Biên phòng - Trong xu thế hội nhập hiện nay, do nhiều yếu tố khác nhau, các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và các môn thể thao, trò chơi dân gian nói riêng không tránh khỏi nguy cơ bị mai một, thay vào đó là các trò chơi, trò giải trí mang tính hiện đại. Tuy nhiên, trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên các trò chơi dân gian vẫn chiếm một vị trí nhất định.

Tỉnh Điện Biên hiện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống như Thái, Mông, Kinh, Dao, Tày, Phù Lá, Si La..., mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt, do đó các trò chơi dân gian cũng rất phong phú, sinh động. Trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc thiểu số, mỗi trò chơi tuy có ý nghĩa, cách chơi khác nhau nhưng tựu chung đều có xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hằng ngày của đồng bào và phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường đoàn kết cộng đồng.
Nghệ nhân Lường Thị Song, Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên cho biết: “Trước đây cũng như bây giờ, trong tất cả các lễ hội, ngày Tết của người Thái, bên cạnh phần lễ là các nghi thức, nghi lễ thuộc về tâm linh thì phần hội không thể thiếu các trò chơi dân gian như tó má lẹ, đi cà kheo, đẩy gậy..., đặc biệt là trò chơi ném còn. Với những người phụ nữ Thái không chỉ biết chơi ném còn, mà họ còn khéo léo khâu những quả còn bằng vải. Bên trong quả còn được nhồi bông, cỏ mềm, vải vụn, hoặc hạt của cây bông.
Bên ngoài quả còn được trang điểm bằng tua rua ngũ sắc trông sặc sỡ rất đẹp. Trò chơi ném còn vừa mang tính văn hóa lại vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo, tài tình, nhẹ nhàng khi tung, khi bắt. Chơi ném còn đòi hỏi người chơi phải kết hợp các động tác toàn thân, sảng khoái tinh thần và trên hết, thể hiện tinh thần đoàn kết, vui vẻ”.
Nếu ném còn là trò chơi ưa thích của người Thái thì tù lu là trò chơi không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông. Anh Vàng A Sình, ở bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên cho biết: “Với người dân ở địa phương hiện nay, các trò chơi dân gian không thể thiếu vào các dịp lễ, Tết, bà con còn tham gia rất nhiệt tình. Người lớn tuổi ở đây biết chơi nhiều hơn. Bọn trẻ cũng rất thích thú học các trò chơi dân gian, nhiều em chơi rất thành thạo”.
Như vậy, có thể thấy rằng, dù cuộc sống phát triển nhưng các trò chơi dân gian vẫn chiếm một vị trí nhất định trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên. Không chỉ những người lớn tuổi, ở thế hệ trẻ cũng luôn ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.
Em Lường Thị Ánh, ở bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Là người con dân tộc Thái, mặc dù sống trong thời kỳ hiện đại, nhưng em vẫn luôn muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là các trò chơi dân gian. Tuy nhiên, do ít có cơ hội được tham gia nên em chơi không giỏi mà chỉ biết chơi ném còn và kéo co. Với các bạn trẻ tại địa phương em cũng vậy, rất yêu bản sắc dân tộc và đều nhiệt tình, hứng thú tham gia các trò chơi dân gian mỗi khi địa phương tổ chức”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện trên cơ sở khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, ở mỗi địa phương đã từng bước đưa các môn thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số vào nội dung thi đấu cũng như hoạt động trong các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa-thể thao, đại hội thể dục-thể thao các cấp.
Ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Để duy trì và phát triển các môn thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết phải nắm bắt được điều kiện và thế mạnh của từng vùng miền, từng dân tộc, từ đó xây dựng hình thức tổ chức tập luyện thể dục-thể thao phù hợp cho mọi đối tượng ở thôn, bản, xã, phường, thị trấn, trong đó chú trọng vào các môn thể thao mang tính chất truyền thống như đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tù lu, kéo co... Đây là cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian đặc thù của đồng bào các dân tộc.
Hồng Minh