Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 03/12/2023 02:17 GMT+7

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên

Biên phòng - Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức ngày 25-4, tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trong khuôn khổ tọa đàm, các đồng chí lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học… đã phân tích, làm rõ các giá trị lý luận và thực tiễn cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên. Phóng viên Báo Biên phòng lược ghi một số ý kiến của các đại biểu.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

Văn hóa không chỉ là cội nguồn, nguồn lực phát triển, mà còn là bức tường thành vững chắc, kiên cố nhất, có ý nghĩa nhất bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Nếu không có văn hóa đủ mạnh thì không chỉ không bảo vệ được cương thổ đất nước, mà còn bị xâm lăng, đồng hóa văn hóa, ảnh hưởng tới sự trường tồn của dân tộc.

Văn hóa vùng biên gắn với con người vùng biên. Chính người dân ở vùng biên giới với truyền thống văn hóa được kết tinh thành ý chí dân tộc sẽ là những “cột mốc sống” quyết định thành bại Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Trong thời gian qua, Trung ương Đoàn đã tập trung triển khai 3 trọng tâm lớn trong phát triển văn hóa, đó là: Văn hóa trên không gian số, văn hóa biên cương và khởi nghiệp văn hóa, trong đó, có chuỗi hoạt động tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên”. Thời gian tới, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các Tỉnh đoàn, Thành đoàn tổ chức tọa đàm, trao đổi và nhận thức rõ về việc tham gia phát huy giá trị văn hóa vùng biên, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP:

Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới nói riêng thì đất đai, lãnh thổ không chỉ có giá trị đơn thuần là vùng đất, vùng nước, vùng trời, mà còn là bề dày lịch sử dân tộc được hình thành bởi sắc màu văn hóa vùng cao. Từ trong cội nguồn, nền văn hóa của đồng bào các dân tộc đã gắn bó sâu sắc với lãnh thổ thiêng liêng, mỗi tấc đất trên đường biên của Tổ quốc đều mang đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Những năm qua, BĐBP đã kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Truyền thống văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc trên biên giới là lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cao, luôn đi đầu trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, luôn gắn kết và đồng hành cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Do vậy, trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phải phát huy được truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc, ra sức xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đập tan mọi âm mưu và hành động gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản cách mạng.

Đồng chí Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc:

Theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019, đồng bào DTTS có 14,2 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước, trong đó, có 6 dân tộc trên 1 triệu người; 14 dân tộc dưới 10.000 người; 5 dân tộc dưới 1.000 người. Đồng bào DTTS đa số sinh sống thành cộng đồng ở 4 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và duyên hải miền Trung.

Để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các tỉnh biên giới thì vai trò của thanh niên hết sức quan trọng. Do đó, cần xây dựng đội ngũ đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên là người DTTS trong việc triển khai các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Trung ương Đoàn cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc triển khai Dự án số 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi và triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS”; tổ chức dạy tiếng dân tộc cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thanh thiếu nhi DTTS có thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam:

Di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam là rất khổng lồ và vĩ đại. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã tiến hành nhận diện di sản này và đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, những thành tựu này mới chỉ là bước đầu. Văn hóa và các giá trị truyền thống của các dân tộc cần được coi trọng và xem như động lực phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc, các vùng.

Đảng ta xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Thực thể tinh thần, di sản vật chất và tinh thần cần được tôn trọng và phát huy đầy đủ không phải chỉ trên lĩnh vực văn hóa, mà còn có ý nghĩa sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực, các ngành. Việc xây dựng bất cứ chương trình, dự án phát triển nào cũng cần phải quán triệt quan điểm thực sự kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Thực tế cho thấy, chủ thể DTTS, chủ thể kinh tế - xã hội, văn hóa có vai trò, tiếng nói quyết định đối với sự phát triển thông qua các chương trình, dự án. Do đó, trong chiến lược phát triển hiện nay, phải xây dựng quan niệm về chủ nhân, chủ thể văn hóa. Quan niệm và chỉ đạo thực hiện phải làm cho người dân thực sự có tiếng nói quyết định, không áp đặt dưới mọi hình thức đối với vấn đề phát triển của từng dân tộc, từng cộng đồng. Xây dựng sự tự ý thức của mỗi người dân là yêu cầu sống còn đối với sự phát triển của mỗi dân tộc.

Thùy Chi (thực hiện)

Bình luận

ZALO