Biên phòng - Nói đến nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An, nếu như người dân tộc Thái có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người Mông có nghề rèn, người Khơ Mú có nghề đan lát thì người Thổ có nghề đan võng gai truyền thống. Nghề đan võng gai không chỉ mang lại thu nhập cho bà con, mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể đáng quý của đồng bào dân tộc Thổ.
Tỉ mỉ nghề đan võng gai
Đồng bào dân tộc Thổ cư trú chủ yếu ở một số bản làng thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ (Nghệ An). Từ xa xưa, người Thổ đã có nghề đan võng gai truyền thống không chỉ để phục vụ nhu cầu trong sinh hoạt gia đình, mà còn để bán cho người Kinh, người Thái ở những làng xung quanh.
Còn nhớ, những năm tháng ấu thơ, tôi thường được mẹ dẫn vào nhà một người bác ở làng La, thuộc xã Minh Tiến, huyện Quỳ Hợp. Đây là một ngôi làng có người Kinh và người Thổ ở xen kẽ với nhau. Đi vào trong làng luôn bắt gặp hình ảnh chiếc võng đong đưa trước hiên nhà với tiếng ru ầu ơ của người bà, người mẹ, mang đến một cảm giác rất đỗi bình yên, gần gũi.
Bà Trương Thị Mây, một người đan võng gai rất giỏi ở cạnh nhà bác tôi cho biết, xưa kia, người phụ nữ Thổ học đan võng gai cũng như người phụ nữ Thái học dệt vải. Từ thuở bé, nhìn bà, nhìn mẹ làm rồi tự mày mò, nhớ và làm theo. Những chiếc võng gai làm ra được đổi lấy váy để mặc hay đổi lấy gạo hoặc những vật dụng sinh hoạt trong nhà. Tranh thủ những lúc nông nhàn, sau vụ mía, vụ sắn, các bà, các mẹ lại ngồi tỉ mẩn với từng sợi gai.
Bà Trương Thị Thống, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đan võng gai truyền thống xã Giai Xuân trăn trở: “Đan võng gai là nghề truyền thống của người Thổ. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ những phụ nữ luống tuổi đam mê với công việc này, còn thanh niên không mặn mà lắm, vì thu nhập từ nghề đan võng quá thấp”.
Để cho ra sản phẩm võng gai phải trải qua nhiều công đoạn. Bà Trương Thị Thống, một nghệ nhân dệt võng gai giỏi ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ chia sẻ, đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu. Gai phải già, bỏ lá, tuốt hết vỏ trên thân gai để lấy được một vài sợi gai bé. Mất thời gian nhất là khâu lột vỏ gai. Thân cây gai chỉ bằng chiếc đũa, khi lột vỏ phải kiên trì, khéo léo để không làm dây đứt thành từng đoạn nhỏ.
Sợi gai sau khi bóc ra được đem phơi đủ nắng, sau đó mới chọn sợi và tết quai. Tùy thuộc vào cách tết, cách bố trí hoa văn khác nhau mà có võng được tết then hai, then ba, có võng tết then sáu, then bảy. Ở võng then hai, then ba, mỗi mắt võng có 2 đến 4 lỗ nhỏ nằm trong một khung đan, số lỗ tăng theo từng loại then. Hầu hết võng gai đều có chiều dài khoảng 2,2m, rộng 1,6m; các mắt võng cùng một khổ 12x12cm.
Cái khó cũng là nét tinh hoa nhất của võng gai là cách tết phần tăng võng và tạo hoa văn từng mắt võng. Từng sợi gai được đôi bàn tay các mẹ, các chị người Thổ vừa đan, vừa xoắn sao cho săn chắc. Hai đầu võng và phần tang hai mép võng được bện cầu kỳ, đặc biệt các vết nối khéo léo đi liền với nhau khó có thể phát hiện được. Khâu quan trọng và khó khăn trong quá trình đan võng là định hình được phần đầu và phần đuôi võng, nếu người làm không khéo, phần đầu và đuôi võng bị lệch nhau là phải tháo ra làm lại. Có những chiếc võng, phải chỉnh đi chỉnh lại nhiều lần mới hoàn thành.
Để hoàn thành một chiếc võng gai, nếu đan tranh thủ lúc rảnh rỗi thì cũng phải làm mất hơn 1 tháng mới xong. Võng gai không màu mè, hình thức không bắt mắt nhưng được nhiều người dân trong vùng sử dụng, vì võng rất bền, nằm êm, mát, rất dễ chịu. Một chiếc võng gai hiện nay có giá dao động từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng. Nếu so với võng dù, võng vải thì giá võng gai vẫn khá cao, nhưng độ bền chắc thì… miễn bàn.
Phục hồi nghề truyền thống
Mặc dù nhắc đến nghề đan võng gai truyền thống, người Thổ ai cũng tự hào và trân quý. Tuy nhiên, do quá trình sống cộng cư với người Kinh, đất đai bị thu hẹp dần, cây gai để làm võng ngày càng khan hiếm nên nghề đan võng dần dần bị mai một. Tại làng Mó, làng văn hóa thuần Thổ thuộc xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp hiện nay chỉ còn khoảng 7-8 cụ bà giữ nghề đan võng gai. Còn ở các xóm Đò, Sợi Dưới, Sơn Tiến... thuộc xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, số người đan võng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Với mong muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình, từ năm 2015, Chi hội Phụ nữ xóm Long Thọ (xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ) đã thành lập Câu lạc bộ đan võng gai truyền thống, đến nay thu hút được 34 hội viên tham gia với đủ mọi lứa tuổi.
Những ngày nông nhàn rảnh rỗi, các bản làng người Thổ ở Giai Xuân lại nhộn nhịp cảnh người bóc vỏ, tước sợi, đan võng. Nhiều hộ gia đình làm võng gai ở xã Giai Xuân chia sẻ, vì là nghề truyền thống của cha ông nên gia đình họ phải giữ gìn. Còn xét về thu nhập từ nghề truyền thống thì không ăn thua, bởi đan võng thủ công mất rất nhiều thời gian, công sức. Sản phẩm làm ra không được nhiều nên thu nhập mang lại cũng không đáng kể. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lại chủ yếu chỉ quanh quẩn tại địa phương nên việc duy trì hoạt động sản xuất của các hội viên chỉ mang tính chất cầm chừng.
Để bảo tồn, phát triển nghề dệt võng gai cho người Thổ, bà Nguyễn Thị Anh Trâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Kỳ cho biết: “Hội đang phối hợp với một số ban, ngành liên quan tổ chức khảo sát các làng nghề của người Thổ để nhân rộng mô hình và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm võng gai. Về phía chính quyền địa phương cũng cần tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm võng gai ra các thị trường khác nhằm giúp bà con có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập”.
Ngọc Ánh