Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 02:35 GMT+7

Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số: Cần giải pháp quyết liệt và dài hơi

Biên phòng - Các dân tộc thiểu số Việt Nam đa phần ở vùng sâu, vùng xa, chiếm tới 1/7 dân số cả nước, sinh sống trải rộng trên ¾ diện tích đất liền, nơi có vị trí vô cùng quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, bảo tồn hệ sinh thái... Trình độ phát triển kinh tế, xã hội giữa các dân tộc không đồng đều, số lượng dân của các tộc người chênh lệch lớn. Một số dân tộc ít người do không được đầu tư sưu tầm, nghiên cứu và sáng tác, dẫn đến tình trạng mai một dần, thậm chí tinh hoa tri thức bản địa có nguy cơ bị biến dạng, mất đi những giá trị văn hóa quý báu của một số tộc người. Giữ gìn tinh hoa văn hóa dân tộc ít người làm cho người dân thêm yêu quê hương, đất nước là việc làm thiết thực, góp phần bảo vệ an ninh biên giới.

dulj_a2
Văn hóa dân tộc cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Ảnh: Minh họa

Ngày 27-7-2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo công bố Quyết định số 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đến năm 2020".

Trong đó, xây dựng Bộ chỉ số phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020; tổng kiểm kê các di sản văn hóa tiêu biểu của các DTTS; hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các DTTS có số dân rất ít người (dưới 5.000 người); ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ là con em người DTTS làm công tác văn hóa; hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng, nghệ nhân; từng bước phát huy hiệu quả sử dụng hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các DTTS; bước đầu đưa giáo dục văn hóa truyền thống các DTTS vào các trường học trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao hưởng thụ và hoạt động văn hóa của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các DTTS.

Đây thực sự là một cơ hội lớn cho việc phát triển đội ngũ các nhà sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác ở cấp cơ sở, bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt là với các dân tộc rất ít người không có điều kiện tự bảo vệ văn hóa của mình. Đồng thời, cũng là một việc làm cần thiết trong lúc chưa muộn.

Thực tế cho thấy, không phải ngày một, ngày hai chúng ta có thể xây dựng được đội ngũ văn nghệ sĩ như mong muốn. Muốn xây dựng được đội ngũ như vậy, cần phải huy động sức mạnh của toàn xã hội, phát huy vai trò chủ thể trong sự phát triển văn hóa các dân tộc. Các chi hội địa phương cần phối hợp chặt chẽ với huyện, tỉnh, nắm vững đội ngũ những nghệ nhân, những người có năng lực và có tình yêu với văn hóa dân tộc mình, bồi dưỡng để trở thành những nhân tố có chất lượng mang tính hạt nhân, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa, khuyến khích lớp trẻ tiếp thu văn hóa của tổ tiên. Ưu tiên những công trình nghiên cứu về những dân tộc ít người không đủ khả năng tự bảo vệ văn hóa của mình.

Do đó, vai trò của các cơ quan có trách nhiệm ở các địa phương trong vấn đề này vô cùng quan trọng, bởi không phải chỉ chú trọng giảm sự chênh lệch về kinh tế và văn hóa, mà còn phải khảo sát và lập một kế hoạch dài hơi bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt với các dân tộc ít người; lập các nhóm sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, khôi phục những phong tục tập quán, những lễ hội phù hợp với thuần phong mỹ tục; thành lập các câu lạc bộ văn hóa, giao lưu, truyền dạy và đưa vào giảng dạy trong nhà trường, trong chương trình giáo dục địa phương. Việc "gieo mầm" trong thế hệ trẻ vô cùng quan trọng, vì chính các em sẽ là đội ngũ cộng tác viên tương lai, kế thừa và phát huy di sản văn hóa dân tộc, làm cho tinh hoa văn hóa dân tộc tỏa sáng và bền vững.

Vấn đề này, lâu nay nhiều địa phương làm khá tốt, nhưng cũng có địa phương chưa chú trọng đúng mức. Đặc biệt, khi làn sóng du lịch lan tới từng làng, bản, nhiều phong tục tập quán bị thương mại hóa, hoặc muốn lập những kỷ lục thu hút dư luận và du khách đã vô tình gây nên một sự biến tướng và sai lệch về di sản văn hóa. Chỉ lấy một ví dụ về phong tục tập quán của người Pà Thẻn, lễ hội nhảy lửa được tôn vinh, làm thăng hoa một giá trị văn hóa độc đáo, nhưng chưa một cơ quan có trách nhiệm nào tổ chức nghiên cứu về chữ viết của dân tộc này.

Đây là một loại hình chữ viết hình vẽ tiền tượng hình rất cổ mà hiện nay, đa số nhà nghiên cứu cùng bà con người Pà Thẻn ở Tuyên Quang, Hà Giang đều cho rằng dân tộc mình không có chữ. Trong khi đó, trên trang phục của phụ nữ Pà Thẻn vẫn thêu những hình vẽ chữ viết của dân tộc mình nhưng không hiểu ý nghĩa (tôi may mắn được Giáo sư Lê Trọng Khánh, nguyên giảng viên trường Đại học Tổng hợp trao tặng công trình điền dã của ông từ những năm 60 của thế kỷ trước nên có hiểu chút ít).

Thiết nghĩ, những vấn đề như vậy phải được đưa vào tình trạng bảo vệ khẩn cấp và vai trò của địa phương, của các nhà sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác rất lớn và phải đặt vấn đề tự bảo vệ, tự thân vận động lên hàng đầu hơn là chờ đợi sự đầu tư và chỉ đạo của Nhà nước.

Nước Việt Nam ta vốn đất không rộng, người không đông, đã từng bị nhiều thế lực ngoại bang xâm lược, có khi dài tới hàng ngàn năm và chúng đều thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc nhưng đều thất bại, bởi ông cha ta đã đoàn kết trong việc giữ gìn và phát huy vốn văn hóa dân tộc. "Văn hóa còn, dân tộc còn. Văn hóa mất, dân tộc mất".

Trách nhiệm giữ gìn và phát huy vốn văn hóa dân tộc là của mỗi người dân đất Việt, trong đó có đội ngũ những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy và sáng tác, đồng thời có vai trò quan trọng của những cán bộ, chiến sĩ BĐBP là những người gần dân nhất, hiểu rõ phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc ít người.

Trần Vân Hạc

Bình luận

ZALO