Biên phòng - Những năm gần đây, khi đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) được nâng lên một bước, diện mạo vùng cao ngày càng đổi mới, phát triển, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống cũng được ngành văn hóa, chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. Để các di sản văn hóa truyền thống thực sự được gìn giữ, bảo tồn, phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, rất cần một lộ trình dài hơi với nhiều giải pháp thiết thực.

Nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống
Khi đề cập đến về vấn đề mai một bản sắc văn hóa dân tộc, ông Lỳ Khai Phà, dân tộc Hà Nhì, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu khóa X, XI chia sẻ, về nghỉ chế độ hưu trí gần chục năm nay tại thành phố Điện Biên, giữa năm 2017, ông mới có dịp trở về thăm quê hương xã Mù Cả, huyện Mường Tè, Lai Châu.
Ông rất vui khi thấy diện mạo quê hương có nhiều đổi mới; đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng người Hà Nhì ngày càng ổn định, phát triển. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Hà Nhì đã bị mai một, thất truyền. Cụ thể như nhạc cụ cổ truyền, những làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc bây giờ còn rất ít người biết hát và sử dụng.
“Người Hà Nhì ở Mường Tè có các loại nhạc cụ truyền thống như sáo dọc, đàn la khư, trống, thanh la, chập cheng...; có kho tàng truyện cổ, truyện thơ, bài hát đám cưới dài tới 400 câu. Xưa kia, trai gái Hà Nhì tỏ tình thường dùng các loại khèn lá, đàn môi, sáo dọc...
Ngày lễ hội còn có trống, thanh la, chập cheng góp vui. Trong đám cưới, đám ma, mừng nhà mới, tiếp khách quý hay ngày tết đều có các cuộc hát bằng tiếng dân tộc. Nhưng hiện nay, trong các bản người Hà Nhì hầu như có rất ít người còn biết hát. Các cụ cao tuổi lần lượt về mường Trời mang theo cả kho tàng dân ca, dân vũ về bên kia thế giới” - ông Phà tiếc nuối.
Cùng chung nỗi niềm trăn trở như ông Lỳ Khai Phà, ông Bàn Xuân Triều, dân tộc Dao, Chủ tịch Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Có lần, đến một bản người Dao ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), tôi cứ nghĩ bản này ai cũng nói được tiếng Dao, nhưng khi hỏi một vài trẻ em thì các cháu đều không biết tôi hỏi gì. Vào nhà trò chuyện với các cụ, tôi mới biết, các cháu thế hệ trẻ bây giờ không biết tiếng Dao nữa”.
Vấn đề nguy cơ mai một bản sắc văn hóa tộc người cũng được nhiều nhà quản lý và nghệ nhân dẫn ra trong một hội thảo về chủ đề tìm giải pháp sưu tầm và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn học nghệ thuật các DTTS, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức tại Hà Nội. Bà Chu Thùy Liên, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho hay, hiện tại, địa phương này đã hoàn thiện việc kiểm kê di sản của các đồng bào DTTS, nhưng đó là một công việc vô cùng khó khăn.
Đơn cử, dân tộc Lào đã sinh sống khoảng 350 năm tại huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, nhưng cho đến trước năm 2012, kiểm kê di sản văn hóa, đồng bào chỉ còn giữ được duy nhất một bộ trang phục dân tộc. Nhiều cộng đồng các DTTS ở Điện Biên đã mất dần chữ viết, trang phục dân tộc bị lai tạp, một số lễ hội truyền thống, nghi lễ sinh hoạt văn hóa cộng đồng không còn được đồng bào tổ chức...
Những giải pháp bảo tồn
Trong những năm qua, lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các DTTS ở Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được thể hiện qua nhiều chương trình, đề án, chính sách đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, ngày 27-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” với tổng kinh phí thực hiện 1.512 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Bộ VHTT&DL đã ban hành và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình bảo tồn văn hóa, lồng ghép các dự án bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án, nhiều địa phương đã từng bước khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống trước nguy cơ mai một. Tại tỉnh Điện Biên, nhờ có Đề án Bảo tồn di sản văn hóa, kể từ sau năm 2012 đến nay, người Lào ở bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã khôi phục lại được bộ trang phục truyền thống. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm ở bản Na Sang II không những được khôi phục mà thổ cẩm của người Lào ở địa phương còn trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng.
Tại Lai Châu, Đề án Bảo tồn văn hóa cấp quốc gia được ngành văn hóa của tỉnh cụ thể hóa thông qua các dự án nghiên cứu, sưu tầm các chất liệu dân ca, dân vũ; bảo tồn bản sắc văn hóa của một số tộc người trước nguy cơ mai một, thất truyền như: Trường ca “Xa nhà ca” của dân tộc Hà Nhì; tục xăm cằm của người Mảng; lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Si La ở xã Kan Hồ (huyện Mường Tè)...
Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của Đề án phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng các dân tộc Mảng, Cống, La Hủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của 3 dân tộc đã kịp thời được khôi phục, bảo tồn, phát huy; các đội văn nghệ thôn, bản được duy trì; các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức...
Trước thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19, định kỳ hằng năm, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với các địa phương tổ chức các ngày hội văn hóa vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, giao lưu văn hóa tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Liên hoan nghệ thuật truyền thống từng dân tộc như Mông, Thái, Chăm, Khmer, Hoa... với quy mô toàn quốc.
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trước đây, nay là Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã được Bộ VHTT&DL triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được Bộ VHTT&DL hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, gắn phát triển du lịch với khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa. ..
Mới đây nhất, Bộ VHTT&DL vừa có Quyết định số 2299/QÐ-BVHTTDL, ngày 16-8-2021, ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các DTTS sẽ được cụ thể hóa trong dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch dân tộc” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Ngọc Ánh