Biên phòng - Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Cơ Tu, những năm qua, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã và đang tập trung thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, gắn với phát triển du lịch “xanh” bền vững.

Đông Giang là vùng đất nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, với khí hậu ôn hòa, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có gần 72% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống cộng cư với người Kinh. Đông Giang có trục giao thông nối từ thị trấn P’rao đưa hàng hóa lên cửa khẩu phụ Tây Giang-Kà Lừm, góp phần giao lưu kinh tế thương mại với nước bạn Lào và thuyên chuyển hàng hóa từ Đông Giang về thành phố Đà Nẵng cũng như Khu đô thị cổ Hội An thông qua quốc lộ 14G. Điều này đã tạo cho đô thị phố núi Đông Giang ngày càng phát triển, khởi sắc, nhưng cũng luôn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Cơ Tu riêng biệt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua, Đông Giang là một trong những địa phương làm tốt công tác gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Giang rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Trong đó, Đông Giang tiếp tục khôi phục, giữ gìn 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận, đó là múa tâng tung da dá, nói lý - hát lý và nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu. Đồng thời, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa với xây dựng các sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc.
Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành sưu tầm những câu chuyện truyền khẩu trong dân gian của đồng bào và từng bước biên soạn, giảng dạy tiếng Cơ Tu trong các cơ quan, đơn vị, các trường học cho cán bộ, học sinh trong huyện. Việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu gắn với xây dựng đời sống mới trên địa bàn huyện Đông Giang thời gian qua đã và đang góp phần đẩy lùi nhiều tập tục lạc hậu như tảo hôn, cưới hỏi, ma chay tốn kém, đốt rừng làm nương rẫy...
Một điều đáng mừng là hiện nay, ở hầu hết các thôn trên địa bàn huyện Đông Giang đều có những vị già làng gương mẫu, những nghệ nhân dân gian người Cơ Tu am hiểu văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình. Đây là những “báu vật sống”, góp phần tuyên truyền, quảng bá để văn hóa Cơ Tu luôn chảy mãi và phát triển trong mạch nguồn văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cùng với đó, việc xây dựng không gian văn hóa Gươl - một thiết chế văn hóa làng Cơ Tu cũng được chính quyền địa phương quan tâm đặt lên hàng đầu. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 57/62 thôn/10 xã đã có Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng). Gươl của mỗi thôn trang bị bộ trống và bộ cồng chiêng. 40/62 thôn có đội múa tâng tung da dá. Tại tất cả 62/62 thôn có phần lớn người Cơ Tu sinh sống đều thành lập đội văn nghệ và duy trì hoạt động câu lạc bộ nói lý, hát lý.
Tại mỗi Gươl của thôn đều có bản hương ước, người dân ký cam kết về những điều cộng đồng cần đoàn kết xây dựng và những điều không được làm để xây dựng thôn, làng văn hóa. Huyện cũng đã phục dựng thành công các lễ hội truyền thống như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng, trình diễn trang phục truyền thống; thu âm và làm đĩa DVD nói lý, hát lý của tộc người Cơ Tu; thành lập các câu lạc bộ nói lý, hát lý; tổ chức mở lớp học tiếng Cơ Tu. Hơn 50% số xã, thị trấn khôi phục được nghề dệt thổ cẩm và đan lát truyền thống, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Những năm qua, phát huy thế mạnh từ sự phong phú, đa dạng, nét riêng có trong văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu trong địa bàn của huyện, Đông Giang còn tìm hướng đi, cách làm phù hợp trong phát triển du lịch địa phương. Huyện đã đầu tư xây dựng Nhà sản xuất và trưng bày dệt thổ cẩm Đh’Rôồng, xã Tà Lu; xây dựng thành công Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Bh’Hôồng 1, xã Sông Kôn, tạo công ăn việc làm cho con em là đồng bào Cơ Tu trong xã Tà Lu và Sông Kôn.
Ngoài ra, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang (thuộc xã Mà Cooih) cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn, lý tưởng của nhiều du khách yêu mến vẻ đẹp nguyên bản, hoang sơ của thiên nhiên, cùng với văn hóa bản địa đậm đà sắc màu truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Khu du lịch sinh thái này không chỉ đang gìn giữ, phát huy được vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa, con người Đông Giang, mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động là đồng bào Cơ Tu sinh sống trong huyện.
Nhìn chung, các điểm du lịch cộng đồng này thường xuyên duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt văn hóa dân gian, từng bước tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về miền đất lịch sử, cùng nhiều nét văn hóa đặc trưng và khám phá thiên nhiên hùng vĩ, con người hồn hậu và thân thiện nơi đây.
Có thể nói, Đông Giang là vùng đất còn tiềm ẩn rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đang được các cấp, ngành trong huyện nỗ lực bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của tộc người Cơ Tu bản địa, gắn với xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây còn là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, trong đó có du lịch “xanh” mà địa phương đang tập trung khai thác, phát triển theo hướng du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm để cảm nhận những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu qua các điệu múa tâng tung da dá hay ẩm thực truyền thống.
Nguyễn Văn Sơn