Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 04:08 GMT+7

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật nhạc ngũ âm của người Khmer

Biên phòng - Người Khmer có câu nói ví von rất hay rằng: "Trẻ con Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết", câu nói ấy đã minh chứng sự ảnh hưởng sâu rộng của âm nhạc Khmer trong đời sống tinh thần của dân tộc Khmer. Trải qua nhiều thập kỷ, người Khmer Nam bộ đã hun đúc nên những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong kho tàng văn hóa ấy, nhạc ngũ âm (Phlang Pưn Piết) được xem là "tài sản" quý giá nhất của đồng bào Khmer. Sự phát triển của nhạc ngũ âm trong cuộc sống hiện đại, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở các phum, sóc...

u4lg_8a-1.jpg
Dàn nhạc ngũ âm ở chùa Sóc Bà Mai thu hút thanh, thiếu niên trong phum, sóc đến tham gia tập luyện. Ảnh: Phương Nghi

Về mặt hình thức, nhạc ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, đảm bảo các yếu tố hòa âm cho cả dàn. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam bộ Trần Văn Bổn, ngũ âm là 5 loại chất liệu tạo thành âm thanh của nhạc, thường là đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 7 đến 9 loại nhạc khí khác nhau.

Trong đó, nhóm âm thanh bằng tre, gỗ có Rô-niết-ek (đàn thuyền), Rô-niết-thung, bộ trống Sakhô-somphô, Sakhô-thôm, đàn Cò và bộ trống Sa-dăm. Các chất liệu bằng sắt hoặc đồng, gang như: Bộ cồng lớn và nhỏ Pét-kuông-thôn; Rô-niết-đek cho đến cây đàn Tà-khê, đàn Khưm. Loại nhạc khí thổi hơi với kèn Srô-lây (2 loại Srô-lây-tôck (kèn nhỏ) và Srô-lây-thung (kèn lớn)...

Trong dàn nhạc ngũ âm, nhạc khí Rô-niết-ek được xem là loại nhạc khí chủ đạo, có vai trò dồn bè. Nhạc khí này gồm có 26 thanh gỗ hoặc tre hình chữ nhật, dài khoảng 20cm, rộng chừng 5cm, được ghép lại với nhau thành một xâu dài. Hai đầu được gá vào một thùng gỗ có hình thức như chiếc thuyền nhỏ, chỉ có một chân đỡ. Trong lễ hội, mặc dù quy tụ được nhiều nhạc cụ khác nhau, nhưng âm thanh của nhạc ngũ âm vang lên luôn chiếm một vai trò chủ đạo, làm thay đổi hẳn không khí và lôi cuốn mời gọi những đôi nam nữ nắm tay nhau, thể hiện các điệu múa duyên dáng làm say đắm du khách.

Những ngày này, có dịp về thăm chùa Giá Rai (cũ) ở thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, chúng ta sẽ được nghe những tiếng nhạc ngũ âm rất êm tai. Tiếng trống, nhạc không phải phục vụ cho việc cúng phước hay lễ hội trong chùa, mà là sự miệt mài tập luyện của cả đội nhạc ngũ âm chùa Giá Rai (cũ) với bản nhạc "Mừng được mùa".

Vừa dạo xong bản nhạc, ông Danh Phanh, người đề xuất với chùa khôi phục đội nhạc ngũ âm bày tỏ: Nhạc ngũ âm là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Khmer. Theo phong tục, tập quán, nhạc ngũ âm chỉ được phép "ra mắt" vào các ngày lễ lớn trong chùa, nên bà con quý nhạc ngũ âm dữ lắm! Do thất truyền trong một thời gian dài, nên nhà chùa vận động phật tử quyên góp mua bộ nhạc ngũ âm mới.

"Từ khi được trang bị dàn nhạc mới, những nhạc công trong đội đã khuyến khích con em mình theo học và phong trào chơi nhạc ngũ âm đã thu hút số đông thanh niên trong phum, sóc. Nhiều em tuy tuổi đời còn nhỏ nhưng lại rất đam mê âm nhạc dân tộc mình" - ông Danh Phanh nói. Để tấu các nhạc cụ này, đòi hỏi người chơi phải biết sử dụng một cách thành thạo, hiểu được cách thức hòa âm, thật sự yêu nghề và phải có sáng tạo mới có thể thể hiện hấp dẫn được.

Tiếp xúc với thành viên nhí đội nhạc ngũ âm chùa Giá Rai (cũ), em Hiệu Điều chia sẻ: "Dù thời gian tiếp xúc chưa nhiều, nhưng em rất yêu thích nhạc ngũ âm. Em sẽ cố gắng học hỏi và luyện tập thật tốt để phục vụ đồng bào dân tộc mình". Ngoài việc phục vụ bà con các phum, sóc, đội nhạc ngũ âm chùa Giá Rai (cũ) còn tổ chức giao lưu, biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh và khu vực. Đây cũng là một cách hay để các dàn nhạc ngũ âm ở Bạc Liêu được giao lưu, học hỏi, nhằm nâng cao chất lượng chương trình.

Trải qua thời gian, nhạc ngũ âm được chế tác hoàn chỉnh với nhiều nhạc cụ khác nhau, tuy có một số chi tiết đã thay đổi, cả nhạc cụ cũng như tiết tấu âm nhạc, nhưng về cơ bản, các nhạc cụ cổ vẫn giữ nguyên dạng. Nghệ nhân Danh Thiên - người có khoảng 60 năm gắn bó với nhạc ngũ âm ở chùa Sóc Bà Mai, ấp 8, xã Vị Thủy (Vị Thủy, Hậu Giang) cho biết: "Để sử dụng thành thạo các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm, đòi hỏi người sử dụng phải am hiểu cách thức hòa âm, thật sự yêu nghề và phải có sáng tạo mới có thể thể hiện được một cách chuyên nghiệp. Hiện nay, ở các đội văn nghệ Khmer Nam bộ, các nhạc công chỉ truyền nghề lại cho nhau bằng cách học lỏm, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, nên không thể hiện được hết nét độc đáo của loại hình nhạc cụ này".

Để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Danh Thiên vừa mượn bộ ngũ âm của chùa Khmer Sóc Bà Mai về dạy cho con cháu và những người trong phum, sóc, với một ước nguyện là truyền đạt những gì đã biết cho thế hệ trẻ.

Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer Nam bộ, nhạc ngũ âm được coi là tài sản quý, đã ăn sâu vào tiềm thức của họ từ bao đời nay như máu thịt. Dấu ấn truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer rất đặc sắc, trong đó, dàn nhạc ngũ âm luôn là biểu tượng không gian văn hóa sinh động, là linh hồn trong đời sống văn hóa của người Khmer ở Nam bộ. Tuy nhiên, hiện tại nhiều chùa Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có dàn nhạc ngũ âm; những nơi có thì đã xuống cấp. Bên cạnh đó, nhiều nhạc công chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu là truyền nghề theo kinh nghiệm nên kỹ năng biểu diễn còn rất hạn chế...

Trước những khó khăn trên, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư nhạc cụ cho các chùa, đồng thời, liên kết tổ chức các lớp đào tạo bài bản về nhạc ngũ âm. Bên cạnh đó, đồng bào Khmer cũng cần thấy được trách nhiệm của mình, trong việc chung tay bảo tồn và phát huy tinh hoa của loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này.
Phương Nghi

Bình luận

ZALO