp tỉnh Gia Lai là lực lượng mỏng, trong khi diện tích quản lý rừng lớn. Nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng từ năm 2013 cho tới nay, anh Xoal (làng Hà Lâm, xã Đắk Rong, huyện Kbang) cho biết: Công tác tuần tra, bảo vệ rừng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng chưa tương xứng. Thời gian tới, rất mong Nhà nước có chính sách đầu tư cho người dân vùng đệm; tăng diện tích nhận khoán và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Quang Minh, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Bãi Cháy (Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng) cho biết: Với diện tích quản lý hơn 15.000ha nhưng nhân sự chỉ có 14 người nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn “lâm tặc” gặp nhiều khó khăn. “Cũng vì công việc vất vả, địa bàn xa xôi nên việc xin thêm người cũng khó. Đồng thời, khi áp dụng Nghị định số 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì từ năm 2019, anh em không còn phụ cấp kiểm lâm nên lương thấp. Trong khi, anh em chủ yếu là từ các tỉnh khác đến đây công tác, có người ở tỉnh Gia Lai với quãng đường cách chỗ làm hơn 300km. Vì vậy, một số anh em đã xin chuyển ngành, có người xin nghỉ việc” - ông Minh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều thách thức vì diện tích lớn nhưng lực lượng mỏng và chính sách tiền lương đối với người dân, cán bộ bảo vệ rừng chưa tương xứng. Do đó, chưa thu hút được các cán bộ, người dân tham gia vào công tác này.

“Thời gian tới, rất mong Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hơn nữa, cần phải có chính sách, chế độ đãi ngộ cho lực lượng bảo vệ rừng. Đối với người dân vùng đệm thì phải có chương trình, dự án đầu tư để cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức của bà con để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ tác động đến tài nguyên rừng” - ông Quân kiến nghị.

Tương tự, ông Ngô Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: Công việc vất vả, áp lực cao, trong khi cán bộ, nhân viên có thu nhập chính từ tiền lương và các khoản phụ cấp còn thấp, không có ưu đãi nghề hoặc phụ cấp độc hại. Cũng vì vậy, nhiều cán bộ không chịu được áp lực đã xin nghỉ việc. Đồng thời, vì chế độ đãi ngộ thấp, điều kiện làm việc xa nhà nên việc tuyển dụng nhân sự bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi rất mong các cấp, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện bổ sung phụ cấp độc hại và chế độ chính sách của công chức Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, giúp cán bộ, nhân viên có thêm nguồn thu nhập chính đáng từ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến người dân vùng đệm, tạo sinh kế cho đồng bào để ổn định đời sống” - ông Ngô Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh kiến nghị.

Thùy Dung

Bình luận

ZALO